Câu chuyện cuộc đời của nhạc sĩ Sĩ Luân

(Nguoiduatin.vn) - Nếu nhìn vào những thành công của Sĩ Luân ngày hôm nay với đủ các cương vị từ: Ca sĩ, nhạc sĩ, biên tập, đạo diễn, diễn viên, MC... mà không hề biết về Sĩ Luân của quá khứ sẽ không ai dám tin rằng, Sĩ Luân đã từng là một cậu bé nghèo sống giữa Sài Gòn đô hội.

Một điều lạ với Sĩ Luân nữa là, dù trải qua khá nhiều tai nạn giao thông thập tử nhất sinh nhưng mỗi tai nạn, chàng ca sĩ này lại ngộ ra nhiều điều. Sĩ Luân chia sẻ có nhiều kỷ niệm trước tai nạn không tồn tại trong trí nhớ, nhưng sau tai nạn chúng lại trở về một cách sống động.

Nhạc sĩ Sĩ Luân

Phụ đẩy xe ở chợ và học sinh dự bị ở trường

Với nước da trắng, khuôn mặt sáng, dáng dong dỏng cao... ắt hẳn nhiều người ngỡ rằng Sĩ Luân là công tử nhà giàu nhưng thực ra lại hoàn toàn ngược lại. Anh sinh năm 1982 trong một gia đình khá nghèo. Sĩ Luân có một em gái kém 3 tuổi. Cha anh là người Campuchia, ông phải làm tất cả mọi việc nặng nhọc xe ôm, bốc vác để có thể kiếm tiền nuôi gia đình.

Cuộc sống của Sĩ Luân trải qua những tháng ngày gian khó nhưng nhiều kỷ niệm đẹp. Ngày đó, bà của anh có một sạp tạp hóa ở chợ đường Hòa Hưng, TP.HCM. Bốn tuổi anh đã phụ giúp đẩy xe cho bà ra chợ và là người giao hàng cho bà lúc lọ mắm, lúc chai nước tương, lúc cục đường... Cậu bé Luân là đứa trẻ dễ thương với khuôn mặt khôi ngô, trắng trẻo ai nhờ gì cũng giúp, chính vì vậy mà mọi người rất mến anh. Sĩ Luân vẫn còn nhớ những người bán hàng trong chợ thường véo má và ao ước có một đứa con như anh.

Trong trí nhớ của Sĩ Luân, những cục đường đen bà cho là món quà ngon nhất ngày bé. Đối với anh lúc đó, một cục đường đen vỡ ra từ bánh đường là món quà quý của tuổi thơ. Mỗi ngày được bà cho một cục đường, anh chỉ dám ăn từng miếng rất nhỏ để có thể thưởng thức vị ngọt, đó cũng là vị ngọt của tuổi thơ anh đã trải qua.

Những ngày giúp việc cho bà ở chợ là những tháng ngày đẹp nhất trong ký ức ấu thơ của Sĩ Luân. Anh rất thích được đi vào chợ. Đối với anh chợ có mùi đặc trưng riêng, nên bây giờ, mỗi lần đi vào chợ, ngửi thấy mùi đặc trưng ấy ký ức lại ùa về trong tâm trí anh.

Chỉ mới năm tuổi, Sĩ Luân được đi học ở Trường Tiểu học Lê Thị Riêng. Do chưa đủ tuổi nên anh được gửi vào lớp một mà không có tên trong danh sách. Điều nhớ nhất trong anh là khi có bài kiểm tra lại phải chạy ra ngoài chờ hết mới được vào. Mỗi khi có dự giờ, anh được cô giáo chủ nhiệm báo và phải leo cửa sổ để trốn, nhằm tránh sự phát hiện của nhà trường. Bước sang năm học mới, anh phải sống với ánh mắt không mấy thiện cảm của bạn bè bởi bị lưu ban, nhưng cậu bé Luân biết rằng năm trước mình chỉ là học sinh dự bị.

Câu chuyện cuộc đời

Lên cấp hai, Sĩ Luân là một lớp trưởng hiền lành, gương mẫu được bạn bè và thầy cô yêu mến. Những tháng ngày này cũng là lúc ma túy bắt đầu len lỏi vào học đường. Nhiều bạn bè của anh muốn được "khám phá” điều mới lạ và không ít người lạc vào mê cung của nàng tiên nâu. Khi nhớ lại, khuôn mặt Sĩ Luân bỗng thoáng buồn, giọng bắt đầu run run. Nỗi đau khổ nhất của anh trong những tháng ngày học cấp hai là người bạn thân nhất của mình dính vào ma túy, cũng vì nó mà người bạn của Sĩ Luân phải giã từ sự sống.

H là người học giỏi nhất khóa và cũng là người bạn thân nhất của anh cho đến bây giờ. Hai người thân như anh em, nhiều lần Sĩ Luân đã ở lại nhà của cậu bạn ấy. Gia đình H giàu có, cha là một giáo sư, tiến sĩ, cả nhà xem Sĩ Luân như là con cháu của mình. Một sự thực đau lòng là người bạn thân nhất nghiện ma túy nhưng cả người đó lẫn gia đình đều giấu anh. Sĩ Luân sau này đã tự trách mình rất nhiều tại sao ngày ấy mình không đủ nhạy cảm để nhận ra đứa bạn thân nghiện ma túy. Nếu biết được, có lẽ mình đã có thể giúp cậu ấy thoát khỏi kiếp họa đáng sợ này.

