Chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer ở biên giới An Giang

Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố địa bàn các xã, phường biên giới có đồng bào Khmer sinh sống luôn ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống về vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững và phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp chúc Tết, tặng quà cho các vị sư sãi, à cha và phật tử tại chùa Mới, phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên. Ảnh: Dân Chủ

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp chúc Tết, tặng quà cho các vị sư sãi, à cha và phật tử tại chùa Mới, phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên. Ảnh: Dân Chủ

Đổi thay diện mạo vùng đồng bào Khmer

An Giang là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Nam Bộ, với đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia). Khu vực biên giới gồm 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới. Khu vực biên giới An Giang có tổng dân số 54.421 hộ/213.709 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Khmer có 599 hộ/2.759 nhân khẩu.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính ủy BĐBP An Giang: “Trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh... vùng đồng bào Khmer ở khu vực biên giới. Các đơn vị cũng tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer khắc phục tâm lý thụ động, nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới”.

Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào Khmer sinh sống không ngừng thay da đổi thịt. 100% số xã có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã, phường, khóm, ấp; 100% xã, phường biên giới có trạm y tế, công trình thủy lợi, lưới điện quốc gia hoặc điện nông thôn; phủ sóng phát thanh truyền hình, sống điện thoại, mạng internet; 100% hộ gia đình có điện sinh hoạt, số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 92%. Các xã, phường đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 100% học sinh Khmer ở khu vực biên giới được đi học.

Đến thăm phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, chúng tôi thấy nơi đây đã “thay da, đổi thịt”, với kết cấu cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, hệ thống giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, y tế cho đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được nâng cao. Số lượng cán bộ, đảng viên chủ chốt là người dân tộc Khmer đang công tác ở phường, khóm, ấp ngày càng tăng.

Thiếu tá Mã Vũ Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng vui vẻ cho biết: “Trong nhiều năm qua, cán bộ của đơn vị trực tiếp hướng dẫn bà con dân tộc Khmer áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phát triển ngành nghề truyền thống; phối hợp trung tâm dạy nghề địa phương mở các lớp đào tạo nghề; tư vấn giới thiệu việc làm cho đồng bào. Cán bộ đơn vị cũng tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, đẩy lùi mê tín dị đoan; vận động bà con dân tộc Khmer di dời chuồng bò, dê ra ngoài nhà ở. Đến nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn đã di dời chuồng nuôi bò, dê ra xa nhà ở, bảo đảm vệ sinh môi trường, các hủ tục, mê tín dị đoan trên địa bàn cũng bị đẩy lùi; đóng góp tích cực vào các phong trào thi đua ở địa phương, chăm lo cho con cái học hành tiến bộ”.

Chăm lo phát triển toàn diện cho đồng bào Khmer

Với tinh thần “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Dân tộc tỉnh An Giang triển khai kịp thời các chính sách về công tác dân tộc; đồng thời, thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động; tích cực tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Đồng thời, BĐBP An Giang đã xây dựng 16 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa, Tình thương cho đồng bào Khmer; thăm, chúc Tết, tặng 600 phần quà cho các hộ nghèo, cận nghèo, học sinh nghèo hiếu học, người có uy tín là đồng bào Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolt.

Quân y BĐBP An Giang khám bệnh cho đồng bào Khmer phường An Phú, thị xã Tịnh Biên. Ảnh: Dân Chủ

Quân y BĐBP An Giang khám bệnh cho đồng bào Khmer phường An Phú, thị xã Tịnh Biên. Ảnh: Dân Chủ

Bên cạnh đó, các đơn vị trích được 3.250kg gạo từ mô hình “Hũ gạo tình thương” tặng cho 325 hộ nghèo, khó khăn vùng đồng bào Khmer; sửa chữa, làm mới 3 cây cầu; thu hoạch 5,2ha lúa; nạo vét 7km kênh, mương; tu sửa, làm mới 12km đường giao thông; chữa cháy 0,5ha rừng; cứu hộ 2 vụ, 6 bè cá; tham gia chữa cháy 4 căn nhà.

Đặc biệt, 5 năm qua, đơn vị phối hợp với các nhà trường, địa phương vận động được 18 em học sinh là người dân tộc Khmer bỏ học trở lại trường, 220 em là người dân tộc Khmer trong độ tuổi đến trường được đi học. Đồng thời, đơn vị nhận hỗ trợ 20 em là người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, với tổng số tiền hơn 250 triệu đồng. Thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, đơn vị nhận hỗ trợ 16 em là người dân tộc Khmer, với tổng số tiền 165 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị phối hợp địa phương vận động trao quà, học bổng cho các em học sinh, sinh viên là người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới, trị giá 320 triệu đồng.

Song song đó, các đơn vị Biên phòng đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xây dựng nhà văn hóa trong đồng bào Khmer; duy trì, phát triển các lễ, hội văn hóa truyền thống như lễ Sen Dolta, lễ hội đua bò truyền thống Bảy Núi, các làng nghề truyền thống như: làm đường thốt nốt, nghề dệt thổ cẩm, làm gốm...

Chia sẻ với phóng viên, ông Chau Phi Rôm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Tịnh Biên đánh giá: “Nhờ các hoạt động tích cực, tâm huyết của các đơn vị BĐBP, đã góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước”.

Với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang đã góp phần cùng chính quyền địa phương, các ngành chức năng chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực biên giới. Đơn vị đã tham gia cùng địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tích cực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới..., xây dựng biên giới ngày càng ổn định, giàu mạnh và phát triển bền vững.

Dân Chủ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cham-lo-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-khmer-o-bien-gioi-an-giang-post475499.html