Cầu thị, văn hoá và đạo đức chính trị

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomoni Inada đã từ chức sau khi tại nhiệm chưa đầy một năm. Việc này không gây bất ngờ ở Nhật Bản vì đã được đồn thổi và trù đoán từ lâu, nhưng vẫn rất được để ý đến, bởi ở vào thời điểm hiện tại thì việc bà Inada từ chức còn liên quan đến uy tín cá nhân của Thủ tướng Shinzo Abe.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada (giữa). Ảnh: Reuters

Năm ngoái, khi được chọn lựa làm Bộ trưởng Quốc phòng, bà Tomoni Inada còn được nhìn nhận là ứng cử viên tiềm năng nhất có triển vọng kế nhiệm ông Shinzo Abe và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Hay nói theo cách khác, bà Tomoni Inada không chỉ là cộng sự rất thân cận và tin cậy của ông Shinzo Abe, mà còn được ông Shinzo Abe chủ ý gây dựng, lựa chọn làm người kế nhiệm. Tức là việc bà bộ trưởng từ chức phải có nguyên do rất xác đáng và cấp thiết.

Lý do ấy là bà Tomoni Inada không có được uy tín cao trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản, có thể bà không thích hợp nhưng cũng có thể không may mắn với trọng trách này. Cho nên áp lực từ chức đã hình thành từ rất sớm đối với bà Inada.

Lý do là uy tín cá nhân của ông Shinzo Abe hiện đang trên đà suy giảm, mà bằng chứng cụ thể gần đây nhất là kết quả cuộc bầu cử Thị trưởng Tokyo với thất bại của Đảng Dân chủ Tự do của ông Shinzo Abe. Bản thân ông Shinzo Abe cũng đang chịu áp lực của dư luận. Tình trạng này buộc ông Shinzo Abe sớm muộn cũng phải tính đến chuyện cải tổ nội các. Mà một khi tiến hành cải tổ nội các thì việc để bà Tomoni Inada tiếp tục đảm trách cương vị Bộ trưởng Quốc phòng không thể tránh khỏi trở thành lợi bất cập hại, trong khi buông bỏ bà Inada thì lại gặp khó khăn và khó xử trong nội bộ đảng cầm quyền.

Vì thế, việc bà Tomoni Inada từ chức sẽ tạo thuận lợi và dễ dàng hơn cho ông Shinzo Abe cải tổ nội các, giúp ông Shinzo Abe tránh được áp lực phân hoá nội bộ đảng cầm quyền. Hơn nữa, từ chức như thế đúng là bà Tomoni Inada sẽ lỡ một nhịp thăng tiến trên con đường công danh sự nghiệp, nhưng có được bằng chứng thể hiện thái độ cầu thị, văn hoá và đạo đức chính trị, chấp nhận ra đi để góp phần cứu ông Shinzo Abe và giúp đảng của mình. Như thế cũng còn là đồng thời chuẩn bị cho sự trở lại chính trị và chính quyền sau này.

HẠ LANG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/cau-thi-van-hoa-va-dao-duc-chinh-tri-687586.bld