Chấn động một vụ thảm sát bị lãng quên

Một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử Indonesia đang trôi vào quên lãng. 50 năm sau cuộc thanh trừng khoảng 500.000 thành viên và những người ủng hộ Đảng Cộng sản Indonesia (PKI), mọi việc vẫn còn là điều bí ẩn.

Trong một phát biểu trước lãnh đạo của Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai ở Indonesia, Tổng thống Joko Widodo từ chối xin lỗi các nạn nhân của sự kiện 1965. (ảnh: The Guardian)

Trong một phát biểu trước lãnh đạo của Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai ở Indonesia, Tổng thống Joko Widodo từ chối xin lỗi các nạn nhân của sự kiện 1965. (ảnh: The Guardian)

Những nạn nhân của sự kiện bi thảm này vẫn tiếp tục phải chịu những bất công và liên lụy.

Hố cá sấu

Rạng sáng ngày 1/10/1965, bảy đơn vị quân đội Indonesia được lệnh di chuyển xuyên qua thủ đô Jakarta, tiến đến chỗ ở của bảy trong số những tướng lĩnh cao cấp nhất của quân đội.

Ba trong số đó đã bị giết lập tức, ba bị bắt giữ, và một người – tư lệnh Abdul Haris Nasution - trốn thoát; tuy vậy, con gái năm tuổi của ông bị thương nặng trong cuộc đấu súng.

Ba viên tướng bị bắt được đưa tới một căn cứ không quân lớn ở phía nam Jakarta và bị sát hại. Xác của họ bị cắt xẻo và nhét xuống một cái giếng trong căn cứ. Nơi đây sau này được gọi với cái tên lubang buaya hay “hố cá sấu” để ghi dấu vết tích của vụ đảo chính, là cột mốc cho những hành động trấn áp của chính quyền sau này.

Sự kiện kinh hoàng này đã thay đổi toàn bộ bối cảnh của lịch sử Indonesia hiện đại, khởi đầu cho một trong những vụ giết người hàng loạt lớn nhất của thế kỷ 20, gần như xóa sạch đảng Cộng sản lớn thứ ba thế giới, đưa quyền lực vào tay Suharto - một vị tướng sau này cầm quyền suốt 3 thập kỷ tại Indonesia.

Vụ binh biến tạo điều kiện cho tướng Suharto ép Tổng thống đương nhiệm Sukarno phải trao lại quyền lực khẩn cấp. Từ đây, một cuộc tắm máu đã đổ lên những đảng viên của đảng Cộng sản Indonesia (PKI) và những người có cảm tình với đảng này.

500.000 người đã bị giết trong một hành động được coi là sự trừng phạt, nhưng thực ra lại mang ý nghĩa của một cuộc thanh trừng ý thức hệ trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đang lên tới đỉnh điểm.

Tướng Suharto (thứ hai từ trái sang, đeo kính râm) đẩy phong trào Cộng sản Indonesia vào một cuộc thanh trừng (AP)

Mượn “nước cờ” đảo chính

Bối cảnh Indonesia thời điểm đó bị giằng xé bởi những căng thẳng. Hệ thống lập pháp theo mô hình nghị viện còn đang ở trứng nước đã bị thay thế vào năm 1959 bằng việc nắm quyền lực tối cao của Sukarno – nhà lãnh đạo khai sinh đất nước, nhưng cũng rất đồng bóng.

Nhiều cuộc nổi dậy và âm mưu đảo chính liên tục bị triệt hạ, đẩy đất nước Đông Nam Á này đang ở ngưỡng cửa xung đột nội bộ.

Tổng thống Sukarno lúc đó không muốn đi theo quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ; thậm chí, còn đưa Indonesia ra khỏi LHQ sau những lình xình quanh vụ bầu Malaysia làm thành viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Nền kinh tế Indonesia gần như chạm đáy.

Trong bối cảnh đó, đảng Cộng sản Indonesia (PKI) với ba triệu đảng viên và khoảng 20 triệu người có cảm tình đang thúc đẩy ảnh hưởng. Chính sách của PKI được triển khai tại khu vực Java đông dân cư nhằm chia lại ruộng đất, đôi khi bằng cả bạo lực, từ tay những chủ đất Hồi giáo chính thống.

Quân đội Indonesia lúc đó lại muốn tận hưởng mối quan hệ với Mỹ để nhận được trang bị và đào tạo của phương Tây, và giữ vai trò đầu tàu trong nền kinh tế. Vì thế, lực lượng vũ trang coi PKI là mối đe dọa, đặc biệt những hành động của PKI để thay đổi trật tự.

Nhưng nỗ lực nổi dậy chống lại những tướng lĩnh cấp cao rất thô sơ và tổ chức kém. Cuộc binh biến do một quan chức tầm trung có tư tưởng cánh hữu cầm đầu, chỉ nhận được sự hỗ trợ của vào đơn vị quân đội.

Lãnh đạo PKI - DN Aidit - chịu trách nhiệm lên kế hoạch, nhưng vai trò quan trọng nhất lại do Sjam Kamaruzaman- một đặc vụ bí ẩn - thực hiện. Nhân vật này đứng đầu một bộ phận ít được biết tới của PKI, Cục Đặc biệt, có nhiệm vụ cài cắm tai mắt vào hàng ngũ quân đội.

Điều quan trọng hơn cả là hầu hết thành viên của PKI lúc đó khá mơ hồ về âm mưu này, chẳng chuẩn bị gì để nắm lấy cơ hội đang tới.

