Châu Á thoát nghèo giỏi nhưng già quá nhanh

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde khen ngợi nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đã đạt được bước giảm nghèo lớn nhất trong lịch sử nhân loại 'qua việc tạo ra các tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới' chỉ trong một thế hệ.

Riêng Việt Nam, theo nhận định của bà Lagarde, đã từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Phát biểu tại Seoul - Hàn Quốc hôm 7-9, bà Lagarde nhấn mạnh châu Á đang chứng kiến sự khởi đầu một cuộc chuyển dịch kinh tế khác nữa. Theo bà, các thách thức hiện nay không chỉ gồm nợ doanh nghiệp cao và chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy mà còn có các nguy cơ dài hạn như tình trạng lão hóa dân số.

Trung Quốc cũng là quốc gia có dân số lão hóa nhanh Ảnh: DW

Bà Lagarde dẫn chứng dữ liệu nghiên cứu cho thấy dân số ở châu Á đang lão hóa nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, đồng thời cảnh báo tình trạng này có thể là trở ngại lớn nhất của khu vực.

Nhật Bản được dự báo trở thành quốc gia "siêu già" đầu tiên, với 28% dân cư từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, 1/5 dân số ở Hàn Quốc dự kiến đạt tuổi 65 vào năm 2030. Hồi đầu năm, IMF từng khuyến cáo nếu không có giải pháp, "nhiều nơi ở châu Á có nguy cơ già trước khi giàu".

Đài Deutsche Welle (Đức) dẫn lời giám đốc IMF cho biết ở các nước lão hóa nhanh - bao gồm cả Trung Quốc và Thái Lan, lực lượng lao động sẽ giảm bớt và kéo mức tăng trưởng năng suất đi xuống. Điều đáng nói là mức tăng trưởng giảm sút ở Trung Quốc và Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới - sẽ gây ảnh hưởng đáng kể trên toàn cầu.

Do đó, bà Lagarde hối thúc các chính phủ điều chỉnh chính sách nhập cư để thu hút lao động, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách châu Á "tăng cường tỉ lệ nữ giới trong lực lượng lao động".

Lục San

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chau-a-thoat-ngheo-gioi-nhung-gia-qua-nhanh-20170908220158297.htm