Chậm tiến độ, liên tục gia hạn, nhiều năm vẫn chưa về đích

Việc chậm tiến độ của dự án Nhà máy nước sạch Thăng Thọ, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở với những văn bản kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn 'phớt lờ', không tiếp tục thực hiện dự án như cam kết.

Chủ đầu tư không "mặn mà" với việc thực hiện dự án

Chị Hoàng Thị Thi (trú tại thôn Thọ Thượng, xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống) bức xúc cho biết: Khi hay tin sẽ có dự án Nhà máy nước lớn được xây dựng trên địa bàn, chị và người dân ở đây đã rất vui mừng phấn khởi. Bởi vì, người dân vùng chiêm trũng phía Đông của huyện sẽ có nước sạch để dùng, thay cho nguồn nước tự nhiên nhiễm phèn lâu nay. Tuy nhiên, cứ “dài cổ” chờ mãi năm này qua năm khác mà Nhà máy nước vẫn chưa xây dựng xong. “Cứ khi nào có thông tin đoàn kiểm tra về tiến độ thực hiện, họ (chủ đầu tư) lại thuê công nhân làm ít ngày như để đối phó, xong rồi rồi lại ngừng. Nhìn cả cánh đồng màu mỡ trước kia giờ bị bỏ hoang lãng phí, người nông dân như chúng tôi xót lắm", chị Thi nói.

Sau 6 năm khởi công, dự án Nhà máy nước sạch Thăng Thọ vẫn nằm trong tình trạng dở dang, nham nhở.

Mặc dù là địa phương có dự án đóng trên địa bàn, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ Phạm Quang Thuyên thì trong rất nhiều cuộc họp do huyện tổ chức đã mời đơn vị chủ đầu tư. Tuy nhiên, bản thân ông có cảm nhận, người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư không “mặn mà” làm việc với chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã. Chính vì điều đó, sau rất nhiều lần kiểm tra đôn đốc tiến độ, mời họp bàn tháo gỡ khó khăn hay kết luận về các vấn đề tồn tại bản thân ông Thuyên cũng chưa từng được gặp người đứng đầu của chủ đầu tư.

Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ, tại các cuộc họp, người được ủy quyền đại diện phía chủ đầu tư đã hứa và cam kết thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ. Những cam kết này đã được thể hiện bằng văn bản, rất cụ thể về mốc thời gian đưa dự án vào hoạt động, nhưng đến nay cũng vẫn chỉ nằm trên giấy.

Chậm tiến độ nhưng chưa thể xử lý

Qua tìm hiểu của phóng viên, tại các cuộc kiểm tra tiến độ thực hiện dự án của các cấp, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, các văn bản kết luận đều được thể hiện bằng những ngôn ngữ cứng rắn về giải pháp thu hồi dự án... Tuy nhiên, trong các văn bản này cũng chỉ ra những hạn chế làm “vướng” khi thực thi chế tài này.

Cụ thể tháng 8/2022, tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương huy động nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến tháng 6/2023 phải đưa nhà máy vào hoạt động. Cũng tại buổi làm việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo, nếu quá thời gian trên nhà máy vẫn chưa hoàn thành, việc cấp nước sạch cho người dân trong vùng sẽ được chuyển cho đơn vị khác đảm nhận.

Chủ đầu tư nhiều lần cam kết nhưng dự án vẫn "án binh bất động"

Tiếp sau đó, tại cuộc họp ngày 9/2/2023 giữa các bên, gồm: Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Nông Cống với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng môi trường đô thị Việt Nam (đơn vị chủ đầu tư). Trước sức ép của các cơ quan chức năng về tiến độ và các chế tài để thu hồi dự án. Phía chủ đầu tư đã thống nhất và ký cam kết tiến độ thi công các hạng mục của dự án, chậm nhất đến ngày 30/7/2023 sẽ hoàn thành, vận hành nhà máy cấp nước cho người dân; đồng thời, thống nhất phương án cấp nước cho người dân trong trường hợp không đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục của dự án.

