Chặt hạ cây xanh ở Hà Nội: Lấy thành tích hay rập khuôn máy móc?

Chính quyền xã nhiều địa phương ở Hà Nội không ngần ngại chặt bỏ hàng loạt cây xanh tồn tại nhiều năm. Đây là việc làm rập khuôn máy móc hay để lấy thành tích?

Sau vụ việc hàng loạt cây xanh bị chặt hạ xảy ra tại xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất) trong khi thực hiện chiến dịch “dẹp loạn” vỉa hè của TP.Hà Nội, mới đây, người dân tiếp tục phản ánh về tình trạng tương tự ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức).

Đáng chú ý, theo lời người dân ở hai địa phương này, đây là những cây do người dân tự trồng từ nhiều năm nay để lấy bóng mát. Đặc biệt, theo quan sát, nhiều gốc cây bị chặt hạ đều nằm sát lề đường hoặc vỉa hè, và có tuổi đời khá lâu.

Nhiều cây nằm sát bờ ao cũng bị chính quyền xã Cẩm Yên chặt bỏ khi "dẹp loạn" vỉa hè, lòng đường.

Ở xã Cẩm Yên, chính quyền chặt cả những cây nằm sát bờ ao, không ảnh hưởng đến giao thông. Việc làm trên của các địa phương khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi rằng, phải chăng hành động chặt cây xanh là quá máy móc, nhằm lấy thành tích trong dẹp vỉa hè?

Việc chính quyền xã rập khuôn máy móc là điều mà chính Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất - ông Trần Đức Nguyên cũng thừa nhận với PV trong cuộc trao đổi ngày 23/3.

Theo ông Nguyên, huyện không chỉ đạo xã Cẩm Yên chặt hàng loạt cây như trên mà đây là việc làm máy móc và do cán bộ xã không nhận thức đầy đủ.

Còn ông Nguyễn Doãn Hoàn - Bí thư Huyện ủy Thạch Thất lại nhận định: “Việc chặt cây như vậy gây phản cảm. Nếu những cây xanh đó thực sự gây cản trở giao thông thì chính quyền xã phải tìm cách đánh chuyển đi nơi khác, chứ không được chặt hạ. Phải coi cây xanh là tài sản của địa phương”.

Ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức), nhiều gốc cây cách khá xa lòng đường vẫn bị chặt bỏ.

Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với PV, GS.TS Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho rằng, trong khi Chủ tịch TP đang ra sức kêu gọi trồng 1 triệu cây xanh thì việc làm nói trên của các địa phương là rất đáng phê phán.

Theo ông Khả, cây xanh không chỉ có ý nghĩa về cảnh quan mà còn cho bóng mát, giúp môi trường trong lành hơn. “Trong khi thành phố phải bỏ tiền ra trồng cây xanh thì việc người dân tự trồng để làm mát đường làng, ngõ xóm phải được tuyên dương. Nếu xác định các cây này gây ảnh hưởng giao thông thì có thể đánh, di chuyển trồng nơi khác”, ông Khả nhấn mạnh.

Vị giáo sư cũng cho rằng, cây sấu hay hoa sữa là loại cây đô thị phổ biến. Hơn nữa, trong mùa này, việc đánh, di chuyển cây cũng thuận lợi.

Theo PGS.TS Đặng Văn Hà – Phó viện trưởng viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất, Đại học Lâm nghiệp, việc chính quyền quyết liệt trong dẹp vỉa hè, lấy lại sự công bằng cho người tham gia giao thông là đúng nhưng việc chặt hàng chục cây xanh vì cho rằng đó là lấn chiếm vỉa hè thì không được.

Ông Hà cho rằng, hiện nay, Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia quy hoạch trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ cây xanh đô thị. Do vậy, việc người dân tự trồng cây xanh cũng giúp Nhà nước bớt được một số tiền.

Nhiều người dân tiếc nuối vì những cây trồng cả chục năm cho bóng mát bỗng bị chặt hạ.

Cũng theo ông Hà, chính quyền xã rất "lạ" khi thực hiện quá máy móc chiến dịch dẹp vỉa hè. “Người dân trồng cây hơn chục năm nay lại bảo người ta lấn chiếm vỉa hè. Nếu bây giờ chính quyền bảo dân trồng là để lấn chiếm vỉa hè, vậy sau khi chặt đi, chính quyền có biện pháp trồng cây xanh để phục vụ cuộc sống của người dân không? Còn chính quyền kiên quyết cho đó là vi phạm, lấn chiếm thì vấn đề này xuất phát từ việc buông lỏng quản lý, không chấn chỉnh ngay từ đầu”, ông Hà nói.

Bà Bùi Thị An - Viện trưởng viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, trước khi chặt cây, chính quyền cấp xã cần phải báo cáo, xin ý kiến cấp trên chứ không nên tự ý chặt hạ, nhất là khi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đang kêu gọi trồng 1 triệu cây xanh, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để đưa ra đánh giá chính xác thì cũng cần phải khảo sát thực tế xem những cây trên có thực sự ảnh hưởng đến giao thông hay không.

Trao đổi với PV, ông Võ Nguyên Phong - Phó giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối với việc chặt cây xảy ra ở huyện Thạch Thất thì Sở đã vào cuộc và xuống tận nơi kiểm đếm. Về việc này, sở Xây dựng sẽ có báo cáo đến thành phố.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: "Trong khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung đã và đang phát động chương trình trồng 1 triệu cây xanh cho Thủ đô, lấy lại niềm tin cho người dân trước những biến cố về cây xanh trước đó, thì việc làm của chính quyền xã Cẩm Yên đi ngược lại với chủ trương đúng đắn này. Không những vậy, việc làm đó còn gây nên những suy nghĩ tiêu cực đối với chiến dịch lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè mà thành phố đang triển khai thực hiện".

Theo ông Thanh, Khoản 2, Điều 14, luật Thủ đô quy định: "Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh;…". Vì thế, lãnh đạo TP.Hà Nội cũng như huyện Thạch Thất cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền xã Cẩm Yên và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những người đã tiến hành công việc nói trên.

Nhất Nam

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chat-ha-cay-xanh-o-ha-noi-lay-thanh-tich-hay-rap-khuon-may-moc-a319665.html