Cậu bé Mông với ước mơ bóng đá

Vàng A Chờ 16 tuổi. A Chờ thích đá bóng, và đá khá tốt như nhận xét của thầy cô cùng các bạn. Em đang mơ ước được một lần chơi bóng ở sân Etihad, cùng với các thần tượng mình yêu thích ở CLB Manchester City của Anh.

Vàng A Chờ tại buổi huấn luyện hôm 5/4. Ảnh: Mơ Xuân.

Thích bóng đá, mê Manchester City…

Năm 2008, A Chờ khi đó mới khoảng 6 tuổi được nhận vào Làng trẻ em SOS Việt Trì. Chờ nhớ lại lúc đó em còn bé tí, bé tới độ cậu không nhớ được em gái mình khi đó bao tuổi.

Ấn tượng tuổi thơ khó phai nhất của A Chờ chỉ là gia đình mình rất nghèo, nghèo lắm. Nhà có 3 anh chị em, A Chờ là con thứ hai trong gia đình dân tộc Mông ít người ở Mù Căng Chải, phía trên còn một người anh trai, dưới là cô em gái nhỏ. Bố mất sớm, một mình mẹ A Chờ phải nuôi cả 3 anh em. Gánh nặng quá sức nên mẹ A Chờ phải nhờ cậy tới Làng trẻ SOS. A Chờ khi đó cũng không hiểu vì sao mình lại chuyển đến nơi ở mới. Cái đầu của em còn quá bé, chỉ thấy mình có nhiều đồ ăn hơn.

Ngày vào làng, cậu bé Mông còn chưa biết nói tiếng phổ thông. Nhà trường phải xếp em vào lớp đặc biệt, cùng với các bạn có hoàn cảnh tương tự, để vừa học tiếng Kinh, vừa học chữ.

Vù cái mà đã 10 năm, A Chờ giờ thành một cậu thiến niên 16 tuổi. Người mảnh khảnh nhưng khỏe mạnh. A Chờ cười rất duyên, và đôi mắt thì lúc nào cũng như muốn cười. Lâu lâu, cậu lại về thăm gia đình. Anh trai A Chờ hiện đã lập gia đình, còn cô em gái nhỏ cũng đã đi học lớp 6. “Tết rồi em vừa về nhà thăm mẹ và mọi người. Em gái em giờ lớn lắm rồi”-A Chờ nói.

Nói chuyện với A Chờ phải thông qua cả “trung gian” là cô Nguyễn Thị Hương Lan, điều phối viên đỡ đầu quốc tế của SOS Việt Nam. Lý do A Chờ thạo tiếng phổ thông, nhưng có vẻ còn chưa quen tiếp xúc với người lạ nên khá rụt rè. Cô Hương Lan cho biết đến độ 15 tuổi, các trẻ em nam ở Làng SOS Việt Trì được chuyển sang khu lưu xá, chỉ có con trai với nhau. Vừa thuận tiện, lại rèn tính tự lập cho các em. Tại đây A Chờ và các bạn được chia vào các phòng, mỗi phòng khoảng 4 người. Hàng ngày đi học bên làng SOS, học xong lại về, có người phụ trách cơm nước ở nhà. Riêng hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật, A Chờ và các bạn phải tự nấu cơm.

“Tại đây các em có người phụ trách riêng. Học tới năm 18 tuổi rồi tùy khả năng học tập và mong muốn của từng em, sẽ được bố trí để hòa nhập với cộng đồng”-cô Hương Lan cho biết.

Từ khi mới vào làng, A Chờ đã rất thích thú khi được chơi bóng đá cùng các anh lớn. Chờ thuận chân phải, đá vị trí tiền vệ và rất thích Raheem Sterling, cầu thủ từng thi đấu cho Liverpool nhưng sau đó đầu quân sang Manchester City. MC cũng là đội bóng Chờ đặc biệt yêu thích tại giải Ngoại hạng Anh.

Và ước mơ làm bác sĩ

A Chờ là một trong 40 học viên từ 3 làng trẻ SOS Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì được ghi tên vào khóa tuyển chọn Nhà lãnh đạo trẻ (Young Leader) do CLB Manchester City phối hợp với đối tác duy nhất ở Việt Nam, ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) triển khai. Các học viên sẽ được tham gia các lớp học và thực hành trên sân bóng cùng các HLV, chuyên gia của MC. Kết thúc khóa học, 3 người xuất sắc nhất đại diện cho 3 làng trẻ SOS được đưa sang Anh đào tạo nâng cao tại Học viện bóng đá City Football Academy. Lớp học bắt đầu từ sáng 5/4, A Chờ cho biết rất thích thú với các bài giảng của chuyên gia Manchester City.

Giám đốc quỹ City Football Group Foundation, ông Tom Pitchon cho biết, chương trình hướng tới sử dụng bóng đá tạo nên những chuyển biến tích cực với xã hội, đồng thời thể hiện sự cam kết của MC với cộng đồng.

Theo cô Nguyễn Thị Hương Lan, A Chờ được các giáo viên thể dục đánh giá là có năng khiếu, chơi bóng khá tốt. Chờ vì vậy được ghi tên vào lớp học của MC và SHB tổ chức. Hỏi thêm về mơ ước sau này, A Chờ nói rất mê bóng đá, nhưng chắc không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Chờ chỉ mong sẽ học thật giỏi, để sau này có thể vào ngành y, trở thành một bác sĩ nha khoa. Khi đó, A Chờ có thể giúp mẹ và em gái.

Nguyên Phong

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-thao/cau-be-mong-voi-uoc-mo-bong-da-1137543.tpo