Cát 'xuyên phá' vùng ĐBSCL

Nguồn cát chỉ đáp ứng 23% so với nhu cầu và giá tăng 200% so trước khi lập lại trật tự khai thác cát, được xem là nguyên nhân khiến nhiều công trình chậm tiến độ và sẽ làm trì trệ hơn nữa, theo các nguồn tin địa phương.

Việc khai thác các mỏ cát chặt chẽ hơn, nhưng giá cát vẫn đứng ở mức cao, không sao kéo xuống được!

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; cao tốc từ Mỹ Thuận – Cần Thơ và Cần Thơ – Cà Mau; tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, đường hành lang ven biển phía nam giai đoạn 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi… đang trở thành nút thắt khó gỡ và mục tiêu kết nối giao thông liên vùng đang gặp khó khăn hơn.

Đường quốc lộ 12, đi cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu được đầu tư khá tốt so với đường sá miền Tây. Ảnh: Đức Toàn.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: tuyến quốc lộ 30 chia làm hai đoạn (từ Cao Lãnh đến An Hữu và Cao Lãnh – Hồng Ngự), với chiều dài khoảng 109km, có vai trò quan trọng kết nối giao thông với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và các cầu Vàm Cống, Cao Lãnh, tuyến đường Lộ Tẻ – Rạch Giá vốn nhỏ hẹp, đang xuống cấp, cần xem xét hỗ trợ vốn để nâng cấp, mở rộng tuyến đường này…

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 27 dự án được xem là “quan trọng, cấp bách” với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 khoảng 67.336 tỉ đồng. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung vốn cho các công trình, dự án. Trong đó, bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đệ trình mức dự kiến bổ sung từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch trung hạn 2016 – 2020 (nguồn trái phiếu chính phủ) để thực hiện 17 dự án với tổng mức đầu tư 22.645 tỉ đồng, đồng thời kêu gọi nguồn vốn ODA đầu tư sáu dự án với tổng mức đầu tư 34.999 tỉ đồng và tiếp tục triển khai thủ tục kêu gọi vốn bốn dự án với tổng mức đầu tư 9.692 tỉ đồng.

Dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương –Mỹ Thuận, chiều dài 51,1km, tổng mức đầu tư 14.678,35 tỉ đồng theo hình thức BOT, dự kiến sẽ thu phí vào tháng 1.2019, nhưng việc thi công bị trì trệ. Cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và tuyến nối N2 có tổng mức đầu tư 19.445 tỉ đồng, sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc, vốn vay ưu đãi của ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; dự án được khởi công vào năm 2013 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017, kết nối N2 với cao tốc TP.HCM – Cần Thơ… Có vẻ như các dự án trì trệ từ trước do giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng chưa đáp ứng yêu cầu… giờ đây đã có lý do để nói rằng mọi thứ ì ạch là do giá cát.

Trong 20 năm qua, cát trên sông Tiền và sông Hậu đã bị khai thác khủng khiếp, PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ, cho rằng ít nhất 200 triệu tấn cát ở sông Tiền và sông Hậu đã được mua – bán từ những năm 1998 – 2008, lòng sông này bị hạ thấp trung bình 1,3m, có những nơi do khai thác cát không kiểm soát đã tạo ra những hố rất sâu. Trước kia, dòng sông mang nặng phù sa nên tốc độ dòng chảy chậm, ôn hòa; nay do ít vật liệu truyền dẫn hơn khiến gia tăng hiện tượng “nước đói phù sa”, dòng chảy trở nên mạnh và hung dữ hơn. Hai bên bờ sông bị sạt lở và lòng dẫn bịđào sâu, biến dạng khôn lường.

Nguyên nhân sâu xa do phía thượng nguồn hình thành chuỗi đập thủy điện, đã giữ lại lượng lớn phù sa tại hồ chứa, còn thực tại ở vùng hạ lưu là giá cát “nóng lên” bắt đầu “xuyên phá” những dự án. Để những dự án không “tan chảy” mức đầu tư phải điều chỉnh, bao giờ vốn dự kiến lần sau cũng cao hơn lần trước. Chưa bao giờ, chương trình phát triển mạng lưới giao thông ĐBSCL gặp thách thức như lúc này!

Theo Khánh An – Ngọc Bích (Thế Giới Tiếp Thị)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/cat-xuyen-pha-vung-dbscl-787616.html