Người ta cũng không cắt nghĩa được vì sao những người chủ mưu lại bỏ qua tướng Suharto, người chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh Kostrad – một đơn vị chiến lược trong quân đội Indonesia.

Sau này, khi Suharto bị buộc từ chức Tổng thống năm 1998, người duy nhất còn sống sót trong số người cầm đầu đảo chính, đại tá Latief, giải thích rằng chính ông đã thông báo cho tướng Suharto về kế hoạch này nhiều ngày trước đó, và nhận được tín hiệu rằng Suharto sẽ đứng về phía họ.

Đó là một tính toán cực kỳ sai lầm. Tướng Suharto đã có những biện pháp đối phó rất mau lẹ và hiệu quả, cách ly những người cầm đầu chỉ trong vòng 24 giờ. Lãnh đạo PKI bị bao vây, một vài trong số họ, như Aidit, lập tức bị xử tử; một số khác thì bị đưa tới tòa án và cũng bị tuyên tội chết sau đó.

Quân đội lập tức kiểm soát truyền thông, trút giận lên PKI bằng một chiến dịch tuyên truyền kéo dài mãi về sau này. Cuộc tàn sát chống Cộng bắt đầu, trong vòng bốn tháng, ít nhất nửa triệu người đã bị giết.

Nỗi đau vẫn trong vòng im lặng

Hơn 50 năm sau, cuộc thảm sát và cái chết của nửa triệu người Indonesia vẫn tránh được nhắc tới tại đất nước này. Nhớ lại cuộc thanh trừng kinh khủng đó, một nhân chứng tại thủ phủ Pasuruan của tỉnh Đông Java nói với BBC rằng những người bị bắt được đưa tới cầu cảng, bị đánh đập tới chết và bị ném xác xuống biển. Hàng trăm người bị giết chỉ tại điểm đó và họ không hề phản kháng.

Giống như hầu hết cư dân tại đảo Java, nhân chứng này là một tín đồ sùng bái của Nahdlatul Ulama (NU), một phong trào Hồi giáo truyền thống với mười triệu tín đồ. Họ xem PKI như một đối thủ vô thần và vì thế, dễ bị xúi giục để xung đột với những người ủng hộ PKI.

Sau này, vị lãnh đạo được sùng bái của NU, Abdurrahman Wahid, một nhân vật Hồi giáo theo đường lối cải cách trở thành tổng thống năm 1999 có thể đã rút ra được kinh nghiệm từ những sự kiện bi thảm hơn ba thập kỷ trước đó.

Trong một lần tiếp xúc với BBC, cựu tổng thống Wahid đã cho biết chính những điều được chứng kiến trong vụ tắm máu mà những tín đồ của NU gây ra với PKI khiến ông không dám lật đổ chiếc ghế của Suharto. “Tôi sợ rằng sẽ có một cuộc bạo lực còn lớn hơn thế” - Wahid nói.

Những người ủng hộ PKI cũng chưa dám cất lên tiếng nói bởi hình ảnh của đảng này đã bị hệ thống truyền thông ác quỷ hóa trong nhiều thập kỷ.

Cảnh sát Indonesia và một thanh niên cầm lá cờ búa liềm trong cuộc vây ráp trụ sở PKI ở Jakarta năm 1965 (SMH)

Mặc cảm đeo bám người sống sót

Quá khứ đau thương và sự thật bị chôn vùi đã lâu, thế nhưng vẫn là nguồn gốc gây nên sự kỳ thị cho những người còn sống sót sau này.

Một vài người từng “sống dở chết dở” sau vụ chính biến ngày nào không thể bước qua cánh cổng trường đại học bởi bà của họ từng bị cho là có liên hệ với một nhóm cộng sản.

Những người này sau đó cũng không thể tìm được công việc tử tế bởi họ từng bị bị tống giam và mang theo mình chiếc vòng định mệnh mang tên “tapol” – tên gọi của tù nhân chính trị tại Indonesia.

Những thông tin còn lại tới nay cho biết, có khoảng 100,000 người từng bị tống giam trong giai đoạn đó mà không qua xét xử. Họ phải chịu những điều kiện tồi tệ trong tù suốt từ năm 1965 tới 1979. Tới năm 1995, các cựu tù nhân sau biến cố 30 năm trước mới nhận được chứng minh thư của mình, nhưng lại được gắn thêm hai ký tự “ET” – hay cựu tù nhân chính trị.

Những sự phân biệt đối xử đó tiếp tục như một ngọn dao cứa thêm vào vết thương của những người đã chịu quá nhiều đau thương trong quá khứ, trong khi sự thật về giai đoạn này vẫn chưa được trả lại với công chúng. Đây cũng đang là một chủ đề gây đau đầu với chính quyền hiện tại của Tổng thống Joko Widodo.

Chắc chắn chính phủ hiện nay không thể dập tắt các yêu cầu làm rõ sự kiện này, cũng như minh oan cho những người đã chết, nhưng một cuộc điều tra toàn diện nếu có sẽ là một thách thức với sự ổn định và đoàn kết của đất nước.

Trong một cuộc gặp mới diễn ra cách đây vài tháng giữa những nạn nhân của cuộc thanh trừng với các thành viên của lực lượng an ninh, bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Panjaitan khẳng định, đất nước phải dành sự tưởng nhớ cho những nạn nhân của sự kiện này, nhưng chính quyền sẽ từ chối đưa ra lời xin lỗi chính thức./.

Thanh Sơn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-lo-phap-luat/chan-dong-mot-vu-tham-sat-bi-lang-quen-294188.html