Cát Tiên nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã, thực vật quý

Nhờ đẩy mạnh truyền thông kết hợp với tăng cường tuần tra, giám sát, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan tới bảo tồn đa dạng sinh học tại huyện Cát Tiên, Lâm Đồng đã giảm đáng kể.

Nằm ở phía nam của tỉnh Lâm Đồng, huyện Cát Tiên có diện tích rừng chiếm tới 68% tổng diện tích toàn huyện. Trong đó có khoảng hơn 26.200ha là rừng do Vườn quốc gia Cát Tiên quản lý. Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, đây là vườn quốc gia hiếm hoi còn sót lại nhiều hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú, trong đó, nhiều loài có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và tác động của con người phổ biến là tình trạng săn bắt động, thực vật tác động tiêu cực đến môi trường sống, sự sinh sôi của các loài.

Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng huyện Cát Tiên đã tích cực có các giải pháp bảo vệ rừng, phòng ngừa tội phạm đa dạng sinh học hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn gắn với phát triển bền vững.

Từ đầu năm 2023, tại huyện Cát Tiên xảy 10 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên phát hiện 4 vụ việc, còn Vườn Quốc gia Cát Tiên xảy ra 6 vụ. Công tác xử lý vi phạm đã xong 6 vụ, còn 4 vụ do vắng chủ nên chưa xử lý.

Cát Tiên có nhiều chính sách bảo vệ rừng. Ảnh: Hà My.

Cát Tiên có nhiều chính sách bảo vệ rừng. Ảnh: Hà My.

Nhằm đẩy mạnh công tác truy quét các đối tượng xâm nhập rừng trái phép cũng như phòng chống cháy rừng được Hạt kiểm lâm huyện Cát Tiên thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, UBND các xã có rừng tăng cường phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ đa dạng sinh học.

Từ đầu năm tới nay, Hạt kiểm lâm huyện Cát Tiên tổ chức các đợt truyền thông tới cộng đồng dân cư, học sinh trên địa bàn về các chính sách của Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, các văn bản của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lâm Đồng và huyện Cát Tiên về công tác bảo vệ đa dạng sinh học, phòng chống nạn khai thác động, thực vật rừng trái phép.

Các kênh tuyên truyền như nói chuyện trực tiếp, qua hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu, truyền thanh lưu động bằng xe loa. Từ đó, người dân đã tiếp cận được các thông tin về chính sách bảo vệ động, thực vật rừng quý hiếm. Nhiều vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp đã được quần chúng nhân dân tố giác tới cơ quan chức năng.

Ngoài ra, ở các tiểu khu rừng dễ bị các đối tượng xâm nhập chặt hạ cây, bẫy động vật hoang dã, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các xã trên địa bàn tăng cường tuần tra, giám sát, truy quét các đối tượng xâm nhập rừng trái phép. Từ đầu năm tới nay, Hạt kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan đã thực hiện hơn 60 đợt tuần tra, kiểm tra truy quét, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, các đơn vị đã phát hiện trực tiếp 2 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và tiếp nhận thông tin vi phạm 2 vụ từ các đơn vị khác.

Ngoài ra, Trung tâm cứu hộ động vật tại tỉnh Lâm Đồng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên đã được xây dựng từ năm 2011, mở rộng năm 2015 với tổng diện tích 66 ha. Đây là Trung tâm cứu hộ lớn nhất tỉnh là nơi chăm sóc, phục hồi chức năng hoang dã của các loài động vật linh trưởng, gấu, báo...

Nhờ nhiều giải pháp đồng bộ và kịp thời, các hoạt động liên quan tới khai thác, mua bán động vật hoang dã, lâm sản quý hiếm trên địa bàn huyện Cát Tiên đã giảm. Riêng trong năm 2022, không có hành vi vi phạm trong lĩnh vực Luật Lâm nghiệp, không có vụ việc nào phải truy cứu trách nhiệm hình sự, các vụ vi phạm đều được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật, không để tồn đọng, kéo dài.

Hà My

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cat-tien-no-luc-bao-ve-dong-vat-hoang-da-thuc-vat-quy-2223063.html