Châu Á: Nạn nhân lớn bất ngờ của khủng hoảng vùng Vịnh

Các nước châu Á đang phụ thuộc vào Qatar như một nguồn cung cấp tài nguyên và điểm đến của lực lượng lao động.

Một cuộc khủng hoảng về quan hệ ngoại giao của Qatar đã gây sức ép lớn đến các công ty châu Á đang đầu tư vào nước này, như kết quả trên thị trường chứng khoán khu vực đã cho thấy.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này sẽ có những tác động sâu rộng và hiện tại mới bắt đầu được tìm hiểu. Hậu quả sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên, mà còn ảnh hưởng đến một loạt các thị trường khác, từ helium đến các chương trình thuê nhân lực nước ngoài.

Chín quốc gia ở châu Phi và châu Á đã cùng nhau bắt tay vào đầu tháng 6 để cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Qatar. Djibouti và Jordan cũng hạ cấp quan hệ với Doha trong khi các quốc gia trên cũng áp đặt lệnh cấm vận đối với Qatar.

Cuộc khủng hoảng Qatar đang kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.

Động thái trên nhằm buộc Qatar chấm dứt điều các nước này cho là việc hỗ trợ cho Hamas và các nhóm Hồi giáo khác. Theo The Diplomat, Doha từ lâu đã ủng hộ nhóm Huynh đệ Hồi giáo (MB) và cung cấp nơi trú ẩn và cấp quyền công dân cho Yusuf al-Qaradawi, một học giả gây tranh cãi - người đã lập luận bảo vệ các vụ đánh bom tự sát.

Vấn đề khủng bố

Theo The Diplomat, Qatar thừa nhận có mối quan hệ với một số nhóm đối lập, tuy nhiên, nước này nói rằng điều này là một phần trong các nỗ lực hòa giải xung đột khu vực. Qatar cho tới nay vẫn không lùi bước trong cuộc khủng hoảng; Quốc vương Qatar đã tổ chức một bữa tối trong tháng Ramadan và có sự tham dự của al-Qaradawi trong tháng Sáu.

Theo The Diplomat, quốc gia châu Á duy nhất tham gia cấm vận Qatar cho đến nay là Maldives – khi tầng lớp tinh hoa của nước này đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Chính phủ Maldives cũng lo lắng về sự cực đoan của những người Hồi giáo Maldives. Tính theo bình quân đầu người, Maldives là nước có nhiều tay súng khủng bố nhất đến Syria và Iraq tham chiến cùng IS.

Animesh Roul, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Hòa bình và Xung đột tại Delhi giải thích, "Yusuf al-Qaradawi có những người ủng hộ tại Maldives và MB cũng tương tự như vậy". Đặc biệt, phe đối lập Đảng Adhaalath cũng chịu ảnh hưởng của MB."

Nguồn cung năng lượng

Tuy nhiên, khí đốt tự nhiên – chứ không phải khủng bố - mới là mối quan tâm hàng đầu đối với hầu hết các nước châu Á khi nói đến Qatar. Qatar là nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, và gần 2/3 lượng hàng xuất khẩu của quốc gia này được gửi tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc và Thái Lan. Riêng Ấn Độ đã nhập khẩu 65% lượng khí tự nhiên từ Qatar.

Các hợp đồng như vậy được xây dựng trên cơ sở lâu dài, và thị trường có đặc trưng khu vực cao. Giá cao nhất cho các hợp đồng dài hạn như vậy trong những năm gần đây bắt nguồn từ Đông Á. Một phần ba lượng LNG được bán ra trên thị trường quốc tế bắt nguồn từ Qatar. Và do đó, không giống với dầu mỏ, sẽ khó khăn cho người tiêu dùng công nghiệp Châu Á tìm nguồn thay thế.

Dù vậy, khả năng của Qatar để đáp ứng các hợp đồng này vẫn có thể sẽ tiếp tục dù trong một cuộc xung đột một phần hoặc toàn diện. Iran kiểm soát Eo biển Hormuz – nơi mặt hàng trên được vận chuyển và mối quan hệ Qatar-Iran đang được tăng cường sau cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, khi các hợp đồng LNG dài hạn của Qatar đến lúc đàm phán lại, người mua có thể tìm kiếm sự đa dạng về nhà cung cấp. Thị trường ngắn hạn lúc này sẽ bị ảnh hưởng và trong tầm nhìn dài hạn, một số đối tượng hưởng lợi của sự chuyển đổi như vậy có thể bao gồm Indonesia và Australia, cả hai nước đều là các nhà xuất khẩu LNG.

