Chăm lo toàn diện, bảo đảm đầy đủ

Từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng cục Hậu cần (TCHC) và ngành Hậu cần Quân đội đã nỗ lực, chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và đạt những kết quả nổi bật trong công tác chuẩn bị, đón nhận và huấn luyện chiến sĩ mới (CSM).

Quân trang đẹp, bền, tiện dụng

Chúng tôi vừa có dịp khảo sát thực tế về chất lượng quân trang bảo đảm cho CSM ở Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3, Quân khu 1). Chiến sĩ Phạm Văn Minh, Tiểu đội 8, Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, nói giọng hồ hởi: "Quân phục thiết kế vừa vặn, các thao tác cá nhân trong huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật khá dễ dàng nên chúng tôi đạt được kết quả cao trong huấn luyện, được chỉ huy đơn vị ghi nhận, biểu dương".

Khi được hỏi về bộ quân phục dã chiến, chúng tôi đều nhận thấy sự hài lòng của bộ đội về chất liệu vải, màu sắc, với kích cỡ vừa vặn, thiết kế khá khoa học như: Sườn áo có đai luồn dây bao trang bị, khuy cài trên tay áo để giữ nếp gấp khi xắn ống tay, khuy bó gọn ống quần… tạo thuận lợi cho chiến sĩ khi thực hành huấn luyện. Các mặt hàng quân trang thường dùng, quần áo thu đông, quần áo lót, giày, tất cũng được cấp phát đầy đủ, vừa vặn, bảo đảm ấm vào mùa đông, thoáng mát trong mùa hè, thay giặt nhanh khô, bộ đội mặc đẹp, thống nhất.

Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần kiểm tra quân trang chiến sĩ mới tại Lữ đoàn 139, Binh chủng Thông tin liên lạc. Ảnh: THĂNG BẨY.

Bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn

Đến bếp ăn của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) đúng vào giờ ăn trưa của bộ đội. Trên mâm cơm của cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi thấy các món ăn khá đa dạng, phong phú, đạt được cả lượng và chất, như: Rau xanh, thịt luộc, trứng tráng, giò chả, canh chua... Chứng kiến bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, Thiếu tá Phạm Văn Hậu, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 692, khuôn mặt lộ rõ niềm vui và giới thiệu: "Các bếp ăn đều xây dựng thực đơn khoa học, thống nhất, món ăn các ngày gần nhau không bị trùng lặp, công tác chế biến đa dạng, bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, lương thực, thực phẩm đều có nguồn gốc rõ ràng. Các loại rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, cá đều là sản phẩm tăng gia sản xuất (TGSX), chăn nuôi của đơn vị. Các mặt hàng phải nhập ngoài thị trường đơn vị đều khảo sát, lựa chọn nhà cung cấp có uy tín, thương hiệu với giá cả hợp lý". Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Vượng, Chính ủy Trung đoàn 692: Trước khi đón nhận CSM, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 692 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan hậu cần và các đơn vị chủ động tính toán nhu cầu của bộ đội, dự trữ đủ lượng củ, quả, chủ động đẩy mạnh TGSX, gối đầu chăn nuôi, bảo đảm đủ các loại thực phẩm khi tiếp nhận và huấn luyện CSM. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đảm nhiệm công tác nuôi dưỡng bộ đội cũng được lựa chọn và được bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật chế biến, nấu nướng, nâng cao tay nghề để phục vụ cán bộ, chiến sĩ.

Hiện nay, thời gian huấn luyện CSM mới đi được hơn 2/3 quãng đường, thế nhưng khảo sát thực tế tại các đơn vị thuộc Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1), Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), Sư đoàn 3 (Quân khu 1), Sư đoàn 301 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội)… thì gần 100% CSM đều tăng cân, tỷ lệ tăng cân 3-5kg chiếm hơn 50% quân số. Một số đồng chí thể trạng béo, cân nặng hơn 80kg trước khi nhập ngũ thì giảm cân, săn chắc. Các CSM đều thấy sức khỏe tăng rõ rệt nhờ sự quan tâm đầy đủ về vật chất và tinh thần với nếp sống khoa học, nghiêm túc trong môi trường quân ngũ. Đây chính là những minh chứng rõ nét trong công tác bảo đảm hậu cần, chăm sóc, nuôi dưỡng bộ đội, là cơ sở, động lực để các đơn vị nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy.

