Châu Á: khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng

"Phát triển với sự công bằng" từng là câu "thần chú" của các "con Hổ" châu Á trong ba thập niên cho đến những năm 1990. Không giống như khu vực Mỹ Latinh, hầu hết các nước châu Á lúc đó có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá chậm và thậm chí đôi khi bất bình đẳng về thu nhập. Gần đây hơn, các nền kinh tế châu Á đã liên tục đạt mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới, song khoảng cách giàu nghèo vẫn tăng.

small_2959.jpg Tạp chí Nhà kinh tế (Anh) mới đây trích dẫn báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết sự bất bình đẳng về thu nhập của châu Á trong thập niên vừa qua đã tăng lên tại 15 trong số 21 nước được khảo sát. trong đó chỉ có 3 nước Thái Lan, Malaixia và Inđônêxia không nằm trong danh sách có thu nhập bất bình đẳng, còn Trung Quốc, Nêpan và Campuchia là những nước đó tình trạng bất bình đẳng lớn nhất về thu nhập. Mức độ bất bình đẳng về thu nhập thường được đo bằng chỉ số Gini với thang điểm từ 0 đến 1, trong đó 0 chỉ sự bình đẳng hoàn hảo (tức mọi người có thu nhập ngang bằng nhau) và 1 là mức bất bình đẳng cao nhất. Chỉ số Gini của Trung Quốc đã tăng từ 0,41 năm 1993 lên 0,47 năm 2004, mức cao nhất tại châu Á, sau Nêpan. Cũng theo cách tính này, Trung Quốc có mức thu nhập bất bình đẳng lớn hơn Mỹ ( 0,46). Chính phủ Trung Quốc và các nơi khác tại châu Á tự an ủi mình với ý nghĩ rằng họ vẫn kém bất bình đẳng hơn khu vực Mỹ Latinh hiện nay, nơi Áchentina, Chilê và Mêhicô đều có chỉ số Gini trên 0,5, đặc biệt Braxin có chỉ số Gini 0,57. Tuy nhiên, so sánh trên có thể chưa chuẩn xác, bởi sự khác nhau trong cách tính toán. Chỉ số Gini tại khu vực Mỹ Latinh được xác định dựa trên thu nhập, trong khi tại châu Á nó chủ yếu dựa trên mức chi tiêu do số liệu về thu nhập đáng tin cậy thường không được công bố. Người ta cho rằng sự bất bình đẳng về thu nhập tại nhiều nước châu Á hiện nay có thể ngang hàng với Mỹ Latinh nếu phương pháp tính dựa trên cơ sở so sánh. Theo biểu đồ của năm 2004, sự bất bình đẳng thu nhập tăng lên tại Trung Quốc, trong khi tại Braxin biểu đồ về chỉ số bất bình đẳng có chiều hướng giảm trong thập niên qua. Nếu xu hướng này tiếp tục, sự bất bình đẳng về thu nhập của Trung Quốc có thể hiện đã lớn ngang bằng Braxin. Ngoài ra, tại một số nước châu Á, con số chi tiêu có thể phản ánh không đúng sự thật về mức độ bất bình đẳng. Chẳng hạn chỉ số Gini của Ấn Độ chỉ ở mức trung bình trong bảng danh sách các nước, nhưng nếu tính đến lĩnh vực y tế và giáo dục thì khoảng cách bất bình đẳng ở nước này là rất lớn. Trong số 20% gia đình giàu nhất ở Ấn Độ chỉ có 5% số trẻ em thiếu cân nghiêm trọng so với tỷ lệ 28% trong số 20% gia đình nghèo nhất. Bang giàu nhất Ấn Độ có 99,8% dân số được sử dụng nguồn nước sinh hoạt sạch, trong khi chỉ có 2% tại bang nghèo nhất. Những con số này có thể so sánh với Trung Quốc, nơi chỉ số bất bình đẳng chính thức về thu nhập còn lớn hơn nhiều. Nguyên nhân chính của tình trạng bất bình đẳng tăng lên, đặc biệt tại Trung Quốc, là mức độ giàu có khác nhau giữa các gia đình ở nông thôn và thành thị. Năng suất nông nghiệp tăng chậm hơn nhiều so với lĩnh vực dịch vụ và chế tạo là một trong những lý do làm tăng khoảng cách giàu nghèo. Ngoài ra, khoảng cách chênh lệch về sự giàu có giữa những lao động lành nghề và những người không lành nghề cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng bất bình đẳng trong thu nhập. Sự chuyển đổi từ chủ nghĩa xã hội sang nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc và Ấn Độ đã làm tăng những lợi ích tài chính của giáo dục. Trên toàn châu Á, sự mở cửa kinh tế đồng nghĩa với việc một số lao động có tay nghề cao hiện được trả lương nhiều hơn theo mức quốc tế. Liệu vấn đề bất bình đẳng có kéo dài cho tới khi tình trạng nghèo khổ giảm? Ngay cả khi sự bất bình đẳng tăng mạnh, 20% số hộ gia đình nghèo nhất vẫn có cuộc sống thực tế tốt hơn cách đây 10 năm tại mọi nơi ở châu Á, trừ Pakixtan. Số người sống dưới mức 1 USD/ngày đã giảm tại mọi nơi, trừ Pakixtan và Băngla Đét. Thực tế tình trạng nghèo khổ đã giảm nhiều hơn tại một số nước có chỉ số bất bình đẳng cao và ngày càng tăng hơn tại những nước theo chủ nghĩa bình quân. Số dân Ấn Độ có mức sống dưới 1 USD/ngày đã giảm từ 42% trong năm 1993 xuống 35% trong năm 2004; Trung Quốc giảm mạnh hơn, từ mức 28% xuống 11%, phần lớn nhờ mức tăng trưởng nhanh hơn. Tình trạng nghèo khổ giảm như vậy, nhưng lý do đáng lo ngại khác là sự bất bình đẳng ngày càng tăng có thể đe dọa sự tăng trưởng, nếu điều đó gây nên tình trạng bất ổn xã hội. Sự bất bình đẳng lớn và ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân bất ổn mới đây ở Nêpan.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29100-chau-a-khoang-cach-giau-ngheo-ngay-cang-tang