Cậu ấm cô chiêu nhà đại gia Triều Tiên sống thế nào?

Những cậu ấm cô chiêu trong hội con nhà giàu Triều Tiên thường tụ tập bên những ly cà phê có giá bằng gần một tháng lương chính thức của người lao động.

Theo tờ Washington Post, hội con nhà giàu Triều Tiên chỉ chiếm 1% dân số nước này và có thể nhìn thấy họ ở Bình Nhưỡng.

Lee Seo Hyeon, 24 tuổi, con gái một cựu quan chức Triều Tiên từng làm việc ở Trung Quốc, cho biết: “Họ thích tới phòng tập thể hình để khoe cơ thể. Các cô gái thích mặc quần áo ôm sát người, trong khi các chàng trai thích hãng Adidas và Nike”.

Mặc dù Zara, H&M và Uniqlo chỉ là hai thương hiệu thường thường nhưng đối với thanh niên Triều Tiên, quần áo của những thương hiệu này rất "sang chảnh".

"Bạn bè của tôi sống ở nước ngoài đều thích đồ của Zara, H&M. Tuy nhiên, thời trang đối với Triều Tiên cũng có giới hạn. Chúng tôi không được mặc áo sát nách hay váy quá ngắn ra đường, nhuộm tóc lại càng không được. Nếu trang phục của bạn không phù hợp, cảnh sát sẽ tới, ghi lại thông tin của bạn và công bố trên đài phát thanh”, Lee Seo Hyeon nói.

Lee Seo Hyeon cũng tiết lộ dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ đã bắt đầu thịnh hành ở Bình Nhưỡng. Phổ biến nhất là cắt mí, nâng mũi với chi phí 50 đến 200 USD.

Một phụ nữ trẻ trong trang phục khá thời trang ở Triều Tiên. Ảnh: Washington Post

Hyeon cùng gia đình đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 2014, hiện họ đang ở Bắc Virginia, Mỹ. Cô sẽ học đại học tại Washington vào mùa thu năm nay.

Washington Post cho biết, một trong những nơi thu hút hội cậu ấm cô chiêu Triều Tiên đó là khu giải trí gần khu chơi bowling ở trung tâm Bình Nhưỡng. Tại đây, các chàng trai, cô gái có thể tập thể hình hoặc yoga, xem phim hoạt hình Disney chiếu trên màn hình rộng.

Khu liên hợp còn có một nhà hàng hạng sang, cung cấp dịch vụ tiệc cưới với chi phí có thể lên tới 500 USD/giờ. Quán cà phê trong khu vực này niêm yết giá đồ uống ở mức từ 4-8 USD. Giá một ly cà phê mô-ca có đá là 9 USD. Trong khi đó mức lương chính thức tại Bình Nhưỡng chưa tới 10 USD/tháng.

Anh Andray Abrahamian, người Anh, đang tham gia chương trình trao đổi, tập huấn về tài chính cho Triều Tiên cho biết: “Đó quả là một địa điểm lý thú. Khi bạn ở đó, bạn sẽ có cảm giác như đang ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Tuy nhiên dịch vụ ở đây không hề rẻ, chúng chỉ dành cho giới giàu có ở Triều Tiên”.

Ngoài ra, trên các con phố ở Bình Nhưỡng, người ta cũng thường bắt gặp các thiếu gia dắt theo cún cưng đi dạo, điều vài năm trước không hề có tại nước này. Trong các siêu thị, các mặt hàng nhập khẩu được bày bán rộng rãi như thịt bò Úc, cá hồi Na Uy… với giá siêu đắt.

Một trong những thay đổi rõ ràng nhất là sự bùng nổ xây dựng ở thủ đô. Các tòa chung cư cao tầng dần xuất hiện giữa khu Changjon gần Quảng trường Kim Nhật Thành tới đường Khoa học Mirae, tất cả đều trông rất ấn tượng khi nhìn từ xa.

Lãnh đạo Kim Jong Un mới đây đã ra lệnh xây dựng đường Ryomyong. Ông Kim cho biết, khu vực này sẽ gồm nhiều tòa nhà cao chọc trời, một trong các tòa nhà cao tới 70 tầng, thiết kế thân thiện với môi trường.

Đồ trang điểm hiệu Dior được bày bán trong khu phức hợp dịch vụ Haedanghwa ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Những người thuộc tầng lớp trung lưu giàu có ở Triều Tiên được gọi là Donju (người có tiền). Tầng lớp này xuất hiện nhờ sự tồn tại của nền kinh tế không chính thức (hay nền kinh tế thị trường) ở Triều Tiên cách đây khoảng 15 năm. Hiện tầng lớn Donju ngày càng gia tăng nhờ nền kinh tế không chính thức đang được tạo nhiều động lực để phát triển mạnh mẽ kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên cầm quyền sau khi cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il đột ngột qua đời cuối năm 2011.

“Ông Kim Jong-un rất ủng hộ những cơ chế thị trường. Nhiều nhà kinh doanh Triều Tiên mà tôi gặp đã nói, họ chưa bao giờ cảm thấy tốt đẹp như hiện nay”, Andrei Lankov, nhà sử học chuyên về Triều Tiên và từng có thời gian nghiên cứu ở Bình Nhưỡng bình luận.

Để cải thiện đời sống của người dân, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đã ra lệnh xây nhiều công viên giải trí, công viên nước, khu lướt ván, trượt băng, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết... Xung quanh thủ đô, các sân bóng chuyền và đánh tennis luôn đầy ắp thanh niên.

Theo The Washington Post, Donju thường nắm giữ nhiều vị trí trong chính quyền, ở các bộ, ngành hoặc trong quân đội, điều hành các doanh nghiệp nhà nước ở nước ngoài hoặc có nhiệm vụ thu hút vốn đầu tư vào Triều Tiên. Ngoài ra, họ cũng kinh doanh mọi thứ có thể, từ ti vi màn hình phẳng đến các căn hộ.

Dòng tiền họ kiếm được từ các hoạt động kinh doanh chảy đều khắp thủ đô, đi từ các khu chợ, thông qua các trung tâm giải trí cho đến những nhà hàng cao cấp, tạo ra sự bùng nổ về mua sắm, không chỉ ở Bình Nhưỡng mà còn nhiều thành phố khác.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

.

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/cau-am-co-chieu-nha-dai-gia-trieu-tien-song-the-nao-a148452.html