Cậu học sinh Quốc học Huế gặt hái vô số giải thưởng từ ý tưởng... trong mơ

Hoàng San cho biết, những ý tưởng thường đến với em trong vô thức, thi thoảng xuất hiện trong mơ, mặc dù em chẳng cần phải suy nghĩ...

Trải nghiệm khoa học từ nhỏ, Đặng Hoàng San (học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Quốc học Huế) ngày càng có niềm đam mê với khoa học và gặt hái được nhiều thành quả khiến mọi người khâm phục.

Cái duyên với bầu trời

Gia đình Hoàng San cho biết, từ nhỏ San đã có niềm đam mê đặc biệt với bầu trời, cụ thể là thiên văn học. Khi ấy, mỗi đêm cậu bé thường say sưa quan sát bầu trời và không ngừng hỏi những người trong gia đình về các vì sao hay mặt trăng.

Hệ thống nhật động pin năng lượng mặt trời theo hệ tọa độ xích đạo thiên cầu. Ảnh: Nhật Tuấn.

“Bầu trời là cơ duyên đã đưa em đi theo con đường khoa học những năm tiếp theo. Kể từ khi biết đọc, em cũng chỉ thích tìm và đọc sách về khoa học, cũng như các danh nhân khoa học. Đến năm lớp 6, em tiếp xúc với Internet và bắt đầu nghiên cứu về thiên văn”, Hoàng San chia sẻ.

San cho biết, giai đoạn ấy, em tìm hiểu tất cả các kiến thức thiên văn phổ thông, tiếp xúc với các công trình khoa học lớn, tiêu biểu là Thuyết tương đối. Trong cùng năm đó, em đã tiến hành các thí nghiệm đầu tiên để tạo ra một chiếc kính thiên văn.

Năm lớp 6, San tự tiết kiệm tiền để hai năm sau em chế tạo ra 3 chiếc kính thiên văn phản xạ đầu tiên. Em thành lập ra CLB Thiên văn học Huế, rồi kết nối và giao lưu với cộng đồng thiên văn toàn quốc từ những năm học cấp 2. Ngoài ra, em còn giao lưu với các bạn đam mê ở khu vực Đông Nam Á.

Áp dụng dao động sóng siêu âm; nguyên lý Peltier; bức xạ hồng ngoại; lọc hấp phụ nano để chuyển hóa nước biển thành nước ngọt. Ảnh: Nhật Tuấn.

Trước khi học lớp 10, Hoàng San tự tay chế tạo được 13 chiếc kính thiên văn với các thiết kế khác nhau. Ngoài thiên văn, San còn nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác như năng lượng, môi trường, máy móc... và đã có một số ý tưởng khoa học nhất định trên các lĩnh vực.

Phương pháp nghiên cứu khoa học của San rất đơn giản. Đầu tiên là tìm hiểu và nắm vững kiến thức nền, ý tưởng sẽ tự xuất hiện, sau đó mới đi sâu vào tìm hiểu thứ mình đang nghiên cứu, hoàn thiện thiết kế trên lý thuyết và bắt tay vào thực nghiệm, từ đó đi đến kết quả.

Bố mẹ San đều làm giáo viên. Thời gian đầu, khi em còn nhỏ, ba mẹ San không ủng hộ việc em tập trung quá nhiều thời gian vào nghiên cứu khoa học vì nghĩ "còn nhỏ thì biết gì mà nghiên cứu". Nhưng sau này, thấy em hoàn thành tốt việc học và vẫn tiếp tục mày mò, say mê... gia đình dần quay sang ủng hộ.

Chia sẻ những khó khăn khi theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, cậu học sinh Quốc học Huế thừa nhận: “Khó khăn lớn nhất của em là thí nghiệm liên tục thất bại, nhưng điều đó cũng không thành vấn đề. Có một thứ có thể làm em chùn bước đó là... tiền”.

Thiết bị định vị bầu trời và tích hợp tri thức phục vụ giáo dục, nghiên cứu thiên văn học. Ảnh: Nhật Tuấn.

Chia sẻ rất thật thà, Hoàng San cho biết không có tiền nghiên cứu, em không thể làm gì khác ngoài việc cố gắng hoàn thiện đề án trên lý thuyết.

Thông thường, em lấy tiền từ các khoản nghiên cứu do các đề án trước đem lại, tuy nhiên nguồn này rất nhanh hết. Do đó, San thường tự tiết kiệm tiền để lo các khoản còn lại.

Đối với San, khi làm khoa học ngoài sự ủng hộ nhiệt tình từ một vài thầy cô, bạn bè và gia đình thì nhiều người vẫn phản đối vì cho rằng em không chú trọng việc học phổ thông mặc dù San đã hoàn thành rất tốt việc học.

Mối duyên với những giải thưởng khoa học

“Em thường liên kết các chuỗi sự kiện và phác họa các ý tưởng rời rạc, cố gắng nghĩ ra một hoặc vài ứng dụng cho những nguyên lý đó, rồi mới liên hệ thực tế để xem điều này có giúp ích hay không, sau đó chỉ việc tạo ra một ý tưởng hoàn chỉnh từ những nhu cầu đó, và quá trình nghiên cứu bắt đầu”, Hoàng San nói.

Hoàng San bên hệ thống nhật động pin năng lượng mặt trời theo hệ tọa độ xích đạo thiên cầu. Ảnh: Nhật Tuấn.

