"Cậu ấm cô chiêu" TQ trên đất Mỹ: Ngông nghênh với siêu xe và gian lận thi cử

Hình ảnh những “cậu ấm cô chiêu” Trung Quốc trên đất Mỹ đang dần xấu đi bởi việc ngông nghênh lái xe hơi sang trọng cùng với những hành động xấu xí như gian lận trong thi cử, thuê người đi thi hộ, hành hung dã man bạn đồng hương.

Thú chơi siêu xe bạc tỷ của tầng lớp phú nhị đại

Có một cuộc cách mạng văn hóa đang ngầm diễn ra trong cộng đồng người Trung Quốc tại bang California, Mỹ. Tất nhiên, đây không phải cuộc cách mạng văn hóa như ở Trung Quốc trong thập niên ’60 và ’70 của thế kỷ trước. Thay vào đó, cuộc cách mạng văn hóa trong cộng đồng người Trung Quốc tại bang California, Mỹ lại liên quan đến giới trẻ và xe hơi đắt tiền.

Nhân vật chính của cuộc cách mạng văn hóa kể trên là những cậu ấm, cô chiêu được sinh ra trong các gia đình Trung Quốc giàu có. Họ thường xuyên tổ chức các cuộc họp kín để cùng nhau khoe những chiếc siêu xe và xế sang như Lamborghini, Maserati hay Ferrari của mình. Ngoài ra, các cuộc họp kín còn là nơi để những cậu ấm, cô chiêu người Trung Quốc thể hiện đẳng cấp bằng quần áo và phụ kiện hàng hiệu.

Các thành viên của trang Vocativ đã quyết định thực hiện một chuyến xuống phía nam bang California và tham gia vào một trong những cuộc họp kín kể trên. Sau đó, họ đã nói chuyện với nhiều cậu ấm, cô chiêu sở hữu những chiếc xe Lamborghini, Bentley, Ferrari, Porsche và Maserati tham gia cuộc họp kín. Độ tuổi của các thiếu gia và tiểu thư người Trung Quốc chỉ trên dưới con số 20.

“Tôi sở hữu 3 chiếc siêu xe Ferrari. Đây là chiếc xe mới nhất của tôi”, một thiếu gia người Trung Quốc tiết lộ với Vocativ. Khi được hỏi vì sao lại mua xe Ferrari, thiếu gia cho biết: “Tôi đang học ở California. Chiếc siêu xe này lại có tên là California. Tôi nghĩ việc mua chiếc xe thật lãng mạn”.

Cặp đôi Lamborghini Aventador LP700-4 và Ferrari California màu trắng muốt.

Hay như trường hợp của một “cậu ấm” khác, khi Michael Kwan từ Hong Kong sang Mỹ năm 2012 để học đại học, cha mẹ cậu đã hào phóng cho con khoản tiền lớn để trang trải phí sinh hoạt. Số tiền lớn hơn nhiều so với những gì Kwan cần cho cuộc sống tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign thuộc vùng Trung Tây nước Mỹ. Vì vậy, cậu dùng tiền thừa để mua một chiếc Cadillac Escalade giá 800.000 USD.

Ý định của Kwan là "có một chiếc xe lớn và hợp với văn hóa Mỹ". Nhưng chàng trai nhanh chóng nhận ra mình đã thuộc nhóm sinh viên Trung Quốc sở hữu khoảng chục chiếc xe hạng sang trong khuôn viên trường. Họ còn chơi những mẫu xe thể thao nhỏ hơn như Nissan GT-R hay BMW M5.

Đến cuối năm nhất, chàng sinh viên cơ khí đã đổi chiếc Escalade sang dòng Maserati Quattroporte giá 100.000 USD. Kwan thường mang xế cưng đến các buổi gặp gỡ vào lúc đêm muộn.

Những người bạn Mỹ của Kwan đều phản ứng ghen tỵ. "Nhiều người muốn ngồi lên ghế khách trên xe tôi. Thi thoảng tôi cũng sẽ chở họ", Kwan nói, nhưng nhấn mạnh thêm rằng cậu và những người bạn Trung Quốc thường giàu hơn dân địa phương.

Bên cạnh đó là một tiểu thư người Trung Quốc đã tham gia cuộc họp kín cùng chiếc xe sang Maserati. Tuy nhiên, cô gái này lại lái xe Audi khi đi học thay cho chiếc Maserati. Ngoài ra, trong cuộc họp kín do Vocativ ghi lại còn có nhiều chiếc xe sang đắt tiền khác như Bugatti Veyron, McLaren 12C Rolls-Royce Phantom hoặc Lamborghini Aventador LP700-4 được bọc màu xanh crôm theo phong cách vô cùng độc đáo và bắt mắt.

Một cô tiểu thư nhờ bạn chụp ảnh bên siêu xe McLaren 12C và Audi R8.

Ngày càng xấu xí trong mắt dư luận

Theo báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), số lượng sinh viên Trung Quốc đang học tại Mỹ khóa 2014-2015 là 304.040 người, tăng 11% so với khóa trước và gấp 5 lần so với cách đây 10 năm. Riêng Đại học Illinois ở Urbana–Champaign có gần 5.000 sinh viên Trung Quốc, trở thành một trong những nơi tập trung sinh viên Trung Quốc đông nhất ở Mỹ.

