Chậm trễ khen thưởng 2 cụ ông chống tham nhũng: Quả bóng trách nhiệm?

Hơn 10 năm qua, cả gia đình ông Lãng và ông Uẩn đều không được sống yên ổn nhưng đến nay khi nói về việc khen thưởng 2 ông, tỉnh vẫn xin khất lần.

Những ngày qua dư luận không khỏi xôn xao trước trường hợp của 2 cụ ông Nguyễn Công Uẩn (80 tuổi) và cụ Nguyễn Tiến Lãng (79 tuổi) trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã đấu tranh trong nhiều năm để phát hiện và tố giác 2.745 trường hợp làm giả hồ sơ thương binh. Đến nay, dù các đối tượng phạm tội đã được xử lý hình sự, ngân sách nhà nước cũng đã được thu hồi, nhưng chỉ riêng 2 cụ vẫn chưa có bất cứ một khen thưởng nào.

Ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn lần giở lại những hồ sơ mà 2 ông thu thập được.

Khi hỏi về vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết đã 2 lần gửi công văn về tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến hiệp y về việc xác nhận tình hình chấp hành pháp luật, chính sách nhà nước của ông Lãng và ông Uẩn, song đều không nhận được hồi âm. Mới đây ngày 11/5, khi Bộ gọi điện xuống tỉnh yêu cầu xác minh thì tỉnh vẫn xin khất đến tuần sau.

Tỉnh không nhận được công văn?

Để tìm hiểu rõ nội tình sự việc này, phóng viên VOV đã trao đổi trực tiếp với ông Trần Trung Chính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh Bắc Ninh.

Qua trao đổi, ông Chính cho biết Sở Nội vụ chưa nhận được bất cứ công văn nào của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Sau khi nghe báo chí phản ánh, chúng tôi đã cho anh em đi tìm lại công văn, nhưng không thấy. Sau đó Sở cũng đã xin lại công văn này của Bộ. Sở sẽ sớm gửi lại công văn xác minh cho Bộ vào ngày 16-17/5”.

Ông Chính cho biết, theo đúng quy trình, nếu Sở Nội vụ nhận được công văn sẽ tiếp tục gửi đi để lấy ý kiến 3 bên gồm Công an tỉnh Bắc Ninh để xác nhận về thành tích của 2 ông, UBND huyện Thuận Thành để xin ý kiến về việc chấp hành pháp luật và chính sách nhà nước của 2 ông, đồng thời gửi Sở lao động, Thương binh và Xã hội để phối hợp.

Tuy nhiên, Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh lại cho biết: “Công văn Bộ gửi về từ tháng 3/2015 nhưng chỉ gửi cho biết thôi, chứ không có ý kiến gì cả”. Nhưng sau đó vị lãnh đạo này lại khẳng định lại rằng vấn đề về công văn khen thưởng này không liên quan đến Sở, hơn nữa, vị này nhận công tác sau khi Bộ gửi công văn 6 tuần, nên không hay biết gì.

Cách trả lời có phần chưa thực sự thống nhất giữa 2 lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khiến người nghe không khỏi băn khoăn!

Có hay không sự đùn đẩy trách nhiệm?

Sự luẩn quẩn và chậm trễ trong đường đi của 2 tờ công văn đề nghị khen thưởng đối với ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn khiến không ít người đặt ra những dấu hỏi về cách làm việc của các cơ quan chức năng.

Luật sư Trần Hồng Nam, đoàn luật sư Hà Nội khi theo dõi vấn đề này cho biết, trường hợp của ông Lãng và ông Uẩn hoàn toàn có thể khen thưởng rút gọn, điều này được quy định trong luật Thi đua khen thưởng. Luật sư Nam cũng đặt ra câu hỏi rằng phải chăng các cơ quan đang quá cứng nhắc khi áp dụng tuần tự các bước trong thủ tục hành chính dù không có kết quả, hay còn nội tình gì bên trong khiến tỉnh chưa muốn khen thưởng?