Hoàng San chia sẻ, những ý tưởng nền này thường đến trong vô thức, thi thoảng xuất hiện trong mơ, mặc dù em chẳng cần phải suy nghĩ. "Tuy nhiên, 9/10 nguồn ý tưởng này khá trừu tượng và phi lý, chỉ một số ít trong đó, theo em thấy, là đúng về mặt thực tế, không mơ mộng, viễn tưởng và có thể thực hiện được", San thừa nhận.

Từ năm lớp 6 đến nay, em phác họa sơ lược về gần 400 ý tưởng nền có thể ứng dụng thực tế mặc dù trình độ và điều kiện chỉ mới cho phép em thực hiện được một số rất ít trong đó.

Từ những ý tưởng đó, Hoàng San đã hiện thực hóa, công bố và thu được nhiều thành quả.

Đầu tiên, phải kể đến “Kính thiên văn và kính hiển vi tự chế”. Mặc dù chưa đủ tiêu chuẩn để gọi đề tài này sáng tạo nhưng việc tập hợp các nguyên liệu thông thường để làm ra những thứ đó cho phép tiết kiệm gấp 4 chi phí, khá phù hợp với học sinh, sinh viên, các bản thiết kế này đã giúp chế tạo ra hàng loạt kính thiên văn được sử dụng trong quan sát tại CLB Thiên văn học Huế.

San đam mê nghiên cứu khoa học từ nhỏ. Ảnh: Nhật Tuấn.

Tiếp theo là “Áp dụng Hệ tọa độ xích đạo thiên cầu để chế tạo hệ thống nhật động pin năng lượng mặt trời”. Đây là một hệ tọa độ được khai thác từ thiên văn học cổ điển, nhưng em đã tạo ra một số nguyên lý bổ sung để phục vụ đề tài và áp dụng thành công vào hệ thống nhật động pin, khắc phục triệt để các nhược điểm của hệ thống nhật động thông thường hiện có trên thế giới.

Thứ ba là “Hệ thống định vị bầu trời, tích hợp tri thức phục vụ giáo dục, nghiên cứu thiên văn học”. Đây là thiết bị cầm tay cho phép các tân binh thiên văn học thông hiểu một cách nhanh chóng về bầu trời bằng hệ thống định vị tán xạ laser, giáo dục từ xa, và một bộ ứng dụng tổng hợp vài trăm nghìn bài viết và video về thiên văn một cách có hệ thống phục vụ việc tra cứu, giáo dục, thông hiểu nhanh.

San bên kính viễn vọng phản xạ. Ảnh: Nhật Tuấn.

Thứ tư là “Áp dụng dao động sóng siêu âm; nguyên lý Peltier; bức xạ hồng ngoại; lọc hấp phụ nano để chuyển hóa nước biển thành nước ngọt”. Đây là tổ hợp công nghệ và là một phương pháp hoàn toàn mới giúp tạo ra nước sạch đi từ nước biển với giá rẻ, bằng một hệ thống tối ưu hơn nhiều các hệ thống hiện có xét trên các tiêu chí hiệu suất, công suất, giá thành, kích thước, độ an toàn.... Hiệu năng vượt hàng chục lần các phương pháp truyền thống.

Rất nhiều trong số các ý tưởng của em đã được thông qua và được đánh giá rất cao về khả năng ứng dụng, 3 trong số nhiều nghiên cứu hiện đang làm thủ tục đăng ký sáng chế.

Những năm gần đây, quan sát danh sách các giải thưởng của các cuộc thi Sáng tạo Khoa học dành cho học sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế và quốc gia luôn thấy cái tên “Đặng Hoàng San” với những giải thưởng cao.

Đó là Giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 10, giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 12, giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 12 (toàn quốc chỉ có một giải Đặc biệt), giải Nhì cuộc thi INTEL ISEF Quốc gia năm 2016, giải Nhất cuộc thi INTEL ISEF Quốc gia năm 2017, Giải Nhì toàn cuộc INTEL ISEF Quốc gia 2017.

Nhận xét về học trò cưng của mình, thầy Phan Tiến Anh (Giáo viên hướng dẫn) cho biết, San là học sinh có năng lực thực sự hiếm thấy, đam mê mãnh liệt với khoa học, em luôn tự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo ra nhiều cái mới.

“Ngày nào San cũng nghiên cứu khoa học, em có nhiều hiểu biết về các lĩnh vực. Tính đến nay, San có nhiều đề tài khoa học, các đề tài của San rất thực tế với những phương pháp mới, giá thành rẻ, tiện lợi, nhất là máy chuyển hóa nước biển thành nước ngọt, có chỉ số nước ngọt rất tốt”, thầy Tiến Anh cho bieest.

Tháng 7 sắp tới, Hoàng San có hai đề tài được chọn dự cuộc thi Sáng tạo trẻ quốc tế tổ chức tại Nhật Bản. Trò chuyện với khampha.vn, cậu học sinh lớp 12 này không ngần ngại bày tỏ mục tiêu phấn đấu du học, phát triển các đề án của mình và ước mơ trở thành nhà khoa học, nhà doanh nhân.

Nhật Tuấn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cau-hoc-sinh-quoc-hoc-hue-gat-hai-vo-so-giai-thuong-tu-y-tuong-trong-mo-c7a535817.html