Câu chuyện thể thao: Trừng phạt để giải tỏa?

Một vụ tai nạn mới đây ở Hà Nội: Sau khi đâm trúng một cô gái và khiến cô này bị chấn thương nặng, theo các nhân chứng, lái xe này đã liều lĩnh quay lại cán cô gái thêm lần nữa trước khi bỏ chạy và bị người dân bắt lại. Vì quá bức xúc, nhiều người dân đã xúm vào đánh tài xế này.

Nó đủ để người đọc giật mình. Nếu đúng là lái xe cố ý đâm tới 2 lần thì chắc chắn, trước tòa sẽ là một tội danh khác và đúng với chuyện truyền tai nhau: Nhiều lái xe chủ đích gây tai nạn chết người để chỉ phải bồi thường một lần, còn hơn là phải nuôi nạn nhân cả đời. Và cũng giật mình bởi, đám đông bày tỏ sự phẫn nộ bằng một thái độ tương tự cái ác.

Hôm qua, trong câu chuyện liên quan đến bóng đá, nhà xã hội học - TS Trịnh Hòa Bình lý giải: “Đôi khi không còn là sự trừng phạt cái xấu, cái ác bình thường mà lắm khi là sự giải tỏa ẩn ức. Dùng bạo lực như một sự giải thoát áp lực. Trong thể thao hiện nay, một bộ phận công chúng - đám đông thiếu kiểm soát lại khoái trá bạo lực và có cảm giác được sẻ chia”.

Nhìn lại án phạt mà VFF tuyên với Đình Đồng. Nếu Đồng cố ý vào bóng khiến đối thủ gãy chân thì cầu thủ này xứng bị loại khỏi đời sống bóng đá vĩnh viễn. Nhưng nếu chỉ là một tai nạn, như cách lý giải của Đồng và BHL SLNA thì án phạt tới hết mùa giải liệu có phải là quá nặng? Hay mới nhất, chính những trọng tài chỉ cho rằng đó là một tai nạn cũng bị kỷ luật ngầm, mức án là hết giai đoạn 1 V.League.

Nói một cách khác, chính Đình Đồng và những trọng tài cũng đang cho rằng mình bị đối xử một cách quá…bạo lực từ Ban kỷ luật VFF, từ lãnh đạo VFF.

Một quyết định đúng, được thừa nhận phải dựa trên hệ thống luật lệ hiện có, chứ không phải là xúm vào “đấm cho thừa sống thiếu chết” để chứng tỏ quyền uy của một tổ chức và nhằm giải tỏa ẩn ức của đám đông.

Quanh chuyện cú phi chân của Đình Đồng, vừa thấy bóng dáng thủ phạm, vừa thấy cái yếu thế của một…nạn nhân.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/cau-chuyen-the-thao-trung-phat-de-giai-toa-184097.bld