Cây dược liệu giúp giảm nghèo

Nhờ địa hình núi đá vôi xen kẽ đất bằng, nhiều thung lũng nhỏ đan xen, lại sở hữu đa dạng nguồn gen cây dược liệu quý mọc hoang dã tự nhiên, Ninh Bình đã tận dụng lợi thế này để hình thành các vùng sản xuất dược liệu, hàng hóa quy mô lớn.

Trong đó có vùng dược liệu trạch tả tại Kim Sơn, Yên Khánh gần 150 ha; vùng dược liệu Bồ công anh, Bạch chỉ tại các xã Chính Tâm, Xuân Thiện, Chất Bình (huyện Kim Sơn) và Khánh Thủy (huyện Yên Khánh) khoảng 50 ha; vùng dược liệu Đương quy, Ngưu bàng, Sinh địa ở huyện Nho Quan gần 20 ha...

Tiêu biểu có dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Ninh Bình" rộng 30 ha, nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi núi Cổ Ngựa ở xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, do Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia thực hiện từ tháng 11-2016 đến tháng 5-2020. Tổng kinh phí thực hiện dự án là tám tỷ đồng, trong đó ngân sách khoa học Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 3,35 tỷ đồng, còn lại là kinh phí do công ty tự thu xếp.

Đinh lăng là thành phần chính trong nhiều loại thuốc. Tất cả các bộ phận của loại cây này đều có thể dùng chế biến thuốc. Hiện thị trường tiêu thụ đinh lăng rất rộng mở, thời điểm hiện tại, giá của cành và lá đinh lăng dao động từ 22 đến 30 nghìn đồng/kg tươi. Củ đinh lăng có giá cao hơn tùy thuộc vào năm tuổi của cây, cây từ ba đến năm tuổi giá 100 đến 120 nghìn đồng/kg; cây lâu năm có thể lên tới một triệu đồng/kg. Những cây từ 15 đến 20 năm tuổi, trọng lượng củ thường là lên tới 20 kg/cây được coi là "nhân sâm của người nghèo", vì chứa nhiều hợp chất saponin.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia Vũ Văn Tâm cho biết: Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc, quy trình trồng và chăm sóc cây đinh lăng thâm canh cao đã được thiết lập. Dự án đầu tư hệ thống tưới tự động cho toàn bộ diện tích trồng. Các tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" GACP-WHO được áp dụng. Dự án sẽ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho 100 nông dân trồng cây đinh lăng quy trình GAP và sơ chế và bảo quản đinh lăng theo GACP. Đồng thời, xây dựng mô hình cơ sở sơ, chế biến đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP với sản lượng dự kiến đạt 10 tấn khô/năm.

Cùng với cây đinh lăng, trong khu vực thung lũng núi Cổ Ngựa với lợi thế tự nhiên, thổ nhưỡng vốn có, công ty còn phát triển và đa dạng hóa nhiều tầng dược liệu khác như trà hoa vàng, giảo cổ lam, huyết giác. Với hướng đi bền vững này, dự án được kỳ vọng sẽ tạo sinh kế cho nông dân địa phương, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng đồi núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33569702-cay-duoc-lieu-giup-giam-ngheo.html