Cặp vợ chồng già cưu mang trẻ mồ côi, bất hạnh

Ở thôn Hội Đức (xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), có vợ chồng người cựu chiến binh Nguyễn Thành Phương (75 tuổi) và bà Trần Thị Kim Quy (64 tuổi) đã âm thầm cưu mang, nuôi dưỡng, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh.

Trong suốt 30 năm qua, mái ấm của ông bà như ngôi nhà cổ tích ấm áp, đầy tình yêu thương với hơn 20 mảnh đời bất hạnh.

Cưu mang người dưng

Vừa đến đầu ngõ nhà ông Phương (75 tuổi), tôi đã nghe tiếng cười nói ríu rít của gần 10 đứa trẻ. Thấy tôi, một cô bé nhanh nhảu chạy vào trong nhà gọi: “Ông bà ngoại ơi! Có khách ạ”. Ôm cô bé vào lòng, bà Quy cười hiền: “Con bé tên Trần Phạm Hoài Thương, học lớp 2. Gia đình nuôi cháu đã hơn 2 năm rồi, xem như con cháu trong nhà”.

Suốt 30 năm qua, vợ chồng ông Phương cưu mang nhiều trẻ mồ côi Ảnh NT

Hoàn cảnh của Hoài Thương rất đáng thương, mẹ mất năm 2014, còn ông bà của Thương người thì bệnh tật, người đã mất vì bệnh ung thư. Thế là người cha đành gửi Thương cho vợ chồng ông Phương nuôi để đi làm ăn xa. Thời gian đầu, cha của Thương vẫn gọi điện và gửi tiền về cho gia đình ông Phương nuôi cháu nhưng được một thời gian thì cũng biệt tích.

Thế là ông bà Phương lại càng thương yêu, chăm sóc cho Thương nhiều hơn trước, mong bù đắp những thiếu thốn về mặt tình cảm cho cháu.

Trải lòng về chuyện nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, những người neo đơn, bà Quy từ tốn: “Ngày xưa chiến tranh, cha tôi đi tập kết, mẹ thì bị tù đày. Lúc đó, tôi mới 5-6 tuổi, không có cha mẹ bên cạnh nên được bà con láng giềng quan tâm, cưu mang. Người cho cơm ăn, người cho quần áo mặc, nhờ thế mới sống đến ngày hôm nay. Bởi vậy, khi thấy người nào cơ cực, không nhà cửa, không ai chăm sóc, giống như mình trước đây, tôi lại thấy đồng cảm, muốn được giúp đỡ”.

Với suy nghĩ ấy, từ năm 1985 đến nay, ông bà đã nhận nuôi nhiều trẻ em nghèo, mồ côi. Mỗi hoàn cảnh đều có những số phận, nỗi bất hạnh riêng. Cháu thì mồ côi cha, cháu thì không còn mẹ, có trường hợp còn cả cha lẫn mẹ nhưng gia cảnh nghèo khó nên đành nhờ ông bà nuôi giúp.

Mấy chục năm qua, trong nhà ông bà lúc nào cũng có thêm thành viên. Hết lượt người này lớn khôn, lại đến lượt đứa trẻ khác được ông bà nhận về. “Vợ chồng tôi ngày càng lớn tuổi, sợ lo không nổi nhưng rồi cầm lòng không được, cứ động viên nhau cố gắng, dù khó cũng phải giúp những đứa trẻ đến cùng”, ông Phương chia sẻ.

Những hoàn cảnh bất hạnh, những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn mà vợ chồng ông bà nhận cưu mang, nuôi dưỡng đều là người dưng nhưng khi đã có “nhân duyên” gặp, ông bà đều xem như những thành viên trong gia đình, hết mực yêu thương.

Bà Quy vui vẻ, bảo: “Gia đình mình ăn gì thì tụi nó ăn cái đó, có công việc thì cùng nhau làm”. Cứ vậy, nhiều đứa trẻ lớn lên từ ngôi nhà của ông bà. Nhiều người ông bà nhận nuôi từ lúc 3-4 tuổi nay đã khôn lớn, người học đại học, người đã lập gia đình...

Dạy nghề, dạy làm người tốt

Trước đây, ông Phương có nghề sửa xe để kiếm thêm đồng ra, đồng vào nuôi trẻ. Đó cũng là nghề ông truyền dạy cho nhiều thanh niên khuyết tật, người từng lầm lỡ gây dựng cuộc sống. “Rời chiến trường, tôi bị thương tật hơn 68%, cụt một tay nhưng tự nhủ lòng phải cố gắng làm việc, học thêm nghề sửa xe để cải thiện kinh tế của gia đình. Cũng từ đó, nhiều thanh niên khuyết tật trong xã cũng học theo, xin tôi dạy nghề để kiếm sống”, ông Phương kể.

