Câu chuyện dưới bóng Ang Kor

Đối với người dân ở đất nước chùa tháp, Ang Kor Wat với ba ngọn tháp sừng sững hướng thiên là một niềm tự hào dân tộc. Và có lẽ đó chính vì lý do mà ta có thể bắt gặp hình ảnh của nó ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào.

Anh bạn hướng dẫn bảo với tôi, đã đến Campuchia mà không ghé thăm Ang Kor thì xem như bạn chưa đến xứ chùa tháp bao giờ. Để không bị chê là người “chưa bao giờ đến xứ chùa tháp”, tôi quyết định móc 10USD để bắt xe buýt lên đường.

Nằm cách thủ đô Phnom-Penh khoảng 350 km, hệ thống đền tháp Ang Kor thuộc tỉnh Siem Reap ngày nay.

Quốc lộ 6, con đường nối thủ đô và cố đô Siem Reap của đế chế Kh’mer hùng mạnh cách đây hơn 1.000 năm khá khó đi, đặc biệt là đoạn từ thị trấn Krul đế trung tâm tỉnh lị tỉnh Kongpom Thom. Người tài xế cho biết, đoạn đường đang xây dựng dở dang, đầy bụi đất mà chúng tôi đang đi được khởi công cách đây vài năm nhưng ngày hoàn thành thì chưa biết, bởi phương tiện, nhân lực làm đường đã rút đi cách đây vài tháng.

Đang lơ mơ ngủ, bất ngờ đoàn xe thắng gấp bởi một tai nạn suýt xảy ra giữa một xe chở du khách và một xe máy. Anh bạn hướng dẫn cho biết, người đi xe máy suýt gây thảm nạn là người chụp ảnh dạo ở Ang Kor. Trong giới này, có một quy luật bất thành văn là, ai “chấm” đoàn du khách nào trước thì sẽ được toàn quyền bấm máy trong suốt thời gian du khách lưu lại Siem Reap.

Và để có được cái quyền đó, những tay “phó nháy” phải dùng xe máy đón đầu và “xí phần” từ những địa điểm cách trung tâm Siem Reap hàng chục cây số, sau đó bám theo xem đoàn ăn ngủ ở khách sạn nào để sáng hôm sau xách máy bám theo.

Sau một đêm ngủ nghỉ tại một khách sạn hạn trung với giá 20 USD, sáng hôm sau tôi có mặt tại Ang Kor Wat, khu đền được chọn là biểu tượng trên lá quốc kỳ của Vương quốc Campuchia.

Sao khi trả phí 20 USD cho một vé tham quan trong vòng một ngày tại tất cả các địa điểm nằm trong quần thể Ang Kor (gồm Ang Kor Wat, Ang Kor Thom, Đền Ta Rhum, Bayon...) tôi được trao lại một tấm vé có in hình mình trên đó. Giải thích về lý do này, anh hướng dẫn cho biết nguyên do của việc in hình xuất phát từ bản tính gian lận của một anh bạn láng giềng khổng lồ của Việt Nam. Thay vì mua đầy đủ vé theo quy định, những anh hướng dẫn viên du lịch ở quốc gia này chỉ mua một nửa số vé sau đó chuyền ra bên ngoài để du khách thay phiên nhau vào cổng. Về sau, để chống nạn này người ta cho in hình du khách thẳng vào vé....

Một điều nữa là, những khu vực này không thu vé của người có chứng minh thư Campuchia, bởi theo quan điểm của những người quản lý du lịch thì Ang Kor là tài sản của tổ tiên người Campuchia và họ có quyền thụ hưởng và bảo vệ nó. Đến đây, tôi chợt nhớ về Việt Nam, hình như chúng ta chưa làm được việc đó...

Nguyễn Minh (còn tiếp)

Ký sự: Hành trình trên đất Ang Kor (Kỳ 1)

Kỳ 2: Một góc nhìn khác về Phnom penh

Kỳ 3: Oudong và cuộc hôn phối của nàng công chúa Việt

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/luxury-living/cau-chuyen-duoi-bong-ang-kor-108523.html