Chất liệu truyền thống trong âm nhạc đương đại

Có nhà nghiên cứu âm nhạc từng nói, âm nhạc cổ truyền với những giá trị tiềm ẩn mang tính bản sắc đóng vai trò như tấm ”thẻ căn cước” của một dân tộc trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Nói cách khác, âm nhạc truyền thống là một thành tố quan trọng cấu thành văn hóa ở mỗi quốc gia. Nhưng thứ nghệ thuật này sẽ tồn tại như thế nào trong một xã hội không ngừng vận động và đổi thay, nó sẽ dần mai một hay sẽ tìm cách khác để tồn tại?

Phát huy giá trị âm nhạc dân tộc trong đời sống hiện đại

Trong mỗi thời đại, các nhạc sĩ đều tìm đến giá trị truyền thống và kết hợp với tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một ngôn ngữ âm nhạc, một phong cách âm nhạc mang hơi thở dân gian. Ngày nay, khi âm nhạc giải trí tiếp thu mạnh mẽ những yếu tố như tiết tấu, hòa thanh, nguồn âm của điện tử thì âm nhạc dân tộc cổ truyền đứng trước sức ép vô cùng lớn, nên không có điều kiện thể hiện hết những giá trị dân tộc và hiện đại trong thể loại của mình, đồng thời cũng mất đi một số lượng đáng kể khán thính giả yêu thích thể loại này. Bởi vậy, trong điều kiện hội nhập, mở cửa với nhiều luồng ảnh hưởng của văn hóa, âm nhạc bên ngoài tràn vào, chúng ta cần phải có những quyết sách đúng đắn để bảo tồn và phát huy nền âm nhạc dân tộc.

Bàn về chất liệu truyền thống trong âm nhạc đương đại thì gần đây, bài hát Tương tư siêu “hot”, siêu độc đáo của Cao Bá Hưng chính là ví dụ sống động và mới mẻ nhất.

Có ý kiến cho rằng, âm nhạc hiện nay tưởng là đang phát triển một cách sáng tạo nghệ thuật âm nhạc dân tộc của cha ông, nhưng kỳ thực lại đang làm mai một dần bản sắc, tính nguyên gốc của những loại hình âm nhạc truyền thống. Và kết quả là sự ra đời của những tác phẩm pha tạp giữa dân gian và hiện đại như rock-ca trù hay hip-hop-xẩm chẳng giống ai. Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, đây có lẽ là cách tốt nhất để những giá trị âm nhạc dân tộc có thể sinh tồn trong đời sống hiện đại. Và người có thể làm tốt được điều này chính là thế hệ trẻ.

Vẫn biết rằng, việc truyền dạy những âm điệu âm nhạc cổ truyền cho thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề còn nhiều bất cập. Tại nhiều địa phương mà các nhà nghiên cứu văn hóa có dịp khảo sát, những làn điệu dân ca đã được tạo dựng và gìn giữ từ bao thế hệ cha ông chỉ còn được lưu giữ ở thế hệ những nghệ nhân lớn tuổi. Thế hệ trẻ vẫn tràn đầy tình cảm và thái độ trân trọng di sản văn hóa âm nhạc dân gian truyền thống của quê hương, nhưng không có khả năng diễn xướng được những giai điệu đó một cách chính xác theo đúng phong cách. Các em cho rằng lời ca cổ lạc hậu, khó hiểu và với nhận thức như vậy, giới trẻ rất khó thuộc những lời ca cổ đó. Rõ ràng, hình thức sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc dân tộc cổ truyền thường gắn với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên tương xứng. Giới trẻ ngày hôm nay rất khó học thuộc và cảm thụ được hết vẻ đẹp những bài hát ví về các loài cá nếu như họ không làm nghề chài lưới hoặc không hiểu hết ý nghĩa của những lời ca từ các tích cổ.

Nhưng không phải người trẻ nào cũng vậy

Bàn về chất liệu truyền thống trong âm nhạc đương đại thì gần đây, bài hát Tương tư siêu “hot”, siêu độc đáo của Cao Bá Hưng chính là ví dụ sống động và mới mẻ nhất. Quyết định mang Tương tư đi dự thi Sing My Song - Bài hát hay nhất, cậu bé 18 tuổi này đã hoàn toàn chinh phục Hội đồng nghệ thuật và số đông khán giả. Có lẽ ít ai biết, Cao Bá Hưng cũng chính là người đã phối khí hòa âm cho ca khúc Thật bất ngờ của ca sĩ Trúc Nhân, ca khúc làm mưa làm gió một thời gian dài trong đời sống âm nhạc. Ca khúc Tương tư lần này cũng do chính Bá Hưng tự hòa âm phối khí.

Cao Bá Hưng, hiện là học sinh trường THPT Marie Curie, rất chững chạc và có chất hào hoa, quân tử rất “Cao Bá Quát” với ca khúc Tương tư mang chất nhạc truyền thống dân tộc. Sẽ không bất ngờ về khả năng của Cao Bá Hưng khi biết rằng chàng trai là cháu nội đời thứ 7 của Cao Bá Quát này sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là giảng viên đàn guitar. Từ nhỏ Cao Bá Hưng đã thi vào lớp Tạo nguồn của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và du học tại Trung Quốc. Sau 6 năm theo học tại Học viện nghệ thuật Quảng Tây, thành phố Nam Ninh, Bá Hưng tốt nghiệp chuyên ngành biểu diễn âm nhạc với đàn tỳ bà.

Trở về Việt Nam, Bá Hưng tiếp tục theo học THPT tại TP. Hồ Chí Minh để trang bị thêm kiến thức và dự định theo học thêm một ngành khác. Bá Hưng chia sẻ, với Hưng, âm nhạc là điều đáng yêu nhất, nhưng Hưng cũng mong muốn được học thêm một lĩnh vực khác, khám phá bản thân mình hơn. Vào năm 2015, Bá Hưng cùng các chị em thành lập nhóm Bốn chị em, tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent. Với phong cách nhạc dân tộc đặc biệt, nhóm đã tạo được nhiều ấn tượng cho mọi người.

Chắc chắn những tài năng như Cao Bá Hưng, những người thực sự muốn mang chất truyền thống vào âm nhạc đương đại còn rất nhiều, chỉ là họ chưa có cơ hội để “khoe” tác phẩm của mình. Và khán giả, những ai đang lo lắng cho sự tồn tại yếu ớt của âm nhạc truyền thống thì hãy cứ tin rằng, dù phát triển và hội nhập thế nào đi chăng nữa, chất liệu dân gian vẫn luôn là nguồn cảm hứng để giới nghệ sĩ sáng tác nên nhiều ca khúc đi vào lòng người.

NAM PHƯƠNG

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chat-lieu-truyen-thong-trong-am-nhac-duong-dai-n127306.html