Chẳng nên cản giới trẻ nói "hồn nhiên như... cô tiên"

- Cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" vừa bị thu hồi bởi ngôn ngữ trong đó không giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Với các bạn trẻ, nói theo những từ ngữ mới này chỉ đơn giản vì "nói thế cũng chẳng sai, mà nghe lại vui tai nữa". Nhiều nhà nghiên cứu cũng đồng tình vì tin rằng, những cái xấu sẽ tự bị thải loại.

Thâm nhập đời sống của "sát thủ đầu mưng mủ"

Vô tình nghe được câu chuyện cà phê cà pháo của một nhóm học sinh cấp 3 đang chia sẻ nỗi "buồn như con chuồn chuồn" của một bạn có nick-name (biệt danh) là "Linh xinh", tôi giật mình khi nghe những câu như trong cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" vừa bị thu hồi. "Ôi, ngất trên cành quất vì chuyện của mày"; "Được voi còn đòi Hai Bà Trưng"; "Thôi quên nó đi, cống rãnh làm sao sóng sánh với đại dương được";...

Lân la làm quen với nhóm bạn, tôi đem thắc mắc của mình ra hỏi thì cả nhóm cười ồ lên: "Chị đúng là "hồn nhiên như cô tiên" í, bọn em nói thế hằng ngày. Chẳng lẽ chị chưa bao giờ nói những câu như thế?". Tôi mới sực nhớ ra hình như đôi lúc tôi cũng có vui mồm mà nói "thankiu vinamilk" hay "từ từ khoai sẽ nhừ".

Bạn Trần Mai Hoa, lớp 12 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho biết: "Thực ra, bọn em nói những câu đó chỉ vì vui thôi, nói nghe rất vần và thấy cũng đúng với ngữ cảnh, nội dung muốn nói. Mà nói mãi rồi thành quen, người nọ học người kia, thậm chí tự sáng tác thêm mà nói "thoải con gà mái". Em nghĩ nếu mỗi câu đều nói như vậy đúng là cũng hơi có vấn đề, nhưng thi thoảng thêm vào một câu làm cho cách nói chuyện của mình sinh động cũng chẳng sao".

Giới trẻ có những cách sử dụng ngôn ngữ hài hước nhằm gây cười

Dù không thường nói kiểu như vậy, nhưng bạn Lê Thanh Phong, học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Nội cho rằng: "Em nghe mãi quen tai rồi, các bạn ở trường hay các anh chị trong xóm nhà em vẫn nói kiểu đấy. Em không dám nói ở nhà, nhưng thỉnh thoảng nói với bạn bè em cũng thử mấy câu quen thuộc, kiểu "chán như con gián", "lạnh lùng như con thạch sùng"... nghe cũng vui vui vì nó vần".

"Cái không tốt sẽ bị thanh lọc"

PGS.TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư cho rằng, đây là một hiện tượng ngôn ngữ mới xuất hiện vài năm trở lại đây và có xu hướng ngày càng rộ lên. Thực chất đây chỉ là cách nói vui đùa, tếu táo, sử dụng ngôn ngữ với cách biến âm, ghép âm cho có vần điệu.

Những cách nói này mang ý nghĩa giải trí nhiều hơn, tuy nhiên không phải là không có những câu cũng có ý nghĩa nhận thức cuộc sống. Có thể nói lối nói vui nhộn này là một hình thức để các bạn trẻ khẳng định mình, đồng thời cũng là cách để giải tỏa áp lực học hành, những stress trong cuộc sống, nên hoàn toàn có thể chia sẻ và thông cảm được.

"Tuy có những biến tấu không theo nguyên tắc bình thường của ngôn ngữ học, thậm chí có những câu nói hơi quá đà nhưng về căn bản vẫn có thể chấp nhận được. Đây cũng là một hiện tượng đã phát triển thành trào lưu chung giống như việc sử dụng ngôn ngữ "chat", ngôn ngữ "blog" vẫn tồn tại bấy lâu mà cũng không gây phương hại gì. Do vậy, theo tôi, không nên lên án và cũng không thể gạt bỏ được, chỉ là không nên quá lạm dụng mà thôi", PGS.TS Phạm Văn Tình nhấn mạnh.

Nhà văn Văn Giá, chủ nhiệm khoa Viết văn, Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng, sự vận động của đời sống ngôn ngữ trong giao tiếp có thời gian đóng băng nhưng cũng có thời gian nở rộ.

"Phải thừa nhận rằng cách sử dụng ngôn ngữ thông minh, linh hoạt, và năng động của các em làm cho ngôn ngữ không bị đóng băng cằn cỗi mà trở nên sinh động hơn", nhà văn Văn Giá khẳng định.

Ông bình thản: "Chúng ta không nên quá lo lắng mà hãy có cái nhìn bình tĩnh. Những lối nói vui vui, vô hại có thể sẽ tồn tại, còn những cái không tốt, không hay chắc chắn sẽ bị cuộc sống tự thanh lọc, không còn đất sống".

Chỉ phê phán nếu...

Theo nhà văn Văn Giá, có thể quan sát thấy 3 hiện tượng cần phê phán trong việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ. Đó là hiện tượng một số từ ngữ sáng chế động chạm đến chính trị, hoặc cá nhân; những cách nói động chạm đến một số đối tượng, nghề nghiệp lẽ ra cần được tôn trọng; lối nói thô tục, liên quan đến bạo lực, hay tình dục,... Những cách sáng tạo ngôn ngữ này chắc chắn không được xã hội chấp nhận và sẽ bị thanh lọc. Người lớn nên có ý thức về điều đó để điều chỉnh, khuyên bảo hay nhắc nhở các em tránh sử dụng.

Ngoài ra cũng có những cách sử dụng ngôn ngữ hài hước, chỉ nhằm mục đích gây cười, hóm hỉnh, thể hiện lối chơi chữ thông minh, hoặc có hàm ý giễu cợt, phê phán những cái hư hỏng, những thói hư tật xấu, thì hoàn toàn nên khích lệ.

Những cách nói này làm cho ngôn ngữ giao tiếp thêm sống động, thậm chí có thể hóa giải được những chuyện khó nói trong xã hội, giúp cho người nghe dễ tiếp nhận hơn.

Khánh Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1983/201111/Chang-nen-can-gioi-tre-noi-hon-nhien-nhu-co-tien-1817023/