Chàng trai chậm phát triển khiến cảnh sát bắn 5 phát chỉ thiên

Chau Sum, một thanh niên Khơmer, bị tâm thần phân liệt được đưa ra xét xử trong vụ án “Chống người thi hành công vụ”. Trước vành móng ngựa, Chau Sum ngờ nghệch, khờ khạo không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Vị chủ tọa bối rối, gấp vội hồ sơ và quyết định hoãn phiên tòa vì Chau Sum “nghe mà không hiểu” quyền và nghĩa vụ của mình tại tòa.

Chau Sum tại phiên xét xử sơ thẩm

“Giải cứu” em trai khỏi công ty

Sáng 8/12, TAND huyện Bình Chánh phải hoãn phiên xét xử đối với bị cáo Chau Sum (SN 1986, ngụ xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vì bị cáo không hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Sum bị tâm thần phân liệt điều trị nhiều năm qua nhưng bệnh tình không thuyên giảm và bị truy tố về tội “chống người thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, khoảng 20h, ngày 30/3/2015, không có tiền mua vé xe về quê An Giang nên Sum đi bộ đến công ty giày Khải Hoàn 1 (ở ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) để tìm em ruột là Chau Xiêm đang làm công nhân trong công ty để hỏi mượn tiền.

Khi đến công ty, Sum hỏi, bảo vệ trả lời công nhân đang tăng ca và không cho Sum vào. Sum lời qua tiếng lại với bảo vệ công ty nhưng vẫn không thể gặp em mình.

Sau đó, Sum đến khu lưu trú của công nhân ở đối diện công ty, vào phòng Xiêm lấy 1 cây kéo, một con dao mang ra mài và chuẩn bị sẵn một chai nhựa bên trong nước pha ớt. Sum lận cây kéo, chai nước ớt trong người rồi cầm dao đến trước cổng công ty.

Mục đích của Sum là vào đến công ty Khải Hoàn 1 tìm gặp giám đốc để hỏi về việc bắt công nhân làm tăng ca.

Việc làm của Sum bị một số công nhân trong khu lưu trú thấy và gọi điện trình báo Công an xã Tân Kiên. Nhận được tin báo, công an xã Tân Kiên đã cử trung úy Nguyễn Duy Phương (có mặc quân phục) cùng hai dân phòng xuống hiện trường để giải quyết sự việc.

Khi đến trước cổng công ty Khải Hoàn 1, thấy Sum la hét và lăm lăm con dao trong tay, anh Phương xưng danh và yêu cầu Sum bỏ dao xuống. Sum không chấp hành và tiếp tục la hét đồng thời lao về hướng công an Phương. Anh Phương dùng gậy cao su đánh văng con dao trên tay.

Ngay lúc đó, Sum rút cây kéo trong người ra, một tay vung kéo, một tay cầm chai nước pha ớt xịt liên tục về phía Công an Phương. Công an Phương liền rút súng bắn 3 phát chỉ thiên. Tuy nhiên Sum không dừng lại, tiếp tục cầm kéo lao đến. Công an Phương dùng tay đỡ nên bị thương nhẹ ở cả hai tay và buộc phải rút lui về hướng cổng công ty.

Được thế, Sum định dùng kéo vung tiếp thì bị công an Phương dùng súng bắn trúng hông, gần nách trái làm Sum bị thương nhẹ. Sum tiếp tục vung kéo thì bị công an Phương đạp trúng vào người. Sum cầm chai nước pha ớt xịt vào mặt công an Phương. Lúc này, hai bảo vệ công ty Khải Hoàn 1, thấy công an Phương gặp nguy hiểm nên cầm cây đánh Sum.

Ngay lúc đó, Chỉ huy công an xã Tân Kiên cử thêm 2 công an khác đến hỗ trợ. Khi đến hiện trường, một trong hai công an bắt chỉ thiên 2 phát. Thấy lực lượng công an đến đông, Sum cầm kéo đâm loạn xạ rồi bỏ chạy được 500m thì bị khống chế và đưa về trụ sở.

Tại cơ quan điều tra, Sum thừa nhận hành vi của mình. Cơ quan công an thu giữ toàn bộ tang vật gồm 1 dao dài 17cm, một cây kéo dài 19cm có cán một bên màu đen, một bên quấn vải đỏ, 1 chai nước có ớt và 6 vỏ đạn màu vàng dùng cho công cụ hỗ trợ.

Sum bị khởi tố và truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”. Tuy nhiên, cáo trạng nêu rõ công an Phương đến hiện trường cùng 2 dân phòng. Nhưng suốt quá trình xảy ra vụ án mà cáo trạng buộc tội Sum không xuất hiện hai dân phòng này dù Sum liên tục dùng hung khí tấn công công an Phương. Thậm chí, công an Phương gặp nguy hiểm, được hai bảo vệ công ty hỗ trợ nhưng cũng không thấy hành động của hai dân phòng này được nêu trong cáo trạng.

Phiên tòa xét xử người tâm thần

Tạm giam được 9 ngày, thấy Sum có biểu hiện bị tâm thần và gia đình đưa đơn thuốc hàng tháng của Bệnh viện tâm thần Tiền Giang với bệnh lý chứng rối loạn tâm thần đa dạng, Sum được cho tại ngoại. CQĐT cũng trưng cầu giám định tâm thần đối với Sum.

