Chân dung vị Hoàng tử thất thế phải hành nghề vá xe ở Cần Thơ

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu, con trai vua Thành Thái, dù là Hoàng tử nhưng chưa 1 ngày được sống trong nhung lụa, cho đến khi mất (năm 2007), ông luôn sống trong nghèo đói, vất vả mưu sinh.

Kí ức còn sót lại về dòng họ Nguyễn Phước tại đất Tây Đô

Hơn năm mươi năm trước, hoàng tử Vĩnh Giu, con trai của vị vua yêu nước Thành Thái, trở về sau những ngày lưu đày tận đảo Reunion. Những tưởng thoát khỏi cuộc sống tù đày, song một lần nữa hoàng tử bị chia cắt khỏi gia quyến, năm 1949, ông được Pháp “cử” xuống Cần Thơ làm cầu đường và phải sống những ngày tháng cơ cực ở miền đất sông nước này cho đến lúc mất vào năm 2007.

Hiện tại, căn nhà khi xưa đại gia đình hoàng tử Vĩnh Giu sinh sống đã được tu sửa khang trang hơn. Dòng họ Nguyễn Phước, một dòng họ vương tôn quý tộc nhà Nguyễn với hơn 10 đời Vua, thế nhưng can qua, vua thất thế, con cháu lưu lạc, cho đến nay những gì còn sót lại cũng chỉ là nhà thờ họ tộc và kí ức của những người con, cháu...

Hoàng thân Bảo Thọ tâm sự về gia đình.

Căn nhà rộng khoảng 20m2 nằm sâu trong con hẻm 166, đường Phan Đình Phùng, phường An Lạc, Ninh Kiều, Cần Thơ, đây chính là nơi hơn 20 người trong đại gia đình Nguyễn Phước Vĩnh Giu sinh sống kể từ ngày rời xa mảnh đất cố đô, lưu lạc đất khách.

Tại đây, Vĩnh Giu và vợ là bà Lý Ngọc Hóa đã sinh được 7 người con cả trai lẫn gái. Không giống như một gia đình hoàng tộc bình thường, vị hoàng tử triều Nguyễn cũng như bao con người bình thường khác, phải xắn tay áo làm đủ mọi công việc cực nhọc để nuôi đàn con khôn lớn. Thế nhưng dòng họ Nguyễn Phước tại Cần Thơ luôn phải sống trong cảnh túng quẫn bởi những con người rời chân khỏi cung cấm ấy không quen việc chân tay, lại không thạo việc bán buôn.

Những người dân sống trong con hẻm 166 hẳn sẽ không thể quên được người đàn ông gầy gò mưu sinh bằng nghề sửa, vá xe đạp suốt mấy chục năm. Nhắc về cha, ông Nguyễn Phước Bảo Thọ (con trai thứ tư của hoàng tử Vĩnh Giu) cho biết, từ năm 1975 cha ông đã làm nghề này và cho đến cuối đời ông vẫn kiếm tiền bằng công việc bơm xe.

“Ngày nhỏ tôi không nghe cha nói gì về thân thế gia đình mình cả, mãi đến những ngày cuối đời ông mới hay kể nhiều về quãng thời gian đi đày với ông nội. Cha tôi cũng hay kể về những hoạt động của ông nội và tính khí của người. Song khi đó phần vì cuộc sống mưu sinh, phần vì nhiều lúc nghĩ cha tuổi già, kể chuyện vui nên tôi cũng không để tâm nhiều. Mãi sau này khi cha đã mất, qua tìm hiểu từ các anh, chị và tư liệu của dòng tộc tôi mới biết sự thật về thân thế, dòng tộc của cha…”, ông Bảo Thọ kể.

Theo hoàng tôn Nguyễn Phước Bảo Thọ, những ngày ở Cần Thơ, suốt thời thơ ấu, ông cùng các anh chị sống cuộc đời bình dị, thậm chí là cơ cực và không một ai hay biết về gốc gác hoàng tộc của mình. Duy chỉ có hoàng tử Vĩnh Giu vẫn luôn giữ phong thái của một con người quyền quý, cốt cách thanh cao của dòng dõi Nguyễn Phước vẫn luôn được ông gìn giữ. “Hồi chúng tôi còn nhỏ, ấn tượng duy nhất về cha là một người giỏi tiếng Pháp, hay giao du với Tây, dù nhà nghèo, phải lao động chân tay song ông luôn dành thời gian để ngồi cà phê đàm đạo ở những quán người Pháp hay lui tới.

Trong gia đình ông cũng hay nói chuyện bằng tiếng Pháp và có dạy dỗ anh em chúng tôi rất nghiêm khắc”. Những người con của hoàng tử Vĩnh Giu khi đó chưa đủ lớn để hiểu cái cốt cách của cha chính do dòng máu hoàng tộc đã ngấm trong mình, và ông Vĩnh Giu, sau gần ba mươi năm lưu đày ngoài đảo Reunion, ông đã giỏi tiếng Pháp và thấm nhuần văn hóa phương Tây bởi khi ấy vua cha (tức vua Thành Thái) rất nghiêm khắc với các con trong việc học hành và với ông, muốn đánh Pháp thì trước hết phải giỏi tiếng Pháp.

Dù những tháng ngày vàng son của vương triều Nguyễn đã lùi vào lịch sử, nhường bước cho một trang sử mới song với dòng họ Nguyễn Phước, những tháng ngày vẻ vang của cha ông mãi là những trang sử hào hùng để họ mãi tự hào về lớp người đi trước.

