'Chặn' biến tướng hầu đồng

Ngày 2.4, Việt Nam chính thức đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào khi một tín ngưỡng dân gian của người Việt trở thành di sản thế giới. Nhưng hiếm có di sản nào, sau khi được công nhận lại khiến các nhà nghiên cứu và quản lý đau đầu, vì nỗi lo di sản bị biến tướng, thương mại hóa như “Tín ngưỡng thờ Mẫu”.

Nhiều người kiến nghị cần xây dựng quy chuẩn trong việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần phát huy và bảo vệ di sản.Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Biến tướng gia tăng

Sức nóng của hầu đồng được giải mã trong hàng chục tọa đàm, hội thảo do Bộ VHTT&DL và các trung tâm tổ chức trong thời gian qua. Dù còn nhiều bàn cãi, nhưng phải thừa nhận nó có sức sống mãnh liệt trong dân gian và hiện hữu sinh động trong đời sống đương đại.

Trước khi trở thành di sản quốc gia và di sản đại diện cho nhân loại, một thời gian dài “Tín ngưỡng thờ Mẫu” - trong đó có nghi thức hầu đồng - đã đi giữa lằn ranh của “mê tín dị đoan” và “tín ngưỡng”. Ngay sau thời điểm di sản được vinh danh, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu diễn ra ngày càng sôi động, nhưng có nhiều biểu hiện của sự biến tướng. Các giá hầu đồng diễn ra ở nhiều nơi, từ đình, chùa đến các sân khấu lớn nhỏ trên khắp cả nước. Sự biến tướng có dấu hiệu lan rộng ở nhiều khía cạnh như đồng đua, đồng đú. Có người không có căn nhưng vẫn hầu đồng, hay mở những giá đồng cả trăm triệu, cung tiến nhiều vàng mã, gây nên sự lãng phí.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip quay lại cảnh hai thanh niên giả gái hầu đồng và nhảy tưng bừng trong một lễ hội ngoài đường phố ở Lạng Sơn. Một số người còn chạy đến nhét tiền vào ngực “đồng cô” trong tiếng reo hò thích thú. GS.TS. Nguyễn Chí Bền - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, đây là hình ảnh biến tướng văn hóa và có phần phản cảm.

Bên cạnh việc mang hầu đồng ra đường cần phải bị lên án, còn có nhiều biểu hiện khác của việc làm biến tướng di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu.Ví dụ như chùa Một Cột, đền Hai Bà Trưng, đền Mẫu Âu Cơ… không phải là nơi có thể đưa thực hành tín ngưỡng, vậy nhưng từ lâu người ta vẫn đưa vào để trình diễn. Việc dâng, đốt đồ mã quá nhiều trong mỗi cuộc lên đồng cũng là điều đáng lo; nhất là những đồng tiền thật bị đánh đồng với tiền giả và đem đốt. Nhiều trường hợp hầu đồng tập thể, cô đồng kết hợp chữa bệnh bằng các nghi thức giẫm đạp lên người khác, sử dụng nhiều loại nhạc bị biến tấu phản cảm.

Với vai trò trưởng ban xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, GS. Nguyễn Chí Bền khẳng định: “Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng giống như các tín ngưỡng khác, tất cả các nghi lễ đều phải diễn ra trong không gian thiêng của tín ngưỡng đó. Không phải ở đâu cũng có thể thực hiện nghi thức thực hành Tín ngưỡng này.

Chỉ những nơi có ban thờ mẫu (gồm tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ vạn linh (tất cả thần linh của tín ngưỡng thờ Mẫu) mới có khả năng “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu”. Ngoài ra, còn phải có đức tin của tín đồ, đặc biệt phải có đồng đền, thủ nhang có hiểu biết về Tín ngưỡng thờ Mẫu thì mới dắt dẫn được. Việc thực hành mà không hiểu giá trị của tín ngưỡng sẽ tiếp tay cho việc trục lợi, buôn thần bán thánh”.

Cần có “quy chuẩn” “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu”

UNESCO vinh danh yếu tố gốc của di sản, đó là những nét đẹp, sự nhân văn trong “Tín ngưỡng thờ Mẫu” của người Việt. UNESCO cũng hướng đến khía cạnh thực hành của di sản, bởi di sản muốn sống và phát huy giá trị phải đi vào cộng đồng. Nhưng nhiều người đang ngộ nhận, hiểu “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chỉ là lên đồng, hầu đồng mà quên đi những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa… Vì hiểu chưa đúng nên thực hành sai và tạo cơ hội cho việc trục lợi từ di sản. Nhiều người kiến nghị, cơ quan quản lý cần xây dựng một bộ quy chuẩn về thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu để ngăn chặn biến tướng.

“Lâu nay, đạo Mẫu phát triển tự do, rộng khắp nhưng lại không có một quy chuẩn gì, trong khi đó nhiều thanh đồng lại thiếu một kiến thức đầy đủ về Tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì vậy, các cơ quan quản lý văn hóa, nhà chuyên môn cần xây dựng chương trình phổ biến kiến thức về đạo Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng để cộng đồng có những hiểu biết khoa học về di sản” - GS. Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia kiến nghị.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền đồng tình với việc cần có quy chuẩn trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tuy nhiên bày tỏ băn khoăn về việc rất khó để xác định được nghi thức nào là đúng, làm như nào là chuẩn? Ngay cả về trang phục hầu đồng, hiện tại cũng có nhiều dị bản. Mỗi bộ trang phục được dùng cho một giá đồng, thể hiện đặc trưng của từng vị thánh trong đạo Mẫu và còn là hình tượng văn hóa được đúc kết từ nhiều thế hệ người Việt. Nhưng theo dòng chảy và tiếp biến văn hóa có sự thay đổi, tùy vào gia cảnh giàu nghèo khác nhau để biện trang phục, đồ lễ lớn, nhỏ. Tuy nhiên, việc đưa ra “khung” trong việc thực hành tín ngưỡng là cần thiết, trên cơ sở tham khảo và lấy ý kiến từ cộng đồng, chủ thể sáng tạo.

Chương trình quốc gia bảo vệ di sản

Di sản sẽ biến tướng nếu cộng đồng không hiểu rõ giá trị, các nhà quản lý không kiên quyết. Một di sản được vinh danh, nếu không thực hành tốt sẽ làm hình ảnh của di sản đó xấu đi, có nguy cơ bị UNESCO thu hồi lại danh hiệu. Trước những lo ngại này, ngày 2.4, ngay sau lễ đón nhận bằng công nhận di sản, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn, phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt”.

Chương trình hướng đến việc tiếp tục nhận diện giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; kiên quyết ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản…

Nhiều người kỳ vọng, chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ giúp ngăn chặn những biến tướng. Để di sản trở về đúng giá trị của nó. Ở đó có tính kế thừa, giá trị nhân sinh, ý nghĩa lịch sử thông qua việc tôn vinh các vị thánh hiện thân của các anh hùng dân tộc, chứ không dùng để… sấm truyền, trục lợi.

MAI CHÂU - BÍCH HÀ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chan-bien-tuong-hau-dong-656158.bld