Chủ động tham mưu, hiệp đồng chặt chẽ

Nói về công tác chuẩn bị và bảo đảm quân nhu cho CSM năm 2017, Trung tá Bùi Văn Trung, Phó chính ủy Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, nêu kinh nghiệm: Trước khi đón nhận, huấn luyện CSM, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị, địa phương nắm chắc nguồn, tiến hành thâm nhập hồ sơ để từ đó dự kiến, chuẩn bị lượng quân trang phù hợp. Khi đón CSM về đơn vị sẽ kiểm tra, cấp phát quân trang còn lại, tổ chức trao đổi chéo phù hợp với cỡ số cá nhân. Một số trường hợp quân trang không vừa được đơn vị tổng hợp báo cáo cơ quan hậu cần cấp trên, tổ chức đo may trong thời gian sớm nhất.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Phòng Kế hoạch (Cục Quân nhu, TCHC), thì trong bảo đảm quân trang cho CSM, Phòng Kế hoạch đã tham mưu với Thủ trưởng Cục Quân nhu hướng dẫn các đơn vị tập trung tạo nguồn đủ chân hàng quân trang trước thời điểm bộ đội nhập ngũ, tổ chức cấp phát theo đúng thời gian quy định. Cục Quân nhu đã rà soát, nắm chắc quân số của các đơn vị để bảo đảm mặt hàng quân trang đúng đối tượng, hợp cỡ số cho từng cá nhân. Năm nay, ngành quân nhu bảo đảm lượng dự phòng các mặt hàng quân trang 10% để thuận tiện cho việc đổi cỡ số. Đối với chiến sĩ nữ và trường hợp chiến sĩ nam ngoại cỡ, Cục Quân nhu chỉ đạo các đơn vị tổ chức đo may để bộ đội mặc vừa, mặc đẹp. Không chỉ chú trọng bảo đảm ăn, mặc cho bộ đội, trong công tác vận chuyển CSM, TCHC cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động phương tiện vận chuyển quân. Những đơn vị có số lượng vận chuyển vượt quá khả năng được phép thuê phương tiện của các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; đồng thời bảo đảm tiết kiệm. Trong công tác quân nhu, qua kiểm tra, 100% đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của cấp trên về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng các chất bảo quản, phụ gia, tạo nạc, tạo màu, tẩy trắng... bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng tôi thấy vẫn còn một số tồn tại, bất cập, như: Hiện nay, quân phục dã chiến của CSM được cấp 2 bộ, quân phục thường dùng 2 bộ, trong khi thời gian huấn luyện chủ yếu của bộ đội lại ngoài bãi tập, với cường độ cao, môi trường nhiều bụi bẩn. Theo đó, để bảo đảm vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh, mỗi ngày, mỗi người phải được thay giặt quân phục một lần. Để quần áo nhanh khô, phòng những ngày thời tiết mưa, nồm ẩm, nhiều đơn vị đã xây dựng được nhà phơi quần áo cho bộ đội; có đơn vị trang bị thêm máy vắt khô sau khi giặt, giúp quần áo nhanh khô. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cơ quan doanh trại và quân nhu cần phối hợp chặt chẽ trong quy hoạch, đầu tư. Trước mắt, CSM mong muốn được cấp thêm một bộ quân phục dã chiến để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Chúng tôi cho rằng đây là mong muốn chính đáng của các chiến sĩ.

Ngoài ra, do quân phục được quân đội trang bị đồng đều nên để tránh nhầm lẫn, CSM sử dụng những ký hiệu riêng nhằm dễ nhận biết. Tuy nhiên, nhiều đồng chí đánh dấu sai quy định, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tính chính quy. Điều này cũng cần được chỉ huy các cấp quán triệt, nhắc nhở bộ đội. Ở một số đơn vị, công tác quy hoạch, thiết kế nhà ăn, nhà bếp, nhà tắm, công trình vệ sinh... chưa thật khoa học, hợp lý. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp và các cơ quan chức năng cũng cần khảo sát, đánh giá, sớm có giải pháp hữu hiệu.

TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cham-lo-toan-dien-bao-dam-day-du-506697