Châu Á tiến tới liên minh tiền tệ

Thị trường tài chính châu Á ngày cuối tuần đã đón nhận một tin quan trọng. Tại Hội nghị thường niên lần thứ 10 của Ngân hàng Phát triển châu Á ở Kyoto, các bộ trưởng tài chính Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã đạt được thỏa thuận cơ bản về việc thành lập một quỹ dự trữ ngoại tệ chung trị giá khoảng 2.700 tỷ USD, nhằm ngăn chặn sự lặp lại của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ cách đây 10 năm tại khu vực này.

small_168.jpg Quỹ dự trữ ngoại tệ chung là sự kết hợp một số quỹ dự trữ ngoại tệ của các nước thành viên để tiếp ứng cho nhau khi cần thiết, bảo vệ khu vực khỏi tình trạng rối loạn tiền tệ. Các ngân hàng trung ương thuộc những quốc gia này được trao đổi nguồn dự trữ ngoại tệ nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công đầu cơ vào những đồng nội tệ của ASEAN. Kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997 đến nay, tổng cộng dự trữ tiền tệ của châu Á đã tăng từ 485 tỷ USD lên 3,37 ngàn tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã tăng với tốc độ 1 triệu USD/phút trong quý 1-2007 lên 1,2 ngàn tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc hiện lớn thứ 5 của thế giới với 244 tỷ USD so với 7 tỷ USD vào tháng 11-1997. Cũng có nhiều ý kiến cảnh báo việc đưa quá nhiều tiền vào một hệ thống như thế sẽ tạo ra tình trạng bong bóng tiền tệ trên các thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán châu Á, do nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt trở nên quá lớn. Khi nền kinh tế thế giới trì trệ, các tài khoản này sẽ được rút ra để đưa về nước dưới dạng các tài sản chính. Khi đó, nguồn ngoại tệ dự trữ nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ tài chính lại biến thành đầu cơ trên thị trường, đe dọa đẩy nhanh chu kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo hầu hết ý kiến tại hội nghị này, ngoài mục đích bảo vệ khu vực tránh khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính, quỹ dự trữ ngoại tệ chung này còn là một công cụ cho chính phủ các nước trong khu vực, từng bước thoát khỏi các điều kiện cho vay “khắc nghiệt” của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, nhằm giảm sự phụ thuộc vào tổ chức này trong tương lai. Người ta còn nhớ, để được vay trên 100 tỷ USD, Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc buộc phải cắt giảm chi phí, tăng tỷ lệ lãi suất và bán các công ty thuộc sở hữu nhà nước theo điều kiện cho vay của IMF. Các bộ trưởng tài chính châu Á nhận định, với mục tiêu thiết lập cộng đồng ASEAN hợp nhất vào năm 2020, thì đây là bước đi quan trọng tiến đến thành lập một liên minh tiền tệ, giúp kinh tế châu Á lớn mạnh, vững chắc và ổn định hơn. Thời gian đã chín muồi cho liên minh tiền tệ và kinh tế châu Á.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/28847-chau-a-tien-toi-lien-minh-tien-te