“Khủng hoảng” heli

Không thể phủ nhận vai trò của Qatar trong thương mại khí đốt tự nhiên với vai trò là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Qatar đang giữ vị trí thống trị trong thị trường heli toàn cầu. Qatar đang là nhà sản xuất heli đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Trong khi các tàu chở dầu LNG khổng lồ của Qatar tiếp tục mở rộng, xuất khẩu heli của Qatar đã dừng lại hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Qatar đã dừng xuất khẩu heli sang Saudi Arabia để đáp trả vụ phong tỏa - một quyết định làm tăng nguy cơ khủng hoảng. Trước đây, tất cả sản lượng xuất khẩu heli của Qatar đều được vận chuyển qua Saudi Arabia và sau đó lên đường tới các cảng khác. Heli được sử dụng trong tất cả mọi thứ, từ những quả bong bóng tại bữa tiệc sinh nhật đến các ứng dụng quốc phòng. Thị trường khí đốt dễ cháy nhất thế giới này đang là một vấn đề ảnh hưởng nặng nề đối với các công ty công nghiệp.

Đối với các ngành công nghiệp châu Á, heli rất quan trọng cho việc sản xuất điện tử, chất bán dẫn, sợi quang, và một loạt các ứng dụng công nghiệp khác.

Trên trang web của mình, công ty Rasgas của Qatar đã giải thích ngắn gọn về tầm quan trọng của việc xuất khẩu heli của Qatar tới châu Á: "Từ năm 2000, nhu cầu về heli trên thế giới đã tăng khoảng 20%. Tương lai tăng trưởng trong tiêu thụ heli dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu từ các nhà sản xuất điện tử ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan."

Động thái chấm dứt xuất khẩu heli của Qatar sẽ có những tác động lan tỏa khắp các nền kinh tế của Đông Á. Chỉ riêng Hàn Quốc đã nhập một phần ba helium của nó từ Qatar. Iwatani, một công ty Nhật Bản tham gia vào hoạt động buôn bán heli, nói với Reuters rằng chỉ còn một tháng dự trữ heli để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Iwatani đang xem xét các cách mới để nhập khẩu từ Qatar, nhưng sự chuẩn bị về hậu cần sẽ mất một thời gian để lo liệu ổn. Các chuyên gia nói rằng người tiêu dùng heli sẽ bắt đầu cảm thấy tình trạng thiếu hụt trong tháng 7.

Trên thực tế, ngay trước khi Qatar đóng cửa việc cung cấp heli, nhu cầu toàn cầu về khí đốt đã tăng lên 2%/năm. Ngay cả sau khi các tuyến cung cấp mới được tìm thấy, tác động vẫn sẽ còn hiện hữu.

Về lâu dài, các nước châu Á sẽ cần tìm kiếm heli ở nơi khác. Điều này có thể có lợi cho Hoa Kỳ, nước sản xuất heli lớn nhất thế giới và duy trì dự trữ heli quốc gia ở Amarillo, Texas. Cục quản lý đất đai của Hoa Kỳ quản lí một phần năm lượng heli toàn cầu và đã tăng sản xuất heli nhằm phản ứng trước động thái của Qatar.

Nguy cơ đối với thị trường lao động

Đối với các quốc gia châu Á, cuộc khủng hoảng Qatar cũng dẫn đến một sự lúng túng khác khi Qatar đã trở thành một điểm đến quan trọng cho xuất khẩu lao động trong nhiều thập kỷ. Cả Qatar và các quốc gia Ả rập xung quanh là thị trường chính của lao động Nam Á. Thực tế, các công dân Nam Á là nhóm người nước ngoài lớn nhất ở các quốc gia vùng Vịnh.

Cuộc khủng hoảng Qatar hiện đã có tác động đến thị trường lao động. Philippines tạm thời đã cấm người lao động Philippines đến Doha. Còn Qatar cũng đang tìm cách ngăn cản một số lao động người nước ngoài trong các ngành công nghiệp quan trọng rời khỏi nước này trong thời gian cấm vận.

Trong thời gian tới, một cuộc phong tỏa mở rộng đồng nghĩa với việc sẽ có sự sụt giảm trong thị trường xây dựng Qatar do các lệnh cấm vận. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc Qatar có thể hoàn thành cơ sở hạ tầng cần thiết để tổ chức World Cup FIFA 2022 hay không.

Matt Ross, biên tập viên tạp chí Stadia, cho biết: "Các nhà tổ chức giải đấu sẽ cho phép một số chậm trễ ngay từ khi lập ra lịch trình ban đầu", "tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có thể đe dọa cho những sự kiện lớn như vậy".

Cho đến nay, có rất ít khả năng cuộc khủng hoảng Qatar sẽ dẫn đến xung đột cởi mở. Đã có một số tiền lệ khi Bahrain, UAE và Saudi Arabia từng rút lui các đại sứ của họ tại Qatar trong tám tháng vào năm 2014 cũng như gây áp lực về cấm vận và ngoại giao. Để chấm dứt cuộc khủng hoảng lúc đó, Qatar đã đồng ý trục xuất một số lãnh đạo của MB.

Hiện tại, các nước này đã công bố danh sách 13 yêu cầu đối với Qatar – điều Doha cho tới nay khẳng định rằng sẽ không chấp nhận. Dù vậy, bản danh sách trên và phản ứng chính thức của Doha sẽ là những cơ sở cho các cuộc đàm phán để phá vỡ thế bế tắc hiện nay.

(The Diplomat)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/chau-a-nan-nhan-lon-bat-ngo-cua-khung-hoang-vung-vinh-245099.html