Casanova của Márai Sándor: quyến rũ trong nét riêng

SGTT.VN - Đầu năm ngoái (2010), bản trọn vẹn của cuốn nhật ký Histoire de ma vie (Lịch sử đời tôi) của Casanova, nhà phiêu lưu, tiểu thuyết gia đào hoa nhất trong lịch sử văn chương thế giới, đã được Thư viện quốc gia Pháp mua lại từ một nhà xuất bản ở Đức với giá 4,4 triệu bảng Anh.

Hình ảnh Casanova trong bộ phim cùng tên của Lasse Hallström sản xuất năm 2005.

Bản thảo được viết từ thế kỷ 18, dày hơn 3.700 trang, tự thuật đời sống tình ái của tác giả với hơn 100 phụ nữ nhan sắc, trong đó có ít nhất một… nữ tu, đã trở thành một thứ của hiếm, mê hoặc độc giả mọi thời đại.

Đã nhiều lần được xuất bản tại phương Tây, song hầu như chưa có nhà xuất bản nào cho in đầy đủ tác phẩm này vì lo ngại sức hớp hồn và khả năng “sai khiến” của nó. Ghi lại cuộc đời phong tình của mình với mục đích “tự trào” hơn là khoa trương thành tích, Casanova không thể ngờ được hơn hai thế kỷ sau, tập bản thảo này trở thành một trong những tác phẩm văn chương có giá cao nhất trong lịch sử văn học thế giới.

Trên thực tế, cái tên Casanova cùng với Don Juan đã trở thành những tính từ chỉ loại đàn ông phong tình và tráo trở sau khi đạt được mục đích (Sở Khanh của Nguyễn Du so với hai nhân vật này hãy còn luộm thuộm lắm!) Năm 2005, cuộc tình bay bổng giữa Casanova với nàng Francesca đã được đạo diễn Lasse Hallström dựng thành phim.

Ở cuốn sách này, nhà văn Hungary Márai Sándor, với văn tài của mình, tạo nên một hình tượng Casanova hết sức quyến rũ và riêng biệt (Casanova ở Bolzano, Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học, 2011). Bối cảnh câu chuyện là vào năm 1756, lúc tù nhân Giacomo dùng thang dây trèo từ buồng giam mái lợp chì của công quốc Venice xuống eo biển và cùng Balbi, một tu sĩ đã bị tước quyền hành đạo chạy về Bolzano tìm người tình Francesca.

Việc Giacomo Casanova lưu trú tại quán trọ Con Hươu là một tin gây xao xuyến cho nhiều phụ nữ ở Bolzano. Nhưng, người đàn ông đó có gì đặc biệt? Qua lỗ khóa, cô hầu gái của quán trọ Con Hươu đã (và những người đàn bà hiếu kỳ và khiếm nhã) khám phá về Giacomo huyền thoại theo cách của riêng mình. Người đàn ông nổi tiếng đào hoa hóa ra lại là một gã có hình dong mệt mỏi, đáng thất vọng: “Đến giờ ông ta vẫn ngủ, tay dang ra trên chiếc giường rộng, cứ như người đã bị giết chết. Gương mặt nghiêm và xấu. Một gương mặt đàn ông, không đẹp và không dễ coi, cái mũi to dày, đôi môi mỏng và khắc kỷ, cằm nhọn, hung hãn, vóc dáng bé nhỏ và hơi phệ bụng, vì mười sáu tháng ngồi tù ông đã béo ra do giam hãm và bất động”. Nhưng chưa đủ, Márai Sándor vén bức màn huyền thoại, mô tả tỉ mỉ về sự tuềnh toàng lập dị gây sửng sốt, thậm chí phản cảm cho những kẻ cả tin, như một cách thế giải thiêng triệt để: “chàng đứng đó: thấp lùn, tóc rối bù, râu ria không cạo, lưng hơi gù, con mắt vằn đỏ hấp háy trong ánh sáng mạnh, chàng hơi cúi như người quá mệt mỏi, rồi thẳng người lên như sắp nhảy một bước; người đàn ông xa lạ đang đứng đó”.

Trong ghi chú đầu sách, Márai Sándor đã viết: “Điều biện hộ cho tôi là từ câu chuyện cuộc đời của nhân vật, tôi không quan tâm đến câu chuyện lãng mạn, mà quan tâm đến tính cách lãng mạn của anh ta”.

Đó là một nhà văn, một kẻ si mê, tự do gan lì nhưng cũng rất yếu đuối vụng về (từng thua cuộc ê chề trong một trận quyết đấu cùng vị hôn phu quyền lực của nàng Francesca, không một xu dính túi, phải liên tục tìm cách vay tiền bằng danh dự người thân…) Vậy thì là đàn ông nỗi gì? Câu hỏi đó được giải quyết trong chừng bốn chương cuối sách, khi chàng đối diện với vị bá tước, với một cuộc thương lượng lạ lùng, mà thất bại không hẳn đã thuộc về lão già quyền thế. Nhưng trong cuộc đối thoại kỳ lạ, gay cấn, đầy trí tuệ giữa hai kẻ tình địch và cũng là hai người gần như là tri kỷ này, người đọc nhận thấy cái phẩm chất và sức mạnh của “tính cách lãng mạn” khiến Giacomo Casanova trở thành một huyền thoại, hơn thế, một quyền lực trong đời sống lý trí chi li.

Một cuộc đấu tranh giữa quyền lực và tự do, giữa quyết liệt của lý trí và sức mạnh của đam mê, giữa khắc khoải đắm đuối và hả hê giễu cợt… đã diễn ra, để rồi đi đến một sự dàn xếp oái oăm, nghiệt ngã: “Trong một đêm, hãy dồn nén tất cả những điều có thể xảy ra giữa hai con người, và hãy làm xong mọi việc mà giữa hai con người đến một ngày đằng nào cũng phải kết thúc. Sau đó để nàng quay về với ta, vì ta yêu nàng, vì ngươi không còn liên quan đến nàng nữa”, vị bá tước thỏa thuận trong tuyệt vọng. Lúc ấy, ngọn bút của Márai Sándor như thể phóng túng tung hê trong chua chát và đau đớn.

Lại một “cuộc tình ái mặt nạ” nữa sẽ trôi qua trong đời Giacomo. Hơi thở nồng nàn của khát vọng sống và đam mê tràn ngập trong ngôn từ cuốn tiểu thuyết đầy thông tuệ, cuốn hút và mang vẻ đẹp sang cả đến say lòng.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/van-hoa/155721/casanova-cua-marai-sandor-quyen-ru-trong-net-rieng.html