Trong một bài viết đăng tải trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này ngày 11/5, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng “Trong khi sự kiên trì của các cụ trong chống tham nhũng là rất đáng khâm phục thì sự kiên trì của các cơ quan nhà nước trong việc chờ ý kiến của nhau chỉ đáng băn khoăn”.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về 2 trường hợp này, Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho biết, sự việc này đã được xử lý từ lâu, nhưng đến nay việc khen thưởng vẫn còn quá chậm trễ. “Phải nói rằng 2 ông quá tuyệt vời khi thẳng thắn đấu tranh với những người làm sai. Các ông đã giúp cho Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương phát hiện ra những việc làm sai trái. Sau mấy chục năm chiến tranh, cũng đã có rất nhiều nghị định về chính sách với người có công, nhưng do địa phương làm không tốt, dẫn đến sai sót, 2 ông đã đấu tranh để đòi lại công bằng cho xã hội.

Nhưng đến nay ông Lãng và ông Uẩn vẫn chưa được khen thưởng thì phải nhìn nhận thẳng thắn rằng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như tỉnh Bắc Ninh và Quân khu I đã không làm tròn nhiệm vụ”, ông Song Phi nói.

Trung tướng Nguyễn Song Phi cho rằng sự việc về hồ sơ thương binh giả cũng đã được cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh điều tra và xử lý những đối tượng vi phạm, ngân sách nhà nước cũng đã được thu hồi, đây chính là bằng chứng rõ nhất về việc làm đúng đắn đầy ý nghĩa của ông Lãng và ông Uẩn. Như vậy nếu cần xác minh, thẩm định lại tại địa phương, các cơ quan có thể xuống trực tiếp tận xã để xác nhận.

Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh đặt ra câu hỏi rằng liệu các cơ quan chức năng có thực sự chú tâm đến việc khen thưởng 2 ông hay không?

Trung tướng Nguyễn Song Phi nhận định rằng việc khen thưởng này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cổ vũ các phong trào, hoạt động chống tham nhũng, tiêu cực trong quần chúng nhân dân.

Hành trình đấu tranh vinh quang và tủi nhục

Những gì mà các ông Lãng và ông Uẩn đã trải qua có lẽ không phải là điều dễ dàng. Để đấu tranh tìm lại công lý, ông Lãng dù tuổi đã cao vẫn lủi thủi đi sớm về tối, lóc cóc xe đạp đi kiện mà vẫn bị dân làng nói là “con kiến kiện củ khoai”, rồi có những ngày nhà ông bị ném đầy đất đá, phân; cả trăm gốc bưởi là tài sản lớn nhất của ông cũng bị phá tan tành chỉ sau một đêm.

Còn với ông Uẩn, bao năm nay vẫn bị gọi là “thằng chột đi kiện” ( vì ông bị mù 1 mắt), rồi bọn trẻ trong làng hễ nhìn thấy ông là lại hô to “trùm khủng bố”. Ông cũng đã không ít lần chết hụt. Trên hành trình đấu tranh đầy vinh quang cũng có không ít những tủi nhục, khổ sở mà không riêng các ông, ngay cả gia đình các ông cũng phải chịu đựng.

Chiều 30 Tết, ông Uẩn bị kẻ xấu vào nhà đuổi đánh, đến nỗi ông phải chạy trốn, còn vợ ông đợi mãi không thấy chồng về nên vội đi khắp cánh đồng để… tìm xác chồng.

Ngay cả khi mọi việc đã được làm sáng tỏ, vợ ông Lãng vẫn không khỏi lo lắng: “Bao giờ ông ấy chết rồi thì lúc đấy mới biết có an toàn hay không. Ngày nào cũng sống trong lo lắng cả”.

Dù con đường đấu tranh chống tham nhũng lắm gian truân, nhưng ông Lãng và ông Uẩn cũng chưa một lần nao núng. “Với chúng tôi bao năm vào sinh ra tử trên chiến trường còn không sợ thì nay sợ gì”, ông Lãng nói./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/cham-tre-khen-thuong-2-cu-ong-chong-tham-nhung-qua-bong-trach-nhiem-624178.vov