Từ vùng đồng bằng ở miền Trung Tây đến các thành phố lớn ở ven biển, sinh viên Trung Quốc không chỉ làm thay đổi văn hóa tại các cơ sở giáo dục của Mỹ, mà họ còn là nhân tố thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế tại đây. IIE tin rằng trong năm 2015, sinh viên Trung Quốc đã "bơm" khoảng 9,8 tỷ USD vào kinh tế Mỹ qua học phí và phí sinh hoạt.

Theo Global Times, Chen Hang, giám đốc phát triển của cơ quan chuyên cung cấp dịch vụ du học cho học sinh Trung Quốc WholeRen Education cho hay hình ảnh của du học sinh Trung Quốc trên đất Mỹ đang dần xấu đi, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây. Đặc trưng của các du học sinh này về cơ bản đã bị “biến chất” và số lượng lớn tỉ lệ người nộp đơn du học là những cô cậu còn rất trẻ và có chất lượng học tập trung bình.

“Trong khi ngày xưa đa số học sinh Trung Quốc đến Mỹ theo đuổi nền giáo dục tiên tiến đều là những người xuất sắc, thì ngược lại ngày nay, những người du học tại Mỹ đều có thành tích chỉ trên mức trung bình”, Wang Hui, giám đốc của Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa cho hay.

Đặc biệt, tình trạng này lại thường xảy ra ở những học sinh tuổi teen du học ở Mỹ. Những đứa trẻ này không được bố mẹ “kèm cặp”. Vì thế, đương nhiên chúng sẽ bị lệch lạc trong cách ứng xử, kể cả con trai cũng như con gái. Den Hong, một người đã theo học tại Mỹ trong những năm 1980 cho hay.

Năm 2015, một sự việc gây chấn động dư luận là việc 6 du học sinh Trung Quốc, trong đó có 3 bị cáo chưa đủ tuổi vị thành niên, vừa bị “tòa kêu” ở Los Angeles vì tội bắt cóc và hành hạ dã man 2 nữ sinh đồng hương. Những cô cậu học sinh này bắt giam 2 cô gái suốt 5 giờ đồng hồ. Họ tra tấn, lột trần, dí thuốc lá gây bỏng cơ thể, còn cắt tóc và ép 2 người bạn đồng hương phải ăn mớ tóc đó.

Không chỉ buông thả trong cách sống, lệch lạc trong cách ứng xử, du học sinh Trung Quốc còn “giở trò” trong thi cử.

Ngày 28/5/2015, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 15 người Trung Quốc tuổi từ 19-26 sử dụng hộ chiếu giả để đánh lừa giám thị hòng đi thi hộ trong các cuộc thi đầu vào của các trường đại học Mỹ. Các đối tượng còn bị cáo buộc làm giả hộ chiếu, email và gian lận.

Chưa hết, theo ước tính của Sách Trắng về Vấn đề sa thải sinh viên Trung Quốc ở Mỹ năm 2015, có 3% tức 8.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ bị thôi học hồi năm ngoái.

Giám đốc phát triển của WholeRen Education Andrew H. Chen chỉ ra nguyên nhân chính là do mất cân bằng trong môi trường học tập ở Mỹ và thiếu năng lực học tập. Ngoài ra, không trung thực trong học tập trong đó có cả chuyện gian lận trong thi cử và đạo văn là nguyên nhân chủ yếu thứ 2 dẫn đến việc bị thôi học với 23% du học sinh Trung Quốc bị thôi học vì nguyên nhân này.

Theo WantChina Times, nhiều học sinh Trung Quốc không thể theo đến cùng khóa học, phần vì thiếu kỹ năng tiếng Anh, phần vì chúng đã sống quá buông thả trong thời gian rảnh rỗi của đời sống sinh viên trên đất Mỹ.

Theo China Daily, kể từ năm 2007-2008, số lượng du học sinh Trung Quốc tới Mỹ đã tăng lên đáng kể. Viện giáo dục quốc tế cho hay theo như bảng báo cáo năm 2014 của viện, sinh viên Trung Quốc chiếm một tỉ lệ ngày càng tăng trong số sinh viên quốc tế du học tại Mỹ. Trung Quốc là nước có số lượng sinh viên du học tại Mỹ lớn nhất trong suốt 5 năm liên tiếp.

Bởi lúc đó Mỹ đã nới lỏng đáng kể việc cấp thị thực du học cho phép học sinh Trung Quốc theo học tại các trường phổ thông và các trường đại học cộng đồng, chứ không chỉ giới hạn ở những trường học chính quy. Năm 2008, đã có 60 đơn xin du học tại trường phổ thông của Mỹ. Còn hiện giờ con số trung bình là 27.000 đơn xin du học mỗi năm.

TUYẾT MAI (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/cau-am-co-chieu-tq-tren-dat-my-ngong-nghenh-voi-sieu-xe-a149054.html