Chăm lo thiết thực cho công nhân, người lao động

Tháng Công nhân gắn với Tháng hành động về an toàn - vệ sinh lao động năm 2017 được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hồ Chí Minh cùng các công đoàn cơ sở, doanh nghiệp chung tay triển khai. Nhiều việc làm thiết thực nhằm chăm lo, tạo sự gắn kết giữa các cấp công đoàn với người lao động (NLĐ) đã được thực hiện.

Đến dự buổi họp mặt công nhân bị tai nạn lao động năm 2017 do LĐLĐ thành phố tổ chức, anh Trần Văn Tài, 35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, làm việc tại Công ty cân Nhơn Hòa (quốc lộ 13, quận Thủ Đức) niềm nở thăm hỏi các cô, các chú có hoàn cảnh giống mình. Bị tai nạn lao động lúc còn quá trẻ (mới 22 tuổi) trong lúc kiểm tra hàng, anh Tài không may bị máy dập làm đứt lìa một phần ba cánh tay phải, tỷ lệ thương tật đến 55%. Anh Tài kể: “Rủi ro là điều không ai muốn, nhưng lúc đó tôi được tiếp thêm nghị lực nhờ sự quan tâm và hỗ trợ hết lòng của Ban giám đốc, Công đoàn công ty từ việc chi trả tất cả chi phí điều trị cho đến thăm hỏi, động viên để tôi nhanh chóng bình phục, trở lại làm việc”.

Sau sáu tháng nằm viện, anh Tài trở lại công ty và được Ban giám đốc bố trí công việc xem bản vẽ, nghiên cứu tại Phòng Nghiên cứu phát triển. Không chấp nhận hoàn cảnh, anh đã đăng ký học ngành tự động hóa của Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh để nâng cao trình độ. Cuộc sống dần ổn định, niềm vui trong công việc đã tiếp thêm cho anh nghị lực và ý nghĩa hơn khi anh đã có tổ ấm gia đình cùng với người vợ hiền và hai con nhỏ. “Mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì vẫn là người có ích, đóng góp vào hoạt động của công ty như những NLĐ khác. Như vậy, không phải bị tai nạn lao động là dấu chấm hết”, anh Tài xúc động chia sẻ.

Đi cùng vợ đến tham gia “ngày hội” của công nhân bị tai nạn lao động, ông Châu Văn Minh (ngụ đường Trần Đình Xu, phường Cầu Kho, quận 1) vui mừng vì được nhận phần quà mà Ban tổ chức trao tặng. Bị tai nạn lao động cách đây 23 năm trong lúc sửa chữa đường ray tàu hỏa, ông Minh bị chấn thương vùng đầu rất nặng và mất hai ngón tay. Sau một năm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với chi phí điều trị do ngành đường sắt chi trả, ông Minh không thể quay lại công việc ở đơn vị cũ mà chuyển qua công tác tại công ty mới. Do sức khỏe không bảo đảm cho nên cách đây bảy năm, ông Minh đã xin thôi việc và về nhà chạy xe ôm. Hiện nay, ông Minh được Bảo hiểm xã hội thành phố chi trả mức hỗ trợ tai nạn lao động với số tiền 1,2 triệu đồng/tháng. “Cũng may hai đứa con đã đi làm, vợ là giáo viên mầm non về hưu, tôi thì chạy xe ôm đủ trang trải cho nên cuộc sống hiện tại xem như tạm ổn”, ông Minh cho hay.

Buổi họp mặt công nhân lao động là người dân tộc thiểu số do LĐLĐ thành phố tổ chức mới đây đầy ắp tiếng cười và rộn ràng tiếng hát. Chăm chú xem vợ biểu diễn trên sâu khấu, anh Neang Vươn (dân tộc Khmer, quê Trà Vinh) làm việc tại Công ty cổ phần may Đại Việt, quận Tân Phú nhẩm theo bài hát quen thuộc mà những người đồng hương quê anh hay hát mỗi dịp Xuân về. Anh Neang Vươn cho biết, vợ chồng anh làm cùng công ty đã bảy năm nay, từ khi rời quê lên thành phố lập nghiệp. Dù cuộc sống còn không ít khó khăn nhưng sự tiếp sức, hỗ trợ của công đoàn công ty đã giúp những NLĐ như vợ chồng anh yên tâm gắn bó với công việc. “Tôi thấy các chương trình do LĐLĐ thành phố tổ chức như “Trái tim nghĩa tình”, “Mái ấm công đoàn”, “Tấm vé nghĩa tình” đều rất thiết thực, đã giúp công nhân vượt qua khó khăn trong cuộc sống, có những sân chơi bổ ích sau một tuần làm việc”.

Cùng cô con gái 18 tuổi đang học cao đẳng nghề đến dự buổi họp mặt, chị Sơn Thị Ngọc Lan (dân tộc Khmer, quê Sóc Trăng), công nhân tại Công ty nệm Vạn Thành, huyện Củ Chi gặp lại vài người bạn cùng quê làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận. Mỗi năm cứ đến dịp này, chị Lan lại có dịp hỏi thăm công việc, gia đình của những người cùng quê lên thành phố mưu sinh sau cả năm xa cách...

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho biết, trong những năm qua, các cấp công đoàn thành phố đã thường xuyên chia sẻ khó khăn với gia đình và bản thân NLĐ bị tai nạn lao động như chăm sóc sức khỏe, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, thăm hỏi… Để bảo đảm một môi trường làm việc an toàn, LĐLĐ thành phố thường xuyên yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, chú trọng hơn về công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường. Đối với hệ thống công đoàn, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo công đoàn các cấp của thành phố hành động thiết thực, thể hiện trách nhiệm cao nhất đối với công việc đang phụ trách, phối hợp thường xuyên trong việc đào tạo và huấn luyện NLĐ, vận động NLĐ thực hiện tốt các quy định về bảo hộ lao động; rà soát, kiểm tra các quy định, quy trình lao động, sản xuất để bảo đảm an toàn… “LĐLĐ thành phố mong muốn công nhân bị tai nạn lao động tích cực rèn luyện để vượt qua khó khăn của bản thân, cùng vươn lên để tiếp tục làm việc, sống vui, sống khỏe…”, đồng chí Trần Kim Yến chia sẻ.

Nhân Tháng Công nhân năm 2017, LĐLĐ thành phố đã tặng quà cho 330 công nhân bị tai nạn lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp Ban Dân tộc thành phố tổ chức họp mặt, tặng quà cho 200 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (500.000 đồng/phần quà). LĐLĐ quận 3, quận Gò Vấp và Công đoàn ngành giáo dục thành phố trao tặng 10 Mái ấm công đoàn (tổng trị giá 360 triệu đồng) và một nhà tình thương (trị giá 45 triệu đồng) cho công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. LĐLĐ thành phố còn vận động CLB Bóng đá thành phố tặng 28.000 vé xem miễn phí các trận đấu bóng đá V-League mùa giải 2017 tại Sân vận động Thống Nhất; phối hợp Công viên Văn hóa Đầm Sen tặng 10.000 vé tham quan miễn phí…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/32841002-cham-lo-thiet-thuc-cho-cong-nhan-nguoi-lao-dong.html