Ngày 4/1/2024 qua báo cáo kiểm tra thực tế, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa Lê Sỹ Nghiêm đã ký văn bản Kết luận kiểm tra số 01/KLKT-STNMT trong đó nêu rõ, đến thời điểm tháng 01/2024 dự án này đã chậm tiến độ 10 tháng. Tuy nhiên, cũng tại văn bản này lại cho rằng: tiến độ dự án theo Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 277/QĐ-UBND ngày 21/01/2021 (lần 4) của UBND tỉnh - Khởi công xây dựng tháng 9/2019, hoàn thành đưa vào hoạt động tháng 9/2021. Được bàn giao đất trên thực địa (lần 2) ngày 12/10/2020. Do vậy, đến nay mặc dù dự án đã chậm tiến độ sử dụng đất nhưng chưa vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Cũng theo bản kết luận này, nếu đến tháng 11/2024, đơn vị chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng môi trường đô thị Việt Nam chưa hoàn thành dự án thì mới có thể tổ chức kiểm tra để xác định hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 44, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 (sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 1 Điều 66 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).

Liên tục điều chỉnh, gia hạn nhưng vẫn trễ hẹn

Có điều khó hiểu đối với dự án Nhà máy nước sạch Thăng Thọ là sau suốt nhiều năm triển khai vẫn dang dở, không triển khai nhưng vẫn tiếp tục được UBND tỉnh Thanh Hóa gia hạn và nhiều lần điều chỉnh tiến độ.

Cụ thể, dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 02/QĐ - UBND ngày 2/1/2018, có nhiệm vụ cấp nước sạch cho 14 xã phía Đông của huyện Nông Cống. Nhưng hơn 3 tháng sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, ngày 5/4/2018 dự án lại được điều chỉnh phạm vi cấp nước được rút xuống còn 10 xã và rồi hơn 1 tháng sau dự án lại được điều chỉnh tăng lên 19 xã của các huyện Nông Cống, Như Thanh và thị xã Nghi Sơn. Công suất thiết kế cũng thay đổi “xoành xoạch”, từ 15.000m3 tại Quyết định 02/QĐ - UBND ngày 2/1/2018, rồi đến ngày 24/7/2018 cho lại tăng công suất lên 30.000 m3 nước/ngày đêm. Đến cuối năm 2018, công suất thiết kế lại giảm, còn 29.000 m3 nước/ngày đêm.

Sau khi khởi công dự án cũng chỉ ở tình trạng “làm cho có”

Dự án cũng được chính thức khởi công xây dựng vào quý I/2019 và dự kiến hoạt động vào quý IV/2019. Tuy nhiên, sau khi khởi công dự án cũng chỉ ở tình trạng “làm cho có”, đến thời hạn dự kiến hoàn thành thì chưa có hạng mục nào được hoàn thiện. Lại tiếp tục xin điều chỉnh, gia hạn, ngày 10/9/2020 dự án cũng được cấp thêm hơn 5.805m2 đất, đưa tổng diện tích sử dụng lên 3,5ha. Đồng thời, vốn đầu tư cũng tăng từ 410 tỷ đồng lên 455 tỷ đồng tại Quyết định số 277/QĐ - UBND ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, tháng 9/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3113/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác 3113 do ông Lê Đức Giang Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Tổ 3113 có chức năng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch rà soát cụ thể, chi tiết tiến độ dự án của tất cả các tổ chức kinh tế đã được giao đất, thuê đất trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ công tác này đồng thời có chức năng báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng đối với các dự án chậm tiến độ, đảm bảo các điều kiện gia hạn tiến độ sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khi liên hệ công việc trao đổi về vấn đề dự án Nhà máy nước sạch tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho rằng mình không phải là người ra Quyết định đầu tư cũng như Quyết định gia hạn đối với dự án này nên không thể trả lời.

Sĩ Chức

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cham-tien-do-lien-tuc-gia-han-nhieu-nam-van-chua-ve-dich.html