Con vua thất thế phải “quét lá đa”

Tại vùng đất Ninh Kiều, Cần Thơ, dẫu đã rất cố gắng lo cho các con có cuộc sống tốt nhất song 7 người con của hoàng tửu Vĩnh Giu vẫn không được ăn học đầy đủ. Trong số 7 anh chị em, chỉ có hoàng tôn Nguyễn Phước Bảo Bồi thành đạt nhất. Còn lại phải vất vả mưu sinh bằng đủ thứ nghề, chạy xe ôm hoặc làm thuê làm mướn.

Chân dung ông Bảo Thọ và vợ.

Trong số đó, người có cuộc sống cơ cực nhất có lẽ phải kể đến Nguyễn Phước Bảo Tài (sinh năm 1964, con trai út hoàng tử Vĩnh Giu). Nhắc đến người em kế của mình, hoàng tôn Bảo Thọ trầm ngâm cho biết, có lẽ số phận Bảo Tài là khổ cực hơn cả.

Cũng như các anh chị, lớn lên, Bảo Tài cũng làm đủ trăm thứ nghề để sinh sống. Năm 2004, ông kết hôn khi đã ở tuổi 40. Thế nhưng công việc xe ôm thu nhập bấp bênh, khó khăn như chiếc vòng kim cô ngày càng xiết chặt lấy gia đình nhỏ ông Bảo Tài mới gây dựng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, vợ chồng ông quyết định về quê vợ ở Phong Điền, Cần Thơ, cất tạm căn nhà nhỏ để sinh sống. Nói về quyết định này, ông Bảo Thọ tâm sự: “Ban đầu nó cũng không muốn vì biết người đời dị nghị là sống bám nhà vợ, rồi kẻ nói ra nói vô, song ở Cần Thơ mọi thứ đắt đỏ trong khi thu nhập cả hai vợ chồng chẳng được bao nhiêu. Thế là nó quyết định về bên vợ sinh sống”.

Theo lời ông Thọ, những tháng ngày bước vào cuộc sống hôn nhân, dù có cực khổ song cuộc sống của gia đình nhỏ hoàng thân Bảo Tài vẫn vui vẻ bởi người bạn đời hiểu chuyện, chung chí hướng. Thế nhưng khi người con gái của ông bà chào đời, niềm vui có thêm thành viên mới chưa kịp hưởng trọn thì ông nhận được tin bé phát triển không bình thường.

Qua những lần thăm khám, ông Bảo Tài và vợ chỉ biết rằng con gái bị suy não, vậy là những đồng tiền ít ỏi ông cóp nhặt được từ công việc chạy xe ôm lại đi theo con sau những lần ra vào bệnh viện. Thế nhưng bệnh tình bé vẫn không có dấu hiệu tiến triển. Bất lực trước bệnh tật, ông bà đành cắn răng làm lụng, kiếm tiền mua thêm chút sữa, thêm miếng ăn ngon cho con. Ngoài việc chạy xe ôm, ông nhận làm từ thợ hồ, chạy bàn đến việc bốc vác thuê dưới chợ nổi. Còn bà Tuyền đã thuê một khoảng đất trống mở quán cơm, phụ chồng kiếm tiền chạy chữa cho con.

Theo lời kể của ông Bảo Thọ, từ khi thân thế gia đình Nguyễn Phước được tiết lộ, trước hoàn cảnh cơ cực của ông Bảo Tài, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện giúp đỡ. Hiện nay, căn nhà lụp xụp của ông Tài đã được xây mới lại khá khang trang.

Dù mang trong mình dõng dõi vương tôn quý tộc, song mỗi khi nhắc về cội nguồn, ông Thọ cũng như các em của mình vẫn rất đỗi từ tốn: “Tôi nghĩ quan trọng là mình là ai chứ không phải xuất thân như thế nào. Tất nhiên, tận sâu trong lòng tôi vẫn rất tự hào về cha, về ông nội và luôn phải tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với họ”. Có lẽ vì thế mà sau ngày nghe cha kể về thân thế hoàng tộc, anh em ông Bảo Thọ vẫn sống rất đỗi bình dị, khác chăng chỉ là niềm tự hào tự trong thâm tâm.

Nhắc về thân thế, các con của hoàng tử Vĩnh Giu vẫn nhắc mãi chuyện rất nhiều người họ hàng, bạn bè sau khi nghe tin đã tìm đến để hỏi thăm về “gia đình con cháu vua Thành Thái” nhưng con hẻm nhỏ 166 Phan Đình Phùng không một ai hay biết, dẫu dòng họ Nguyễn Phước sống ở đây đã ngót nghét trên 50 năm.

Căn nhà thờ họ Nguyễn Phước tại con hẻm 166, Phan Đình Phùng, Cần Thơ, nay vẫn được các con nhang khói, gìn giữ như lưu giữ một kỷ niệm về nơi vị hoàng tử cuối cùng của vua Thành Thái sinh sống. Và với người dân nơi đây, hình ảnh một ông lão mực thước, ngày ngày bơm vá xe bên góc đường một cách từ tốn, vẫn mãi in hằn và càng đáng quý hơn khi họ biết đó một thời từng là hoàng tử.

Còn đối với những vị hoàng thân này, dẫu chỉ là chuyện xưa nhắc lại song đó như một bước đệm, một động lực để con cháu dòng họ Nguyễn Phước vươn lên trong cuộc sống vậy.

Nhóm PVMĐ – Thanh Nhi/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/chan-dung-vi-hoang-tu-that-the-phai-hanh-nghe-va-xe-o-can-tho-p42279.html