Cây bưởi của mẹ, gia tài của con

Từ một cây bưởi hoang mọc trong vườn của mẹ, 4 anh em ông Đặng Văn Nhân (53 tuổi) ở Hòa Ninh, Hòa Vang (Đà Nẵng) đã chiết ra hàng ngàn cây bưởi khác cho trái ngon ngọt. Giờ đây, vườn bưởi của ông Nhân mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cả vùng đất đồi khô cằn Hòa Ninh đang dần biến thành vùng trồng bưởi rộng lớn.

Từ một cây bưởi hoang mọc trong vườn của mẹ, 4 anh em ông Đặng Văn Nhân (53 tuổi) ở Hòa Ninh, Hòa Vang (Đà Nẵng) đã chiết ra hàng ngàn cây bưởi khác cho trái ngon ngọt. Giờ đây, vườn bưởi của ông Nhân mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cả vùng đất đồi khô cằn Hòa Ninh đang dần biến thành vùng trồng bưởi rộng lớn.

Ông Nhân bên cây bưởi của mẹ để lại.

Ông Nhân bên cây bưởi của mẹ để lại.

Trong khu vườn rộng 5 ngàn m2 sum suê bóng mát, ông Nhân với tay ngắt trái bưởi gọt vỏ mời khách. Tép bưởi to, ngọt, xoa dịu đi cảm giác nóng bức giữa trưa hè. Và, câu chuyện ông Nhân kể cứ phảng phất màu cổ tích. Ông bảo, mười mấy năm trước, trong vườn của mẹ mình là bà Nguyễn Thị Giám bỗng mọc lên một cây bưởi hoang. Lúc ấy, khu vườn chủ yếu trồng xoài, mít, chôm chôm, cây bưởi hoang không được chú ý lắm. Nhưng qua thời gian, cây bưởi lớn dần, đơm hoa, kết trái. Khi trái bưởi đầu tiên được bổ ra để cả nhà thưởng thức, ai cũng tấm tắc khen ngon. Thấy vậy, ông Nhân liền chiết cành trồng thêm vài cây nữa. Sau thời gian chăm sóc, những cây bưởi sai trĩu quả, hương vị ngon ngọt. Thấy cây bưởi phù hợp với vùng đất này, ông Nhân tiếp tục chiết cành trồng thêm ra thay thế một số cây ăn trái trong vườn. Những ngày rằm, tết, người dân trong vùng tìm tới nhà ông Nhân mua bưởi về cúng lễ. Tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái các nơi tìm đến vườn nhà ông Nhân mua bưởi. Sau đó, bưởi trong vườn cũng tăng dần lên 50 cây, 100 cây, rồi 300 cây. Ba người em của ông Nhân cũng chọn những cây bưởi ngon chiết cành trồng mỗi người hàng trăm cây. Ông Nhân thì mua đất mở rộng diện tích trồng bưởi...

Quá trình sang chiết, phát triển vườn bưởi của ông Nhân diễn ra khoảng 10 năm nay. Với giá bán tại vườn 18 ngàn đồng/kg, ông Nhân cho biết chỉ tính riêng 100 cây, mỗi năm cũng đem về thu nhập 100 triệu đồng. Khi được hỏi có tính tới chuyện xây dựng thương hiệu bưởi cho mình không, ông Nhân cười hiền hòa bảo chưa tính, bởi vì không đủ bưởi để bán, thương lái đặt cọc mua ngay khi bưởi mới ra trái. Theo ông Nhân, sau khoảng 4-5 năm trồng và chăm sóc thì bưởi sẽ cho trái. Quy trình chăm sóc cũng đơn giản, lúc đầu chỉ bón phân hữu cơ, khi cây cho thu hoạch rồi thì chỉ cần tưới nước và thu hoạch. Cái khó nhất để bảo vệ vườn bưởi là tiêu diệt đám ong ruồi chuyên đục quả. Để làm việc này, ông Nhân đã nghĩ ra cách làm mồi "hấp dẫn" hơn trái bưởi để dụ đám ong ruồi về một chỗ rồi tiêu diệt. "Tui tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu để phun bởi vì vừa không an toàn mà còn ảnh hưởng cả đến độ ngon ngọt của trái bưởi"- ông Nhân chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, bà Lê Thị Chinh nói rằng, cây bưởi trong vườn bà Giáp như "hạt ngọc" rớt xuống vùng đất đồi này. Bởi lẽ, diện tích đất nông nghiệp của xã rất lớn, người dân vẫn loay hoay chưa biết tìm ra cây gì trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao thì đột nhiên có giống "bưởi lạ" không rõ xuất phát từ đâu nhưng lại phù hợp với đất Hòa Ninh đến thế. Từ những vườn bưởi của anh em nhà ông Nhân cho hiệu quả kinh tế cao đã mở ra mô hình trồng bưởi cho nông dân trong xã. Trong năm nay, trên địa bàn xã đã qui hoạch trồng 10 ha bưởi, trong đó 7 ha do nông dân trồng, 3ha còn lại do một doanh nghiệp thực hiện. Khả năng, diện tích trồng bưởi sẽ tăng lên 15 ha. Tại Hòa Ninh từng xuất hiện mô hình trồng ổi, chôm chôm nhưng không mang lại hiệu quả cao, giờ mô hình trồng bưởi được cho là phù hợp, mở ra triển vọng lớn cho nông dân. Bởi lẽ, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Đà Nẵng rất lớn, trong khi hơn 90% phải nhập khẩu từ nơi khác, chưa nói đến chi phí vận chuyển đẩy giá thành lên cao thì độ tươi ngon khó sánh kịp với việc trồng tại địa phương.

Từ một cây bưởi mọc trong vườn nhà bà Giáp, giờ đây là cả một vùng rộng lớn rợp bóng bưởi trên đất Hòa Ninh. "Cây bưởi lạ" có phần giống với "niêu cơm Thạch Sanh" cứ đầy lên mãi, nhưng nó khác ở chỗ được "dệt" lên bởi mồ hôi, công sức chăm chút của những người nông dân như ông Nhân chứ không hoàn toàn nhuốm màu thần thoại.

HẢI HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_172135_cay-buo-i-cu-a-me-gia-ta-i-cu-a-con.aspx