CĐ Công nghiệp Hóa chất VN: Quan tâm đặc biệt đến người lao động tại các doanh nghiệp khó khăn

Trong số 12 doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất của Bộ Công Thương, có 4 DN thuộc Tập đoàn Hóa chất VN. Đó là các DN: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng và DAP Lào Cai. Trao đổi với PV Báo Lao Động về tình hình đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ) tại các DN này, ông Vũ Tiến Dũng - Chủ tịch CĐ Công nghiệp Hóa chất VN - cho hay:

Chủ tịch CĐ Công nghiệp Hóa chất VN Vũ Tiến Dũng (thứ hai từ phải sang) thay mặt lãnh đạo Tập đoàn trao thưởng cho CNLĐ Cty Đạm Ninh Bình nhân dịp Cty chạy lại máy thành công đầu năm 2017. Ảnh: HUY THÔNG

- Cả 4 đơn vị vẫn có việc làm thường xuyên, sản xuất theo mùa vụ. Đợt này, CNLĐ đang hoàn thành kế hoạch 150.000 tấn phân bón, sau đó bảo dưỡng máy, bán hết sản phẩm lại làm tiếp. Tuy nhiên, thị trường phân bón đầu năm còn khá, giờ giá phân bón thế giới đang giảm nên giá trong nước cũng giảm theo. Hơn nữa, tuy nhà máy vẫn vận hành đều, nhưng chi phí biến đổi (khấu hao, vốn vay) chưa cải thiện được nên nhìn chung cả 4 đơn vị này vẫn còn rất khó khăn.

Với vai trò là người đại diện quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, CĐ Công nghiệp Hóa chất VN đã có những việc làm cụ thể nào để hỗ trợ NLĐ?

- Nhiều năm nay, trước tình hình giá cả thị trường ngày một tăng, nhiều đơn vị găp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm dẫn đến thu nhập của NLĐ bị giảm. CĐ Công nghiệp Hóa chất VN đã tiến hành khảo sát về tình hình đời sống, việc làm của NLĐ; kiến nghị với lãnh đạo Tập đoàn và được Tập đoàn nhất trí điều chỉnh đơn giá tiền lương theo hướng tăng cao hơn so với năm trước. Qua đó, các DN đã chủ động trong việc ổn định sản xuất, quỹ tiền lương, việc làm và thu nhập của NLĐ được đảm bảo ổn định. Bên cạnh đó, CĐ còn tham gia giải quyết tháo gỡ những khó khăn cùng DN bằng các biện pháp cụ thể như: Tham gia tìm đại lý tiêu thụ sản phẩm, vận động các đơn vị mua sản phẩm của nhau.

Đặc biệt, đối với 4 đơn vị khó khăn nói trên, CĐ Công nghiệp Hóa chất VN đã cùng với chính quyền đánh giá thực trạng, những nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đồng thời, trực tiếp đến làm việc với lãnh đạo BCH CĐ từng đơn vị để nắm bắt tư tưởng của NLĐ và cùng bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn và giải quyết ngay một số việc như: Để lại toàn bộ kinh phí CĐ và giao cho CĐCS để duy trì các phong trào; hỗ trợ cho những CNLĐ khó khăn; để lại cho cơ sở toàn bộ số tiền thu được làm quỹ an sinh xã hội (ASXH). Bên cạnh đó, CĐ Công nghiệp Hóa chất VN còn đề xuất với Tập đoàn chi từ Quỹ ASXH của Tập đoàn hỗ trợ 6 tháng tiền thuê nhà cho CNLĐ đặc biệt khó khăn (500.000đ/người/tháng); hỗ trợ tiền lương cho những ngày CNLĐ phải nghỉ việc (bảo dưỡng máy) với mức tối thiểu bằng lương tối thiểu vùng; hỗ trợ đầy đủ các chế độ BHXH cho NLĐ. Đặc biệt, CĐ cũng tạo mọi điều kiện để NLĐ được tham gia chung với các hoạt động của Tập đoàn và CĐ tổ chức… Qua đó, giúp cả 4 đơn vị ổn định sản xuất, sản phẩm tiêu thụ hết và đã giảm lỗ so với cùng kỳ 2016. Đặc biệt, số lao động nghỉ chờ việc sau khi Cty đi vào sản xuất đã đi làm trở lại đầy đủ.

Trong thời gian tới, tổ chức CĐ sẽ có những hoạt động gì để tiếp tục hỗ trợ cho NLĐ ở các đơn vị này một cách hiệu quả nhất?

- CĐ sẽ tiếp tục thường xuyên làm việc với chuyên môn để nắm bắt tư tưởng NLĐ. Dù có khó khăn đến mấy thì vẫn phải đảm bảo các chế độ chính sách như tiền lương, BHXH… ; duy trì việc không có NLĐ nào phải nghỉ việc không có lương. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động cán bộ, CNLĐ đóng góp Quỹ ASXH của Tập đoàn để giúp CNLĐ ở những đơn vị khó khăn; phối hợp với Tập đoàn kêu gọi phong trào các đơn vị dùng sản phẩm của nhau… Hiện nay, các nhà máy đạm cũng đã bán sản phẩm cho một số đơn vị sản xuất phân bón NPK.

Xin cảm ơn ông!

TR.HOÀNG (thực hiện)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/cd-cong-nghiep-hoa-chat-vn-quan-tam-dac-biet-den-nguoi-lao-dong-tai-cac-doanh-nghiep-kho-khan-686299.bld