Nhắc về những người học trò của mình, ông Phương vui mừng khoe về ông Nguyễn Minh Hoàng, nay đã hơn 50 tuổi, hiện ở huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ông Hoàng quê ở xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Thời còn trai trẻ, Hoàng từng lầm lỗi. Hoàng ở với mẹ, gia cảnh rất khó khăn. Biết được gia đình ông Phương hay giúp đỡ, cưu mang người nghèo, dạy nghề sửa xe cho thanh niên, mẹ Hoàng đã xin ông Phương cho con trai ở nhà ông học nghề.

Ông Phương trầm ngâm nhớ lại: “Lúc nghe lý lịch của Hoàng, bà nhà tôi cũng lo nhưng tôi rất tự tin, với cách sống chân thật, tình nghĩa trước giờ của gia đình mình sẽ cảm hóa được cậu ấy”. Vậy là năm 1989, lúc 25 tuổi, Hoàng khăn gói lên nhà ông Phương cùng ở, cùng học nghề.

Hơn 3 năm sống ở nhà ông Phương, Hoàng luôn chăm chỉ làm việc, sống hòa đồng với mọi người. Ông Phương giãi bày: “Muốn người ta nghe mình, trước tiên bản thân vợ chồng tôi phải gương mẫu, sống trách nhiệm. Hơn nữa, những người chúng tôi cưu mang đều là những người vốn thiếu thốn tình thương, nên vợ chồng tôi luôn ân cần, đối xử bằng cái tâm. Đặc biệt với những người từng lầm lỗi, phải biết bao dung và tin tưởng họ, giúp họ mạnh dạn làm lại cuộc đời”.

Giờ đây, ông Hoàng đã có tổ ấm riêng. Ông có 5 người con, trong đó có 3 người tốt nghiệp đại học, có công việc làm ổn định. Ông Phương phấn khởi kể: “Lâu lâu về quê, gia đình nó lại ghé thăm vợ chồng tôi, còn không về được thì gọi điện hỏi thăm. Thấy những người mình cưu mang, giúp đỡ thành công, sống hạnh phúc là điều mà chúng tôi vui sướng nhất”.

Nhân lên tình yêu thương

Trong mảnh vườn nhỏ của vợ chồng ông Phương, ngoài ngôi nhà của ông bà, sát bên là ngôi nhà của cô con gái lớn Nguyễn Thị Hoài Nhơn. Chị Nhơn đã lập gia đình hơn chục năm nhưng vì muốn ở gần ba mẹ, phụ giúp ông bà chăm sóc bọn trẻ mà vợ chồng chị thống nhất làm nhà gần kề cha mẹ. Vợ chồng chị Nhơn đều là giáo viên. Sau mỗi giờ lên lớp, chị lại tranh thủ về nhà nấu cơm, chuẩn bị đồ ăn cho bọn trẻ. Tất bật từ sáng đến tối nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực trên khuôn mặt chị.

Chị Nhơn chia sẻ: “Từ nhỏ, hai chị em tôi đã thấy cha mẹ nhận, cưu mang nhiều người gặp khó khăn, trẻ em nghèo, nên khi lớn lên, cứ thế mà tiếp nối việc thiện của cha mẹ. Từ trước đến nay, lúc nào nhà cũng đông người, mâm cơm lúc nào cũng đông vui, ấm cúng, giờ các con tôi cũng xem các cháu ở đây như anh chị em của mình”.

Chị Nhơn hàng ngày tiếp tục nhân lên tình thương của cha mẹ mình. Ảnh NT

Hiện nay, mái ấm của vợ chồng ông Phương là nơi đi về của 10 đứa trẻ, trong đó có em Võ Văn Hùng được ông nuôi dưỡng từ năm 3 tuổi, hiện là sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng. “Thêm một cháu như thêm đôi đũa, cái chén, chuyện tiền bạc chỉ là một phần. Điều trăn trở nhất là việc chăm sóc, dạy dỗ làm sao cho chúng khỏe mạnh, ngoan ngoãn và nên người”, chị Nhơn tâm sự.

Cùng với cha mẹ mình, hằng ngày, chị Nhơn cùng em trai của mình vẫn chung tay gieo lên những hạt giống thiện tâm, chắp thêm đôi cánh cho nhiều trẻ em nghèo bay đến những khung trời tươi sáng hơn. Đó là niềm hạnh phúc mà những mái đầu bạc như vợ chồng ông Phương và những người con của ông có được trong ngôi nhà cổ tích giữa đời thường.

Nhuận Trí

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/thoi-cuoc/cap-vo-chong-gia-cuu-mang-tre-mo-coi-bat-hanh-post29547.html