Bản kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y TP. HCM kết luận Sum chậm phát triển thần kinh, mức độ nhẹ kèm rối loạn hành vi. Sum chỉ bị hạn chế về khả năng nhận thức. Vì vậy, cơ quan chức năng huyện Bình Chánh tiếp tục truy tố Sum ra tòa.

Sau khi được tại ngoại để điều tra, Sum không ở nhà mà đi chăn trâu thuê cho một số hộ dân ở khu vực giáp biên giới Campuchia. Sum ở lại nhiều tháng, không về nhà. Ở nhà, ông Chau Se, cha Sum không đọc được tiếng Việt nên khi có giấy triệu tập của công an, ông Se không biết và không báo cho Sum. Quá trình Sum đi chăn trâu thuê cũng không báo với chính quyền địa phương. Nhiều lần triệu tập, Sum không biết và không đến làm việc nên CQĐT ra quyết định truy nã.

“Tôi đi làm hồ ở xa, ở nhà có bé nhỏ học lớp 8 nhưng cũng không rành tiếng Việt. Ông Se thì càng chịu thua. Khi có giấy triệu tập, chính quyền báo nhưng không giải thích nên ông Se không nắm rõ tình hình. Đến khi có lệnh truy nã, tôi mới biết thì muộn rồi. Tôi lên biên giới tìm và đưa Sum ra đầu thú. Và Sum bị tạm giam cho đến nay đã gần được 5 tháng”, người bác của Sum kể.

Theo gia đình, vì thiếu hiểu biết, nhà lại nghèo, được tha về, dù nhắc nhở việc phải đến công an khi có triệu tập nhưng Sum quên trước quên sau nên đi chăn trâu thuê kiếm tiền phụ cha nuôi em gái. Mẹ Sum qua đời đã lâu.

Tại phiên tòa, HĐXX hỏi từng câu một, mỗi câu, Sum phải dừng lại vài ba giây mới trả lời được. Vẻ mặt ngây ngô, khờ khạo của bị cáo làm HĐXX phải nghị án đến hai lần nhưng không tìm được giải pháp. Khi giải thích quyền và nghĩa vụ mà Sum phải thực hiện tại tòa, Sum trả lời “nghe nhưng không hiểu”. Vị chủ tọa gấp vội hồ sơ, hỏi ý kiến KSV và hội ý nhanh với hội thẩm, sau đó quyết định hoãn phiên tòa.

Những người có mặt tại phiên tòa liên tục xì xào: “Nó bị khùng mà xử cái gì trời”. Còn Sum, ngồi im như pho tượng, không liếc mắt, không cựa quậy. Nghe luật sư bảo vệ cho mình gọi và hỏi “Sum muốn gì”. Phải một lát lâu, Sum mới trả lời: “Sum muốn về nhà, muốn đi chăn trâu kiếm tiền phụ cha” rồi lại im lặng.

Theo người bác của Sum, Sum bị thiểu năng từ nhỏ và nhiều lần bị tai nạn nên bệnh tình càng nặng. Vì nghèo, hết lớp 1, Sum nghỉ học, đi chăn trâu thuê khắp nơi. Ai cho cơm, cho quần áo, trả được đôi ba đồng một ngày là Sum tá túc.

Đôi lúc, gặp một số nhà, Sum chăn trâu đôi ba tháng nhưng người ta không trả tiền. Sum không nói gì, chỉ lẳng lặng bỏ về nhà rồi tìm chỗ khác. Nghe đứa em kế mình là Xiêm làm công nhân trên Sài Gòn, mỗi tháng có tiền gửi về cho cha, Sum cũng xin đi.

Sum lên Sài Gòn, xin vào một cơ sở cắt kính ở gần nơi em mình làm. Làm được 8 tháng, không hiểu công việc, lương thưởng thế nào, người ta chỉ cho Sum 3 triệu để Sum gửi về quê. Sum bỏ việc, tìm nơi làm khác nhưng không được nên định về quê. Không có tiền, Sum định đến xin tiền em mình thì xảy ra sự việc.

Theo luật sư bào chữa chỉ định cho Sum, thì hồ sơ buộc tội Sum khá rõ ràng, thống nhất. “Quá trình tiếp xúc với Sum trong trại giam rất khó khăn vì Sum nói chuyện không được lại quên trước quên sau. Theo tôi, vụ này, giam giữ một người bị tâm thần như thế là đủ răn đe. Tội danh không nghiêm trọng nên có thể trả tự do tại tòa là hợp tình, hợp lý”, luật sư nói.

Người thân Sum nán lại tòa, qua lời thăm hỏi mới biết họ thuộc diện hộ nghèo, phải xin tiền hàng xóm mới có tiền đi xe đò lên Sài Gòn. Một số người tham gia phiên xét xử liền chia sẻ với họ đôi ba đồng làm lộ phí.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ky-su/chang-trai-cham-phat-trien-khien-canh-sat-ban-5-phat-chi-thien-310152.html