Cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái có 12 dấu hiệu điển hình

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái có thể sẽ để lại hậu quả tiêu cực như: Nguy cơ gây ra những hành vi sai trái và tự ti hơn cho con cái.

Nhiều cha mẹ cực kỳ nghiêm khắc trong việc kỷ luật con cái vì cho rằng nghiêm khắc thì con sẽ ngoan ngoãn và cư xử đúng mực hơn. Nhưng sự thực là có sự khác biệt rất lớn giữa việc nghiêm khắc và quá khắt khe với con trẻ.

Sophie Baron, người sáng lập Mamamade, nền tảng giúp cha mẹ nuôi dạy con cái, chia sẻ: "Tôi đã học được nhiều thứ từ con cái và hiểu được quá trình phát triển suy nghĩ của các con diễn ra như thế nào. Việc đó thực sự giúp tôi gắn bó hơn với các con và gỡ bỏ nhiều lo lắng khi không còn suy nghĩ quá nhiều rằng mình đã làm đúng hay sai".

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang quá khắt khe với con cái, nên thay đổi điều đó để cuộc sống của bản thân trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn nhé.

1. Bạn thích kỷ luật và luôn đưa ra quy tắc mới

Cha mẹ cần biết ranh giới phải có giữa những quy tắc, biết khi nào cần dừng lại. Việc hay cằn nhằn trẻ, đưa ra những quy tắc mới chỉ để hoàn thành công việc mà không suy nghĩ kỹ càng sẽ chỉ khiến bạn tỏ ra nghiêm khắc.

Mặc dù con có thể được hưởng lợi từ một số thói quen, nguyên tắc, chúng phải có quyền tự do để đưa ra những quyết định nhất định trong cuộc sống của mình.

Cha mẹ cần biết ranh giới phải có giữa những quy tắc, biết khi nào cần dừng lại. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần biết ranh giới phải có giữa những quy tắc, biết khi nào cần dừng lại. Ảnh minh họa

2. Cằn nhằn liên tục

Sophie Baron giải thích rằng, nếu bạn nhận thấy mình đang liên tục cằn nhằn hoặc trách phạt con cái, thì có thể là bạn quá nghiêm khắc. "Rất có thể bạn áp đặt quy tắc nào đó không thực sự cần thiết lên mọi thứ", cô nói.

Có thể con có một vài hành vi hoặc hành động mà bạn không hề mong muốn, như lỡ làm đổ thức ăn lên quần áo hay thảm trải sàn, nhưng đó không nên là lý do để bạn tỏ ra nghiêm khắc.

Hãy ngưng vòng xoáy tâm lý ấy bằng cách nhìn nhận điểm tốt của con, tự thách thức bản thân không cáu gắt với con trong một ngày, thay vào đó là chú ý xây dựng bầu không khí tích cực ở bên con.

3. Đe dọa con quá đáng

Điều gì đã khiến bạn đe dọa rằng sẽ ném bọn trẻ ra khỏi nhà khi chúng làm điều gì đó sai trái? Những lời đe dọa suông và vô nghĩa đó chỉ có tác dụng ngược là khuyến khích bọn trẻ có hành vi sai trái hơn mà thôi. Vì vậy, bạn hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi phát ngôn ra những câu hăm dọa bọn trẻ một cách quá đáng.

4. Con thường xuyên nói dối

Trẻ em đôi khi nói sai sự thật là điều bình thường, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng kỷ luật hà khắc sẽ biến trẻ em thành những kẻ nói dối cừ khôi. Nếu bạn quá nghiêm khắc, con bạn có thể sẽ nói dối để tránh bị trừng phạt.

Kỷ luật hà khắc sẽ biến trẻ em thành những kẻ nói dối cừ khôi. Ảnh minh họa

Kỷ luật hà khắc sẽ biến trẻ em thành những kẻ nói dối cừ khôi. Ảnh minh họa

5. Bạn ra quyết định cho mọi vấn đề liên quan tới con

Dù con còn nhỏ nhưng khi trẻ đã có thể hiểu lời người lớn nói, bạn nên hỏi ý kiến của con trước khi đưa ra quyết định. Ví dụ về câu chuyện đã làm tổn thương lòng tự trọng của con như sau: một người bạn tới nhà chơi và rất thích chiếc ô tô của con trai, người mẹ thấy vậy nên đã tặng luôn cho bé đó mà không hề hỏi ý kiến con mình. Tới lúc cậu bé phát hiện đã vô cùng tổn thương, và dù mẹ đã nói rằng sẽ mua cho rất nhiều ô tô khác nhưng cậu con trai vẫn buồn bã.

Lý do là vì chiếc ô tô là món quà kỷ niệm mà ông nội mua cho, cậu bé đã giữ gìn nó rất lâu rồi. Đáng lẽ người mẹ nên hỏi ý kiến con trước khi đưa cho người khác như vậy. Từ câu chuyện này có thể rút ra bài học là, bố mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của bản thân vào con cái, hãy hỏi ý kiến của con với các vấn đề có liên quan trực tiếp đến bé.

