Câu chuyện trả tiền lẻ và việc minh bạch thu phí BOT

Dư luận những ngày gần đây nóng lên với sự việc người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và TP Vinh (Nghệ An) tụ tập phản đối việc thu phí trạm BOT Bến Thủy (hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Các lái xe bảo nhau dùng tiền lẻ vo tròn để trả tiền phí gây khó khăn cho nhân viên thu phí và dẫn đến ách tắc giao thông kéo dài. Theo các lái xe qua hai trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 (cách nhau khoảng 1km) thì hơn 3 tháng nay, hàng trăm người sử dụng ô tô tại hai địa phương này rất bức xúc khi phải mua vé qua cầu Bến Thủy bởi họ không chạy trên tuyến đường BOT tránh thành phố Vinh nhưng vẫn phải trả phí. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải mới đây có thông báo giảm 50% giá vé qua cầu, song hầu hết các lái xe không đồng tình vì cho rằng người dân không sử dụng đường BOT thì không trả phí.

Phí các công trình BOT quá cao, không đi qua đường BOT vẫn phải nộp thuế, thu phí trên tuyến đường độc đạo… Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hàng loạt vụ việc bức xúc liên quan đến việc thu phí tại các trạm BOT thời gian gần đây. Trước đó, có thể kể đến vụ người dân tụ tập tại trạm thu phí Tam Nông, Phú Thọ (Quốc lộ 32) để phản đối việc nhiều người chỉ sử dụng 12km (từ ngã tư Cổ Tiết - huyện Tam Nông tới cầu Trung Hà) nhưng vẫn phải đóng phí hoàn vốn cho cả tuyến đường dài 36km.

Vụ người dân Thái Nguyên lên tiếng phản đối trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 3 (cũ) được dựng lên để hoàn vốn cho Quốc lộ 3 (mới) Thái Nguyên - Bắc Kạn, mặc dù Quốc lộ 3 cũ hoàn toàn được đầu tư xây dựng bằng vốn Nhà nước. Cũng với lý do hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư tuyến đường này đã đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 5 cũ, là tuyến đường được làm bằng tiền Nhà nước. Hay vì cần hoàn vốn cho dự án cầu Hạc Trì (Việt Trì, Phú Thọ), chủ đầu tư đã tìm mọi cách cấm ô tô đi qua cầu Việt Trì cũ với lý do cầu xuống cấp.

Có thể thấy những xung đột tại các trạm thu phí BOT thời gian qua đều xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư, mà một trong những nguyên nhân sâu xa là do sự nôn nóng trong việc xã hội hóa cải tạo, xây dựng các tuyến đường giao thông. Trong đó, nhiều chủ đầu tư, vì muốn nhanh chóng đạt mục tiêu hoàn vốn, thậm chí vì những lý do liên quan đến năng lực doanh nghiệp hay cả sự gian lận, đã dùng những “chiêu” tận thu phí của người dân.

Mới đây, kết quả giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, việc xây dựng các dự án BOT mới có sự thỏa thuận giữa Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương mà không lấy ý kiến người dân. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khi thu phí thì bị phản đối.

Do đó, theo Bộ Giao thông Vận tải, trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét việc lấy ý kiến cộng đồng là một trong số những yêu cầu để quyết định có đầu tư BOT hay không. Đồng thời, Bộ này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án chung về việc áp dụng miễn, giảm phí đối với người dân lân cận các trạm thu phí…

Việc lái xe cố tình trả tiền thu phí bằng tiền lẻ đó là một sự phản ứng với việc thu phí BOT cho dù đó không phải là một biện pháp tích cực song với việc liên tục xảy ra bức xúc của nhân dân liên quan đến phí BOT cho thấy, Nhà nước cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong quản lý và minh bạch hóa việc thu phí tại các trạm BOT.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/cau-chuyen-tra-tien-le-va-viec-minh-bach-thu-phi-bot/724077.antd