Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng

7 nước công nghiệp phát triển và EU vừa tuyên bố sẽ đình chỉ các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8, theo dự kiến được tổ chức tại Sochi, Nga vào tháng 6 tới. Đây là sức ép mới nhất của EU nhằm trả đũa các động thái của Nga ở Crimea.

Thông báo mới nhất của Washington tuyên bố, nhân danh 7 nước công nghiệp phát triển nhất và EU, Nga bị đình chỉ trên thực tế Quy chế thành viên G8. Trong một bước đi khác, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã đe dọa trục xuất Nga ra khỏi G8 và do vậy nhóm này chỉ còn 7 nước – G7. Mỹ và EU cũng không ngần ngại tuyên bố đây mới chỉ là bước đi đầu tiên.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên sức ép gia tăng đối với Moscow mà trước đó Tổng thống Mỹ Obama đã từng đe dọa "Nga sẽ phải trả giá” khi đưa quân vào Ukraine. Tuy nhiên, những đòn đe dọa này có tác dụng với Nga hay không thì còn phải tính tới những yếu tố khác.

Những biến động chính trị dồn dập hiện nay dẫn tới việc Tổng thống Yanukovych phải ra đi trước hết là do các yếu tố bên ngoài tác động. Đây là điều đã được dự đoán trước mỗi khi các chính phủ có yếu tố thân Nga lên nắm quyền lãnh đạo tại Ukraine. Sự "giằng co” Đông-Tây luôn là các yếu tố chi phối chính trường Ukraine, khiến cho Kiev nằm giữa vô khối sức ép. Sự chi phối của các thế lực bên ngoài này không đơn giản nhằm vào chính quyền Kiev mà mục tiêu sâu xa chính là nhắm vào Nga, với việc triệt hạ uy tín, vị thế địa chính trị của Nga tại khu vực trọng yếu này. Tất nhiên, Moscow không dễ bị "bắt nạt” như vậy. Ukraine không chỉ là một trong những nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết trước đây, nơi có nhiều người Nga sinh sống mà còn là nơi có vị trí địa chính trị chiến lược sống còn đối với Nga. Trong đó bán đảo Crimae được ví như "mắt xích” quan trọng nhất, nơi Moscow đặt Hạm đội Biển Đen trấn giữ cửa ngõ biên giới phòng ngừa phương Tây. Vì thế khi Mỹ và phương Tây kích động phe đối lập ở Ukraine gây chính biến lật đổ ông Yanukovych, tất nhiên Nga không thể ngồi yên.

Bản chất của vấn đề ở đây là Nga không thể ngồi yên nhìn những lợi ích thiết thực và uy tín của mình trên toàn cầu bị xâm phạm. Nếu Ukraine thiết lập một chính phủ Kiev thân phương Tây, vai trò của Nga sẽ bị lấn át, các lợi ích của Nga cũng như ưu thế địa chính trị sẽ bị đe dọa. Nguy hiểm hơn, nếu để Mỹ, phương Tây "được đằng chân, lân đằng đầu”, hình ảnh và uy tín của Moscow sẽ sụp đổ. Đây là điều Moscow không thể chấp nhận.

"Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Những bước đi vừa qua của Moscow không chỉ là một hành động trả đũa Mỹ và phương Tây mà còn là một động thái cứng rắn mang tính răn đe. Thông điệp của Moscow rất rõ ràng "sẽ không ai có thể động tới nước Nga cũng như những lợi ích của nước Nga”. Việc nước CH tự trị Crimea đề xuất tiến hành trưng cầu ý dân yêu cầu độc lập vào ngày 30-3, sớm hơn so với dự kiến ngày 25-5, là một ví dụ. Với 60% dân số nói tiếng Nga, ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Nga, nơi đặt Hạm đội Biển Đen của Nga, yêu cầu đòi độc lập của Crimea chính là một động thái cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nước Nga trong không gian hậu xô-viết. Đấy là chưa kể những ảnh hưởng về kinh tế to lớn của Nga đối với Brussels, thậm chí đối với cả Washington.

Câu chuyện Crimea vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, ngoài những cam kết đưa ra, EU và Mỹ vẫn chưa có những bước đi cụ thể đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ lâm thời Ukraine. Và đã có không ít người Ukraine đang tự hỏi: Liệu EU có thực sự là chỗ dựa cho Ukraine như Brussels đã từng cam kết?

Hiện, sự lựa chọn vẫn để ngỏ cho các bên. Nếu EU, Mỹ chấp nhận thỏa hiệp, rất có thể Moscow sẽ có những bước đi mềm dẻo hơn. Ngược lại, nếu "gió tiếp tục lớn”, chắc chắn Nga sẽ không dừng lại. Và chưa ai có thể nói trước về một kịch bản xung đột và căng thẳng mới có thể xảy ra tại Ukraine.

Nhật Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=77492&menu=1440&style=1