Cắt cơn chóng mặt không dùng thuốc

Chóng mặt là biểu hiện thường gặp ở người cao tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể lành tính nhưng cũng có thể là triệu chứng của căn bệnh nguy hiểm khác. Theo quan niệm y học hiện nay, chóng mặt được hiểu là một ảo giác. Trong cơn chóng mặt người bệnh có cảm giác đồ vật xung quanh quay cuồng hoặc bản thân đang chuyển động và khi đó họ thực sự có dấu hiệu rung giật nhãn cầu kèm theo.

Ngoài ra trong cơn chóng mặt, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như: nôn, hồi hộp, hốt hoảng, mất định hướng, muốn xỉu, ngã… Các triệu chứng này xuất hiện bất chợt và kéo dài trong thời gian từ vài phút đến vài giờ tùy nguyên nhân gây chóng mặt. Phần lớn do thay đổi tư thế Chóng mặt được phân hai nhóm, chóng mặt do tiền đình và chóng mặt không do tiền đình. Chóng mặt do tiền đình: thường được gọi là rối loạn tiền đình, có thể do tổn thương tiền đình ngoại biên, trong đó có trên 50% là dạng chóng mặt kịch phát lành tính bởi những thay đổi tư thế rất thường gặp ở người cao tuổi. Còn lại là các nguyên nhân khác như viêm dây thần kinh tiền đình, bệnh Meniere, chấn thương đầu, do thuốc (kháng sinh họ aminoglycosides)…; do bệnh lý thần kinh trung ương như các nguyên nhân làm giảm tưới máu não, tác dụng phụ của các nhóm thuốc chống động kinh, an thần, rượu… Chóng mặt không do tiền đình: có thể do các bệnh lý như: hạ huyết áp, xơ cứng rải rác, hạ đường huyết, động kinh, u não, nhức đầu Migraine… Trong phạm vi bài viết này, xin được tập trung nói về những cơn chóng mặt kịch phát lành tính do thay đổi tư thế, là nguyên nhân gây chóng mặt thường gặp nhất ở người cao tuổi. Nữ dễ chóng mặt hơn nam Cơn chóng mặt kịch phát lành tính do thay đổi tư thế có các đặc điểm: tuổi mắc bệnh thường trên 60; nữ dễ mắc gấp đôi nam; cơn ngắn dưới một phút, tái diễn theo tư thế; xuất hiện khi xoay người trên giường hay khi ngửa đầu ra sau. Chẩn đoán bằng nghiệm pháp Dix-Hallpike, do thầy thuốc thực hiện. Chóng mặt ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt người cao tuổi vì làm tăng nguy cơ té ngã, gây tai nạn khi lái xe, đồng thời còn gây ra một số vấn đề về tâm thần. Do đó việc đánh giá thay đổi trong hoạt động sống hàng ngày là cần thiết ở người bị chóng mặt mãn tính để giúp họ có chất lượng sống tốt hơn. Điều trị bằng thủ thuật Theo nhiều nghiên cứu, việc điều trị cơn chóng mặt kịch phát lành tính do thay đổi tư thế bằng biện pháp di chuyển đầu bệnh nhân để đưa các sạn thính giác về vị trí ban đầu, mang lại hiệu quả đến 90%. Trong cơn chóng mặt, thầy thuốc sẽ dùng thủ thuật Epley để đưa các hạt sạn thính giác về vị trí ban đầu để cắt cơn chóng mặt. Và để phòng ngừa tái diễn, người bệnh có thể tập bài tập của Brandt-Daroff gồm có bốn động tác đơn giản nhưng hiệu quả cao. Bên cạnh việc áp dụng chế độ vận động trị liệu chóng mặt thì việc ứng dụng công nghệ tinh học thực tế ảo và môi trường ảo (là môi trường không gian ảo do vi tính tạo ra) chẳng hạn như hệ thống “Smart EquiTest” cũng giúp bệnh nhân thích nghi dần với trạng thái chóng mặt mà trong y học gọi là tăng khả năng bù trừ trung ương. ThS.BS Phan Hữu Phước Giảng viên đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM Lưu ý: mỗi chu kỳ tập kéo dài trong hai phút, mỗi lần tập có thể từ 10 đến 20 phút, một đến hai lần trong ngày. Khi còn chóng mặt để tập các động tác này, phải có người thân đứng bên cạnh nhằm đề phòng té ngã.

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail31.aspx?columnid=31&fld=htmg/2010/0325/64741&newsid=64741