Chất lượng môi trường TPHCM đáng lo ngại

Chất lượng môi trường tại TPHCM nhìn chung đáng lo ngại vì ô nhiễm vượt chuẩn với nhiều mức độ khác nhau trên tất cả các lĩnh vực như nước mặt, nước ngầm, kênh rạch, nước thải, không khí, tiếng ồn, chất thải rắn, bùn thải...

TPHCM có ba áp lực về môi trường là nước thải, khí thải và chất thải - Ảnh: Văn Nam

Đó là nhận đinh của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM khi phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường HĐND thành phố khóa IX diễn ra sáng nay (11-6) về chuyên đề công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TPHCM.

Cũng theo bà Quyết Tâm, kết quả khảo sát của HĐND thành phố mới đây cho thấy ở nhiều khu vực dân cư tình hình ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân thành phố. Trong đó, môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải đang là vấn đề còn nhiều hạn chế và bất cập trong công tác quản lý nhà nước, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phần người dân chưa tốt.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, TPHCM đang chịu áp lực lớn bởi ba tác động môi trường gồm: nước thải với gần 1,8 triệu m3 mỗi ngày; khí thải từ 7,9 triệu phương tiện giao thông và 839 nguồn khí thải công nghiệp; chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường khoảng 8.300 tấn mỗi ngày và rất nhiều nguồn thải khác.

Cụ thể về rác thải, ông Thắng cho biết theo thống kê hiện mỗi ngày thành phố có trên 1,9 triệu hộ gia đình đang thải ra môi trường khoảng 3.480 tấn rác (chiếm 42% tổng lượng rác thải sinh hoạt), các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ với trên 134.000 nguồn thải khoảng 3.360 tấn (chiếm 40,5%) và các nguồn thải còn lại thải ra kênh rạch, đường phố, công viên, bến xe...

Ông Thắng cho biết chủ trương của thành phố phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống còn dưới 60% bởi hiện nay tỷ lệ chôn lấp chiếm đến 76%.

Trong đó, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) xử lý tại bãi rác Đa Phước bằng công nghệ chôn lấp 5.500 tấn/ngày với giá xử lý 20,9 đô la Mỹ/tấn, Công ty Vietstar Lemna (Mỹ) xử lý làm phân compost 1.500 tấn/ngày với giá xử lý 19 đô la Mỹ/tấn, Công ty Tâm Sinh Nghĩa làm compost và đốt 1.300 tấn với giá xử lý 20,38 đô la Mỹ/tấn và Công ty Môi trường đô thị TPHCM chôn lấp 500 tấn/ngày với giá xử lý 360.000 đồng/tấn.

Một số bất cập trong thu gom, xử lý chất thải rắn hiện nay như thiết bị thu gom rác thải dân lập quá cũ, thô sơ, một số phương tiện vận chuyển rác đã cũ, việc kết nối giữa thu gom tại nguồn và vận chuyển không đồng bộ. Đáng chú ý là công nghệ xử lý hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh ô nhiễm về mùi, nước rỉ rác ...

Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, dự báo đến năm 2020 tổng khối lượng rác thải thành phố thải ra tăng lên 10.080 tấn mỗi ngày (tăng bình quân 5% mỗi năm) và đến năm 2025 tăng lên gần 13.000 tấn/ngày và xu hướng thành phố sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp đến năm 2025 xuống còn 20%.

Theo đó, VWS sẽ đầu tư đốt thu khí phát điện công suất 2.000 tấn/ngày, Tâm Sinh Nghĩa đốt phát điện gần 1.300 tấn/ngày, Vietstar đốt phát điện gần 1.800 tấn/ngày, Công ty Tasco làm compost 500 tấn/ngày, Công ty Trisun đầu tư hệ thống đốt plasma 1.000 tấn/ngày và đang kêu gọi đầu tư thêm một hệ thống xử lý hiện đại công suất khoảng 1.000 tấn/ngày.

Phát biểu tại kỳ họp HĐND thành phố sáng nay, đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Mạnh Trí đề xuất thành phố nên có chính sách hỗ trợ như giảm tiền thu gom rác cho các hộ dân nào thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn để khuyến khích người dân phân loại rác hơn nữa bởi tỷ lệ phân loại hiện còn thấp.

Chưa dừng lại, đại biểu Võ Thanh Luân đề nghị thành phố nên đề ra chế tài xử lý những hộ dân không thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn bên cạnh chính sách khuyến khích. Thành phố nên lập lực lượng phạt hành vi vứt rác bừa bãi tạo ra nhiều ụ rác vô chủ trong khu dân cư gây ô nhiễm.

"Dù rác có được phân loại tại nguồn nhưng khi đến các khu xử lý bị đổ dồn chung thì công sức của người dân cũng không hiệu quả", đại biểu Võ Thanh Luân nói thêm và đề xuất thành phố cần sớm đầu tư hoàn thiện công nghệ xử lý rác tiên tiến, giảm chôn lấp.

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho rằng phiên họp bất thường lần này về công tác bảo vệ môi trường của HĐND thành phố là vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm.

"Dù muốn hay không, quy mô dân số của thành phố đang bước vào giai đoạn siêu đô thị sẽ thải ra nhiều rác thải tác động đến yếu tố phát triển bền vững đô thị. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta nên tham khảo các bài học về xử lý môi trường từ các thành phố phát triển không khu vực. Ngoài ra, tôi đề nghị nên khuyến khích mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực xử lý chất thải, nước thải như Singapore đã áp dụng", đại biểu Hồng Xuân đề xuất.

Đại biểu Trần Quang Thắng nhắc lại yếu tố xanh - sạch - đẹp của môi trường sẽ thu hút khách du lịch và thành phố cần phải ưu tiên giải quyết các điểm nóng về môi trường kênh rạch, đô thị, tăng nặng xử phạt các hành vi vi phạm môi trường. Song song đó, thành phố nên lồng ghép việc giáo dục về môi trường vào học đường, ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại...

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/161260/chat-luong-moi-truong-tphcm-dang-lo-ngai.html/