Chăm sóc cho bưởi thêm tươi

Gần đây, bưởi được xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Âu. Ngay tại thị trường trong nước, bưởi cũng được nhiều người ưa chuộng, nhất là thời tiết chuyển mùa như hiện nay. Dù vậy, để có trái bưởi tươi ngon, chất lượng không phải chuyện dễ.

Bưởi da xanh Bến Tre.

Bưởi trái cây hạng sang

Bưởi thích hợp hầu hết tại vùng đất của Việt Nam. Tại miền Bắc có bưởi Đoan Hùng, miền Tây có bưởi da xanh đã nổi tiếng, có thương hiệu. Hiện tại, giá bưởi da xanh có giá dao động từ 50.000-80.000 đồng/kg; các loại bưởi khác như 5 Roi, bưởi thường cũng có giá khá cao.

Bưởi không những để ăn, ngày nay với sự tiến bộ của khoa học, người ta có thể làm ra các sản phẩm từ bưởi như: Thuốc trị bệnh rụng tóc, nước hoa, dưỡng da, tinh dầu bưởi… Một doanh nghiệp tại Tiền Giang chuyên sản xuất các loại thức uống từ bưởi cho rằng, bưởi có giá trị dinh dưỡng cao và doanh nghiệp của ông sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường.

Dù vậy để có những trái bưởi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc có giá ở thị trường trong nước, người trồng cần dụng công chăm sóc.

Như nhiều cây có múi khác, bưởi thường gặp một số loại sâu bệnh như: Sâu vẽ bùa, thán thư, chảy mủ, bọ trắng, nấm đen…

Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm khi cây ra đọt non, gây hại nhiều vào tháng 7, 8, 9. Mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu.

Biện pháp phòng trừ: Tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu. Trường hợp bị hại nặng thì có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu đem tập trung một chỗ để tiêu diệt.

Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để bảo vệ nguồn thiên địch của sâu vẽ bùa trong tự nhiên, nhân nuôi thiên địch như nuôi kiến vàng Oecophylla smaragdina là biện pháp có hiệu quả phòng trị sâu vẽ bùa cao.

Sử dụng thuốc Sairifos 585EC, Saimida 100SL, Lancer 50SP, Sherzol 205EC, dầu khoáng SK EnSpray 99EC… để phòng trị.

Nên phun thuốc hoặc dầu khoáng ngay khi chồi mới nảy dài khoảng 2-4cm.

Bệnh chảy mủ trên thân do nấm Phytophthora sp gây ra, trên trái do sâu hại có kim chích hút như bọ xít, ruồi vàng đục trái. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa do thời tiết ẩm cao, đất ẩm thấp đọng nước và xuất hiện cục bộ, không lan nhiều.

Triệu chứng: Trên vỏ thân có đốm sậm màu, hơi ướt. Sau đó, vết bệnh chuyển màu nâu đỏ, vỏ bị nứt và chảy ứa ra các giọt nhựa trong vàng, phần gỗ tại vết bệnh cũng hóa nâu, làm lá vàng héo và rụng dần. Trên trái có xỉ mủ.

Biện pháp phòng trừ: Trên thân, nông dân vệ sinh vườn cây, tỉa bớt cành lá gần mặt đất, cành vô hiệu, cành sâu bệnh… giúp cây thông thoáng, bón phân chuồng hoai mục, dùng vôi quét lên thân cây cách mặt đất khoảng 1 m vào đầu mùa mưa để ngừa nấm tấn công thân. Khi phát hiện bệnh nên cạo sạch phần nhựa chảy và phần gỗ bị hư, sử dụng các loại thuốc hóa học: Aliette 80WP, Mataxyl 500WP, Ridomil-Gold 68WP quét trên thân, 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày. Trên trái, nông dân cần phun thuốc diệt bọ xít, ruồi vàng.

Một số loại bệnh khác và cách bón phân

Ngoài ra trên bưởi, có một số loại bệnh rất khó phát hiện, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng của trái bưởi. Đó là bệnh nhện trắng dân gian còn gọi là bệnh xi măng vì nó có màu trắng. Nếu phát hiện trễ mà phun thuốc thì khi nở thành con, trứng đã mang sẵn kháng thuốc trong cơ thể nên rất khó tiêu diệt. Cần bổ sung dầu khoáng chống hiện tượng kháng thuốc của nhện. Kinh nghiệm nhà vườn bổ sung thêm nước rửa bát loãng để phun diệt nhện trắng.

Bệnh nấm đen (bồ hóng): Do rệp sáp xuất hiện ở cành trong tán không có ánh nắng chiếu đến (hoặc khu vực rậm rạp). Cách khắc phục: Sử dụng dầu khoáng hoặc phun thuốc ở khu vực phát hiện bệnh, không phun tràn lan.

Ve sầu xuất hiện khi bưởi đang rộ trái, chúng không chỉ xuất hiện trên cây bưởi mà cây trồng nào cũng bị. Ve sầu có vòng đời dồi dào (từ 1-10 năm), là côn trùng gây hại đặc biệt cho rễ. Bà con cần bắt để hạn chế trứng cho vụ sau. Với những cây trồng lâu năm (từ 5 năm trở lên) cần bón bổ sung 80 kg phân chuồng hoai mục/cây…

Theo các kỹ sư chuyên ngành, để bưởi đạt được năng suất, chất lượng cao cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo nguyên tắc 4 đúng.

Đúng chủng loại: Thời gian này là giai đoạn nuôi trái, bà con cần bón NPK-S*M1 12.5.10-14, vì hàm lượng đạm cao giúp phát triển thân lá, hàm lượng kali cao giúp tăng kích thước và chất lượng trái bưởi.

Đúng liều lượng: Liều lượng thích hợp từ 1,5-2 kg/cây, không được bón thừa tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường, cũng không nên bón thiếu để cây đạt được năng suất cao nhất.

Đúng thời điểm: Bón khi đất đủ ẩm, không nên bón vào lúc trời nắng tránh bốc hơi, trời mưa tránh rửa trôi.

Đúng phương pháp: Bà con xới qua đất xung quanh tán với độ sâu từ 5-7 phân tránh tổn thương bộ rễ, rãi phân theo chiều thẳng tán xuống (hình vành khăn).

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại phân bón cho cây trồng nói chung, cây bưởi nói riêng. Để tránh mua phải phân giả, phân kém chất lượng, bà con nên mua của các hãng có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Bà con cũng cần lưu ý một vài đặc điểm nhận dạng thương hiệu chính. Ngoài ra, bà con cũng cần xem kỹ hàm lượng công bố trên mặt sau bao bì và mua tại các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của phân mình lựa chọn.

Hoàng Huy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/cham-soc-cho-buoi-them-tuoi-d57983.html