Cắt HĐ GV ở Phú Yên: Tỉnh và huyện 'chỉ qua, chỉ lại' trách nhiệm

Liên quan đến vụ việc 51 giáo viên ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) vừa bị cắt hợp đồng lao động, chính quyền tỉnh và huyện đang 'chỉ qua, chỉ lại' về trách nhiệm. Trong khi đó, các giáo viên mất việc không dám sử dụng quyền khởi kiện.

Theo bà Trương Thị Dân - Trưởng Phòng GD ĐT Tây Hòa, theo chỉ đạo của cấp trên, huyện chẳng những cắt giảm giáo viên (GV) hợp đồng, mà còn phải cắt giảm 130 biên chế sự nghiệp giáo dục. Vì thế trước mắt, huyện cắt giảm 51 GV hợp đồng, sau đó mới xem xét cắt giảm GV trong biên chế.

Bà Trương Thị Dân - Trưởng Phòng GDĐT huyện Tây Hòa, Phú Yên.

Trước đó, ngày 9.8, tại buổi thông báo cho thôi hợp đồng 51 GV, bà Trương Thị Dân nói: “Thực tế trước đây năm học 2011 - 2012, do có nhu cầu nên chúng tôi tuyển lao động hợp đồng. Hiện tại giáo viên đã đủ, mà thời hạn hợp đồng của các anh chị có 1 năm, nên khi hết thời gian hợp đồng mà chúng tôi không còn nhu cầu để tuyển lao động nữa thì chúng tôi buộc phải cắt. Vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản thu hồi 100 biên chế giáo dục, kèm theo là cắt giảm tiền lương. Vì vậy, nếu không cắt hợp đồng với các anh, chị ngồi đây thì tiền đâu Phòng GD ĐT huyện có thể trả lương…”.

Ông Nguyễn Tấn Chân - Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cũng “đẩy” trách nhiệm việc cắt hợp đồng 51 GV là do thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và kết luận của Sở Nội vụ Phú Yên. Theo ông Chân, hiện tại huyện vẫn chưa có hưởng giải quyết đối với một số giáo viên đang mang thai và nuôi con nhỏ vừa bị cắt hợp đồng, dù biết là sai luật lao động.

Các giáo viên ở Tây Hòa tại buổi thông báo nghỉ việc, ngày 9.8.

Trong khi đó, theo một lãnh đạo Sở GD ĐT Phú Yên, các huyện đã được quyền phân cấp về quản lý giáo viên, thế nên tùy theo nhu cầu mà các huyện ký hợp đồng, cho nghỉ việc hoặc chuyển sang hợp đồng khác.

Trao đổi với Dân Việt, ông Phan Đình Phùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, lãnh đạo tỉnh sẽ làm việc với các ngành và địa phương liên quan để bàn cách giải quyết những vướng mắc trong việc cắt giảm biên chế sự nghiệp giáo dục. Khi có kết quả cụ thể, tỉnh sẽ thông tin cho báo chí.

Còn theo luật sư Nguyễn Khả Thành - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định rõ: Đối với những hợp đồng lao động xác định thời hạn, người sử dụng lao động muốn chấm dứt hợp đồng thì phải thông báo trước cho người lao động 30 ngày; còn hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì phải thông báo trước cho người lao động 45 ngày. Theo luật sư Thành, việc chính quyền huyện Tây Hòa đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với các GV đang thời kỳ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi là đi ngược lại quy định của pháp luật. Huyện phải nhận những GV này trở lại làm việc và giải quyết đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội. Nếu không được giải quyết thì các GV có thể khởi kiện ra tòa theo luật định.

Cô giáo Ngô Thị Thu bị cắt hợp đồng khi đang mang thai đứa con thứ 2.

Gặp gỡ PV báo chí, các GV vừa bị cắt hợp đồng đều tỏ ra bức xúc, hụt hẫng vì “đã bao nhiêu năm dùi mài ngành sư phạm, gắn bó trường lớp, quyến luyến học trò, đồng nghiệp,…”, “bị cắt hợp đồng là mất phương hướng cuộc sống”, “mong các cấp cứu xét”... Thế nhưng khi đề cập đến quyền khởi kiện theo Luật Lao động, nhiều GV đã e dè… lắc đầu.

Hùng Phiên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/cat-hd-gv-o-phu-yen-tinh-va-huyen-chi-qua-chi-lai-trach-nhiem-795472.html