Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công chứng viên

KTĐT - Ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về hoạt động công chứng, chứng thực từ ngày 1/7/2007 đến nay. Trong đó, việc phát triển ồ ạt của văn phòng công chứng, chứng thực, trình độ đội ngũ công chứng viên là những vấn đề gây nhiều băn khoăn.

Công chứng viên thiếu chuyên nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, hiện cả nước có 724 văn phòng công chứng (tăng gấp 8 lần so với năm 2007) với 1.327 công chứng viên và dự kiến đến năm 2015, sẽ phát triển lên tới 1.000 văn phòng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hoạt động công chứng thời gian qua đã xuất hiện nhiều hạn chế, yếu kém, đó là một bộ phận công chứng viên còn yếu kém về chuyên môn dẫn tới sai sót, vi phạm, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người dân làm thủ tục công chứng tại Văn phòng Công chứng Hà Nội.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Văn Minh cho biết, mặc dù đã có bước phát triển nhưng nếu chia trung bình, tỷ lệ công chứng viên/văn phòng công chứng đang rất thấp, khiến người dân phải chịu một số thiệt hại phát sinh khi công chứng viên qua đời hoặc ốm đau dài ngày... Cùng với đó, quy định mua bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc cho công chứng viên nhiều khi vẫn bị bỏ qua.

Thừa nhận việc này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, tới đây Bộ sẽ dự thảo nghị định trình Chính phủ cho phép chuyển đổi văn phòng công chứng dưới hình thức công ty hợp danh có từ 2 thành viên trở lên, khuyến khích văn phòng công chứng có nhiều hơn 1 công chứng viên. Về bảo hiểm trách nhiệm cho công chứng viên, Bộ trưởng giải thích: Luật đã có quy định, nhưng mới có 74% văn phòng công chứng mua bảo hiểm bắt buộc với lý do… chưa tìm được bên bán bảo hiểm. Chia sẻ bức xúc với các ĐBQH về những tồn tại trong nghề công chứng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường hứa sẽ có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công chứng viên để người dân yên tâm khi tới làm dịch vụ công chứng.

Có hay không sự "thả nổi"

Từ thực tế hoạt động công chứng tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng: Trong quá trình thực hiện Luật Công chứng còn nhiều điểm vênh với hệ thống luật pháp có liên quan, đặc biệt là Luật Đất đai... Đội ngũ công chứng viên tính chuyên nghiệp chưa cao, có tình trạng vi phạm pháp luật, các văn phòng công chứng cạnh tranh không lành mạnh. Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm bổ sung quy định quản lý chất lượng công chứng viên, không miễn đào tạo công chứng viên đối với một số đối tượng (hiện đang được miễn).

Trả lời cho câu hỏi các ĐBQH đưa ra về việc có hay không sự thả nổi việc thành lập các văn phòng công chứng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, doanh nghiệp nếu quá khó khăn có thể giải thể, thậm chí phá sản. Nhưng tổ chức hành nghề công chứng thì "như một sản nghiệp", vì trách nhiệm của văn phòng công chứng và công chứng viên đối với khách hàng là suốt đời. Do vậy, cần có quy hoạch để phát triển.

Trước vấn đề ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) đưa ra vấn đề "90% việc công chứng liên quan tới bất động sản. Vậy, công chứng có liên quan gì tới các vụ việc lừa đảo bất động sản gần đây không?", Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng: Chúng tôi đã yêu cầu thanh tra tất cả các văn phòng công chứng để có con số khách quan và tìm biện pháp chấn chỉnh. Ở đây, phải có sự kết hợp giữa quản lý Nhà nước với hiệp hội nghề nghiệp thì mới tốt lên nhanh được".

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/phap-luat/tin-tuc/2013/09/8101fa8c/chan-chinh-nang-cao-chat-luong-cong-chung-vien/