Chẳng công ty nào mua được mảng chip của Toshiba?

Rất nhiều cái tên lớn đã bày tỏ sự quan tâm tới mảng kinh doanh này của Toshiba ngay khi hãng công nghệ Nhật Bản lên tiếng muốn bán. Tuy nhiên, có thể sẽ chẳng công ty nào mua lại được nó, dù sẵn sàng bỏ nhiều tiền.

Trong phát biểu mới đây tại một cuộc họp báo ở Tokyo khi được hỏi về khả năng Quỹ đầu tư Nhật Bản (INCJ) đầu tư vào Toshiba, Bộ trưởng Bộ thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết, khả năng là có nếu hợp lý.

Hồi giữa tháng 2, Toshiba đã lên tiếng rao bán mảng kinh doanh chip và cổ phần tại các công ty con của mình để tăng lượng tiền mặt, bù cho các khoản lỗ lên tới 6,3 tỷ USD do quyết định đầu tư sai lầm vào nhà máy điện hạt nhân tại Nam Mỹ. Trước đó, hãng đã bán mảng sản xuất bộ nhớ, mảng thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị y tế...

Ngay lập tức, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm tới thương vụ này. Trong đó nổi bật là một số cái tên như công ty lưu trữ dữ liệu Western Digital - đơn vị cùng với Toshiba điều hành một nhà máy chip Nhật Bản, đối thủ Micron Technology Inc và các nhà đầu tư tài chính như Bain Capital. Ngoài ra còn có một số nhà thầu khác như: nhà sản xuất chip Hàn Quốc SK Hynix Inc., Foxconn - nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới và TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Mới đây nhất, Apple cũng cho biết quan tâm tới việc mua lại mảng kinh doanh này của Toshiba. Tuyên bố hãng đang chuẩn bị 27 tỷ USD để mua lại mảng chip máy tính của Toshiba. Hãng công nghệ này tuyên bố đã chuẩn bị 27 tỷ USD để cùng “hùn vốn” với Foxconn mua lại mảng chip máy tính của Toshiba. Nếu thương vụ thành công Apple sẽ nắm khoảng 20% cổ phần mảng kinh doanh này.

Tuy nhiên, trước đó một số nguồn tin cho biết có thể Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ sử dụng Luật Ngoại hối, Luật ngoại thương để can thiệp vào thương vụ này bởi chip là một trong những thiết bị trọng tâm trong việc phát triển robot, trí tuệ nhân tạo và IoT, liên quan tới vấn đề an toàn thông tin quốc gia. Trong lịch sử, Chính phủ đã thực hiện điều này hai lần để ngăn chặn các đối tác nước ngoài mua cổ phần mảng máy ảnh và thiết bị y tế của Olympus Corp bởi công nghệ quang học trong hai mảng này cũng được sử dụng trong các trang thiết bị quân sự.

Với phát biểu của ông Hiroshige Seko, có thể Toshiba sẽ chẳng phải bán mảng chip nữa mà sẽ nhận được vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư của Nhật Bản. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tất cả các đối tác nước ngoài ngỏ ý quan tâm mua lại sẽ về “tay không”.

HV (Theo Reuters)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201704/chang-cong-ty-nao-mua-duoc-mang-chip-cua-toshiba-564810/