Chăm lo xây dựng cơ quan chính trị, cán bộ chính trị

Trong 16 năm (1961-1977) trên cương vị Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Song Hào có nhiều đóng góp quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), xây dựng tổ chức Đảng, đội ngũ đảng viên và tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong quân đội.

Theo Thượng tướng Song Hào, công tác chính trị bao gồm: Công tác tư tưởng và công tác tổ chức; trong đó, công tác tổ chức có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, có nhiều nhiệm vụ, nhiều nội dung, do nhiều ngành khác nhau trong cơ quan chính trị đảm nhiệm, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính ủy các cấp. Đồng chí Song Hào cũng chỉ rõ, công tác tổ chức là một khoa học, nghệ thuật về xây dựng lực lượng và sử dụng lực lượng. Đây là một công tác khó khăn, phức tạp, diễn ra đồng thời giữa xây dựng con người, xây dựng tổ chức cách mạng, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, trực tiếp biến đường lối, chủ trương thành thắng lợi hiện thực. Do vậy, công tác tổ chức có tính nguyên tắc, tính chiến đấu, tính hành động rất cao.

Trong chỉ đạo tiến hành công tác tổ chức, đồng chí Song Hào yêu cầu phải xác định rõ nhiệm vụ, chức trách của cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp, các ngành. Đây là yêu cầu quan trọng đầu tiên của việc xây dựng cơ quan chính trị trong quân đội; đồng thời, phải xác định hình thức tổ chức, biên chế cơ quan chính trị ở các cấp, các ngành cho hợp lý, gọn nhẹ, mạnh, cân đối và hoàn chỉnh. Trong xây dựng cơ quan chính trị phải kiên quyết đề phòng và khắc phục tình trạng tổ chức nặng nề, cồng kềnh, nhiều đầu mối, đông người nhưng nhiệm vụ, chức trách không rõ ràng, nghiệp vụ không thành thạo, thiếu phân công phối hợp chặt chẽ, dẫn đến công việc tiến hành chậm chạp, chồng chéo. Đặc biệt, tình trạng cục bộ, phân tán làm cho chỉ huy không tập trung thống nhất, hiệp đồng không chặt chẽ; phô trương hình thức, quan liêu giấy tờ, xa rời thực tế, xa quần chúng, không nắm chắc tình hình; tổ chức thực hiện không sát với từng lĩnh vực, không có sức mạnh.

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị, đồng chí Song Hào hết sức coi trọng xây dựng đội ngũ chính ủy (chính trị viên) ưu tú; có lập trường, quan điểm đúng đắn, có ý thức tổ chức, kỷ luật và tính nguyên tắc cao, có trình độ lý luận, kiến thức, kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, đấu tranh vũ trang, thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng để tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn, tổ chức quần chúng thực hiện.

Những nội dung, yêu cầu xây dựng cơ quan chính trị vững mạnh, xây dựng người chính ủy (chính trị viên) do Thượng tướng Song Hào khái quát có tác dụng to lớn trong xây dựng cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu, vận dụng, xây dựng cơ quan chính trị và cán bộ chính trị, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT trong quân đội hiện nay.

Thiếu tướng NGUYỄN ANH TUẤN (Phó cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/cham-lo-xay-dung-co-quan-chinh-tri-can-bo-chinh-tri-515504