Hơn nữa, nếu cha mẹ lấy uy quyền để làm vậy thì sau này các bé cũng sẽ có xu hướng đối xử với những người khác như thế. Đó là điều bạn không hề muốn đúng không nào?

6. Bạn coi trọng thành quả hơn là nỗ lực

Mặc dù ai cũng mong muốn con mình có thể đạt thành tích cao, điều quan trọng là bạn vẫn khen ngợi nỗ lực của con dù chúng thất bại.

Điểm số hoặc giải thưởng cao có thể khiến mọi người vui vẻ, nhưng nếu con thất bại, cha mẹ cần đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của con. Nếu không, trẻ sẽ không bao giờ dám mạo hiểm và luôn sợ sai, thất bại.

7. Kỳ vọng một đứa con hoàn hảo

"Điều này tạo thêm nhiều áp lực cho con trẻ, và khiến chúng cảm thấy bản thân không được thừa nhận", chuyên gia Sophie Baron giải thích.

Cô khuyến khích các bậc cha mẹ hãy lắng nghe con cái và giúp con cái hiểu rằng các con hãy luôn là chính mình, việc này khiến trẻ tự tin hơn. Cô cũng bổ sung thêm rằng cha mẹ đừng tức giận khi con đi giày một cách chậm chạp vào buổi sáng.

Sophie chia sẻ: "Không nhất thiết cứ phải mong con hoàn hảo như người khác, hãy tự hỏi mình nên làm gì để ủng hộ sự khác biệt ở con, bởi vì trong trường hợp này, bạn có thể thay đổi thói quen sống để phù hợp với con".

Cha mẹ đừng tức giận khi con làm bài chậm chạp. Ảnh minh họa

Cha mẹ đừng tức giận khi con làm bài chậm chạp. Ảnh minh họa

8. Dùng tình yêu để đe dọa con

Tình yêu của cha mẹ luôn là vô điều kiện ngay cả khi họ đặt ra các kỳ vọng và những giới hạn cho con cái. Đừng đe dọa con cái bằng cách sử dụng tình yêu của mình với con như một đòn bẩy.

Đừng bao giờ nói những câu làm tổn thương con cái như "Con làm điều này vì con không yêu bố mẹ" mà thay vào đó hãy nói "Bố mẹ lúc nào cũng yêu thương con, nhưng bố mẹ hi vọng con sẽ cư xử theo cách này".

9. Con có nhiều hạn chế hơn những đứa trẻ khác

Nếu bạn luôn là bậc cha mẹ nghiêm khắc nhất trong đám đông, đó có thể là dấu hiệu cho thấy kỳ vọng của bạn hơi cao. Điều này vô tình khiến bạn đẩy con vào trạng thái khép kín và tự ti. Nói cách khác, con trở nên rụt rè và ngại tiếp xúc với bạn bè xung quanh.

Nếu bạn luôn là bậc cha mẹ nghiêm khắc nhất trong đám đông, đó có thể là dấu hiệu cho thấy kỳ vọng của bạn hơi cao. Ảnh minh họa

Nếu bạn luôn là bậc cha mẹ nghiêm khắc nhất trong đám đông, đó có thể là dấu hiệu cho thấy kỳ vọng của bạn hơi cao. Ảnh minh họa

10. Chì chiết lỗi lầm của con dù bé đã sửa đổi

Khi con đã nhận ra lỗi lầm, hứa sẽ không lặp lại thì cha mẹ nên dừng, không nên nhấn thêm vào sai lầm của con nữa. Nói 1, 2 lần có thể khiến trẻ hiểu ra vấn đề nhưng nói đến 5, 6 lần sẽ khiến con cảm thấy khó chịu. Trẻ cũng không thích bị nhắc nhở, đặc biệt là trong lứa tuổi nổi loạn hay ẩm ương, sự chê bai hay cằn nhằn từ bố mẹ đôi khi sẽ phản tác dụng, làm cho trẻ không những không sửa sai mà còn cố làm ngược lại để ''thách thức'' người lớn.

Bên cạnh đó, câu chuyện nên được giải quyết luôn và nếu đã xong thì không nên nhắc lại. Đừng thi thoảng lại lôi chuyện cũ ra để chì chiết, trách móc trẻ. Như thế vừa làm cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, vừa gây ức chế cho tâm lý của con. Hãy là những bố mẹ biết bao dung và khéo léo trong những tình huống như thế này.

11. Con có ít thời gian để vui chơi

Sự hà khắc của cha mẹ đôi khi khiến trẻ phải "chạy sô" từ hoạt động này sang hoạt động khác mà không có thời gian nghỉ ngơi. Trong khi một trong những điều quan trọng nhất đối với cuộc sống của trẻ nhỏ là phải có thời gian rảnh.

12. Thường xuyên từ chối con

Luôn nói "không" với bất kỳ điều gì mà trẻ đề nghị chứng tỏ bạn đang quá nghiêm khắc với con. Đôi khi, đồng ý cho con thực hiện những nhiệm vụ không gây hại có thể làm tăng thêm sự tin tưởng của bạn với con cũng như nâng cao lòng tự trọng cho trẻ.

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cha-me-qua-nghiem-khac-voi-con-cai-co-12-dau-hieu-dien-hinh-172240521095309239.htm