Cấy chíp vào não và những dự án kỳ quái của Mỹ

Không chỉ biết đến với những dự án quốc phòng kỳ quái trước kia, Mỹ đang thực sự gây sốc khi có kế hoạch cấy chíp vào não binh sĩ.

Theo Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA), Mỹ đang lên kế hoạch phát triển một dự án vô cùng đặc biệt mang tên Neural Engineering System Design (NESD) “Thiết kế hệ thống năng lượng thần kinh”.

Phillip Alvelda, người quản lý chương trình NESD cho biết, mục tiêu của dự án là phát triển một loại chíp siêu nhỏ để cấy vào trong não của binh lính Quân đội Mỹ. Thiết bị này sẽ làm nhiệm vụ tương tác giữa não người với các hệ thống cảm biến. Nếu thành công, thiết bị này sẽ tạo ra bước đột phá trong công nghệ dẫn truyền thần kinh.

“Hiện nay, hệ thống giao tiếp não – máy tính giống như hai siêu máy tính đang kết nối với thông qua modem chứa 300 bốt truyền dữ liệu, nhưng khả năng tương tác còn khá hạn chế. Hãy tưởng tượng khi thiết bị mới được chế tạo sẽ cung cấp nhiều công cụ kết nối giữa não người với các thiết bị điện tử”, Phillip Alvelda tiết lộ..

Các nhà khoa học cho biết, NESD sẽ thu thập tín hiệu từ não với độ phân giải cao hơn nhiều so với hiện tại. NESD sẽ được cấy vào từng khu vực riêng biệt trong bộ não con người. Với mỗi cảm biến sẽ tạo ra khoảng 100 kênh giao tiếp để thu thập tín hiệu từ hàng chục nghìn tế bào thần kinh, giúp xây dựng hình ảnh sơ bộ về hoạt động của não bộ.

Trực thăng Lackner HZ-1 Aerocycle.

Đặc biệt, NESD sẽ giúp cho người lính có ngay thông tin trong thời gian thực về tình hình chiến trường từ các hệ thống cảm biến. Bên cạnh đó, những thông tin mà người lính quan sát được bằng mắt cũng được kết nối với các thiết bị điện tử giúp lập bản đồ chiến trường.

Ngoài ra, về lâu dài NESD còn giúp chỉ thị mục tiêu, dẫn đường cho các hệ thống vũ khí. Trước mắt, DARPA sẽ tập trung phát triển NESD nhằm mục đích lập bản đồ não người và giao tiếp với bộ não.

Kế hoạch cấy chíp vào não người được coi là dự án "điên rồ" nhất từ trước đến nay của quân đội Mỹ, tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên Mỹ khiến thế giới bất ngờ bởi những dự án quốc phòng của mình.

Đứng đầu bảng phải kể tới dự án bom mèo. Trong Thế chiến 2, giới chức Lầu Năm Góc và văn phòng Cục Chiến lược, tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), vắt óc tìm cách cải thiện khả năng ném bom tàu chiến địch của không quân Mỹ.

Giải pháp được đưa ra vô cùng… dã man: trói mèo vào bom với suy luận rằng loài mèo cực kỳ sợ nước nên sẽ nhanh chóng bơi đến con tàu gần nhất để tránh nước, mang theo quả bom trên người. Tất nhiên, kết quả thử nghiệm không như mong đợi vì hầu hết bom mèo đều nhanh chóng chìm lỉm không tung tích khi bị thả xuống từ máy bay.

Trong dự án bom mèo thì chỉ có những chú mèo tội nghiệp mất mạng, chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của binh sĩ, còn chương trình thử nghiệm súng cối bắn rốc két hạt nhân thì lại khác. Từ năm 1956 đến 1971, quân đội Mỹ chế tạo khoảng 2.100 súng cối Davy Crockett với đầu đạn nhồi 0,01-kiloton nhiên liệu hạt nhân để sử dụng trên các chiến trường.

Vấn đề ở đây là vũ khí nguyên tử mini có tầm bắn tối đa 4 km, có nghĩa là binh sĩ chắc chắn sẽ nhiễm xạ từ chính vũ khí của mình. Để giảm thiểu phần nào nguy cơ, Lầu Năm Góc phát hành đoạn phim chỉ dẫn binh sĩ tránh bức xạ, bằng cách… nhảy xuống núp trong con hào kế bên sau mỗi lần khai hỏa.

Không dừng lại ở đó, quân đội Mỹ tiếp tục thử nghiệm những dự án không tưởng khác như trực thăng cá nhân chở lính. Theo Vanity Fair, thiết bị này là sự kết hợp tréo ngoe của xe đẩy 2 bánh Segway và một đống máy móc lằng nhằng.

Để lái chiếc trực thăng tên Lackner HZ-1 Aerocycle, được công bố vào năm 1954, binh sĩ tội nghiệp phải đứng trên bục lái gắn lên 4 cánh quạt thép lớn quay ầm ĩ. Người can đảm dám thử HZ-1 là đại úy Selmer Sundby may mắn toàn mạng sau hàng loạt cú ngã nghiêm trọng lẫn nguy cơ bị cánh quạt chém chết.

Những tưởng các dự án kiểu như trên chỉ tồn tại trong quá khứ, khi mà công nghệ chưa phát triển mạnh như ngày nay. Tuy nhiên, đến năm 2009, Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) tiếp tục trình làng súng “ánh sáng”, được cho là có thể bắn dòng điện phá hỏng bom địch và những thiết bị kích nổ.

Tuy nhiên, nguyên mẫu của súng ánh sáng chỉ có tầm bắn tối đa 15 m, tức là binh sĩ có nguy cơ bị hạ trước khi kịp tiếp cận mục tiêu. Mới đây nhất, các chuyên gia DARPA vừa trình bày ý tưởng cho một thiết bị có biệt danh “thần sấm” có thể chuyển hướng các tia sét trên trời đánh thẳng vào đồn hoặc cơ sở của địch.

Siêu hạm USS Coronado bị tàu cỡ nhỏ khóa chết

Hòa Sơn (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/cay-chip-vao-nao-va-nhung-du-an-ky-quai-cua-my-3299565/