Lên cấp ba, mỗi lần đi chơi, H thường chở theo một đứa trẻ con, hỏi thì cậu ấy nói là cháu. Sau này, Sĩ Luân đã lịm đi khi phát hiện ra thằng bé mà người bạn thường chở đi chơi là con của cậu ấy. H đã trải qua hai đời vợ, có hai con. Nhưng rồi H không thể thoát được lưỡi hái tử thần. Ngày H mất, Sĩ Luân không thể tin người bạn thân nhất của mình đã giã từ cõi đời, anh đã khóc rất nhiều. Anh cảm thấy hụt hẫng suốt hai năm sau đó. Giờ đây, Sĩ Luân nhận mẹ của bạn là mẹ nuôi của mình và đến chăm sóc mỗi khi bà đau ốm.

Thành danh từ ngả rẽ bất ngờ

Thời học THPT, cuộc sống gia đình Sĩ Luân vẫn rất nghèo. Cha mẹ phải vật lộn với biết bao công việc nặng nhọc thì mới có thể nuôi hai anh em đi học. Ngày nào cũng vậy, mẹ cho anh ba nghìn, trong đó dùng hai nghìn để ăn xôi, năm trăm mua trà đá và năm trăm gửi xe. “Nhiều lúc thấy bạn bè ăn cây kem, trái ổi, muốn lắm nhưng cũng đành phải ngậm ngùi bước qua”, Luân nhớ lại.

Khi học cấp ba nhưng Sĩ Luân vẫn không biết sau này mình sẽ làm gì, mẹ anh kể: "Nhiều lần nó hỏi sau này con sẽ làm gì hả mẹ, tôi chỉ cười và vỗ về con thích gì thì làm thôi". Đến bây giờ, khi Sĩ Luân đã trở thành một người nổi tiếng nhưng bà vẫn không tin con mình là một ca sĩ, nhạc sĩ.

Những cột mốc và sự nối dài ấn tượng

Sĩ Luân được biết đến trong vai trò nhạc sĩ từ thời còn học phổ thông, có nhiều ca khúc yêu thích với lứa tuổi teen như: Mắt nai cha cha cha, Tuổi hồng, áo dài ơi...Hiện nay, Sĩ Luân là giảng viên môn Tâm lý và giữ vai trò Trưởng khoa Du lịch Trường Trung cấp Đông Nam á, đồng thời sắp tới anh sẽ nhậm chức Hiệu phó Trường du lịch Việt Giao. Sang năm 2012, Sĩ Luân sẽ phát hành album nhạc Phật, đồng thời sẽ thực hiện nhiều tour diễn miễn phí ở các trường đại học tại TP.HCM

Lên lớp mười, Sĩ Luân được cha cho đi học đàn. Lúc đó, anh cũng không nghĩ rằng đây sẽ là nghề của mình sau này. Sĩ Luân rất hiểu hoàn cảnh gia đình của mình và quyết định giấu việc đi đàn ở các đám cưới để có thể san sẻ khó khăn cùng cha mẹ. Đi đàn ở các đám cưới, nhiều lúc không có người hát, anh phải góp tiếng hát của mình để làm cho các buổi tiệc đỡ nhàm chán. Dần dần, anh lại tự nhận thấy mình hát ca khúc của người khác không được nhập tâm nhiều nên quyết định tự sáng tác cho mình hát.

Một điều rất may mắn, trong một bữa tiệc đám cưới, các ca sĩ cũng đi hát, nghe ca khúc "Mắt nai cha cha cha" do Sĩ Luân sáng tác và hát hay nên xin được hát, không ngờ bài hát sau đó lại trở nên nổi tiếng. Khi các ca khúc của Sĩ Luân nổi tiếng cũng là lúc anh được mời đi hát ở tỉnh. Nhưng lúc đó, anh vẫn là một ẩn số chưa ai biết đến. Ban đầu, Sĩ Luân chỉ là một ca sĩ hát lót và nhiều lần anh phải nhận lấy những tủi hổ của nghề. Đã có lúc, hát xong anh lại bị bầu sô quỵt tiền.

Dần dần, với tài năng và khát khao ca hát của mình, Sĩ Luân nhanh chóng trở thành một ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng trong làng nhạc Việt. Một đêm diễn ở Bình Dương lúc Sĩ Luân mới nổi, khán giả hò hét khi anh lên sân khấu, hát liên tục năm bài mà khán giả vẫn muốn hát tiếp. Khán giả tặng anh rất nhiều hoa và bong bóng. Cuối buổi diễn, bầu sô nói khán giả đông nhưng leo rào vào nên không trả cát- xê. Nhưng đối với anh tình cảm, sự cuồng nhiệt của khán giả đã trả món quà tinh thần lớn hơn cát -xê rất nhiều.

Trong dự tính tương lai của mình, Sĩ Luân sẽ giảm hoạt động âm nhạc, thay vào đó là sẽ tăng cường các hoạt động xã hội, giúp đỡ mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Mặc dù là một người nổi tiếng, nhưng Sĩ Luân lại nói chuyện một cách gần gũi và mang chút hơi hướng thiền khiến người đối diện cảm thấy thoải mái và thân thiết.

Huy Linh

Nguồn ĐS&PL: http://nguoiduatin.vn/cau-chuyen-cuoc-doi-cua-nhac-si-si-luan-a21231.html