Chất lượng văn bản cải cách hành chính còn chưa khả thi

Trong cải cách thể chế ở nước ta, chất lượng văn bản được ban hành chưa cao, tính khả thi kém, thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo.

TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn khoa học "Kết quả thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2015: Sự hài lòng của người dân" đã nhận định như vậy.

Trong công cuộc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhằm thực hiện thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiệm vụ cải cách nền hành chính do dân và vì dân luôn được Chính phủ quan tâm đặc biệt. Ngay từ những năm 1994, Chính phủ đã đã ban hành Nghị quyết về cải cách một bước thủ tục hành chính. Từ năm 2001 đến nay, Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện hai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước: Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001- 2010 và Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.

Với nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ, các cấp, các ngành trong hơn 20 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, nền hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên các mặt về: Xây dựng thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đã hiệu quả hơn; cán bộ, công chức giải quyết công việc có trách nhiệm hơn, giảm tác động tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức khi giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc của doanh nghiệp, địa phương, cơ sở; chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao; từng bước tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân trong giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước.

TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LHH Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình tổng thể CCHC nhà nước trong những năm qua vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém.

Trong cải cách thể chế, chất lượng văn bản được ban hành chưa cao, tính khả thi kém, thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo. Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Việc giải quyết thủ tục hành chính nhiều khâu, nhiều nơi chưa tốt đã tạo nhiều lãng phí và tổn hại cho nền kinh tế, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Số lượng các đơn vị hành chính, các tổ chức bên trong các bộ, ngành ở Trung ương và các sở tăng khá nhiều, đặc biệt là các tổng cục, cục trong bộ và các chi cục thuộc sở làm tăng số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính. Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả đang trở thành gánh nặng của ngân sách nhà nước. Chủ trương giảm biên chế không đạt được yêu cầu đã đề ra. Việc đánh giá cán bộ, công chức còn chung chung, hình thức, chưa có tiêu chí phân loại cụ thể, rõ ràng. Tiền lương còn thấp dẫn đến nhiều tiêu cực khi thi hành công vụ. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển đất nước; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức suy thoái phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, cửa quyền, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ, vô cảm trước yêu cầu của nhân dân, của xã hội.

Nhìn chung bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương còn trì trệ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của đất nước. CCHC để xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững đất nước vẫn đang vấn đề lớn hiện nay, vì vậy cần phải tiếp tục quan tâm đến các nội dung sau:

Các bộ, ngành, địa phương tập trung vào cải cách thể chế với vai trò là một trong ba trọng tâm của cải cách hành chính từ nay đến năm 2020; chú trọng việc nâng cao chất lượng hoạch định, ban hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tập trung triển khai dứt điểm các phương án đơn giản hóa thủ thủ tục hành chính và thực hiện các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính cụ thể. Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức, hệ thống tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; triển khai việc xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức tại tất cả các bộ, ngành, địa phương. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế, nội quy, pháp luật trong hoạt động công vụ.

Thực hiện quyết liệt chính sách tinh giản biên chế gắn với công tác đánh giá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện một số nguyên tắc trong sắp xếp, tuyển dụng công chức để từng bước tinh giản biên chế, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30% tổng số công chức trong bộ máy hành chính nhà nước như đang tồn tại hiện nay.

Nhanh chóng rà soát, sắp xếp để chuyển giao các dịch vụ công từ các cơ quan hành chính nhà nước sang các tổ chức xã hội và người dân thực hiện. Thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân lực và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Đổi mới phương thức, dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển chọn cán bộ, công chức theo hướng bảo đảm tuyển chọn được người có đức, có tài trong hoạt động công vụ.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/chat-luong-van-ban-cai-cach-hanh-chinh-con-chua-kha-thi-3325966/