Châu Á xoay chiều kiềm chế Trung Quốc thời Donald Trump

Trung Quốc cảnh cáo Đài Loan quan hệ thân thiết với Mỹ khi ông Donald Trump lên nắm quyền.

Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh nhân vật quyền lực thứ 4 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa ra tại một hội nghị công tác thường niên về chính sách đối với Đài Loan đánh giá quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan trong năm nay thậm chí sẽ trở nên “phức tạp và đáng lo ngại hơn”. Bắc Kinh sẽ kiên quyết phản đối các hoạt động ly khai dưới bất cứ hình thức nào.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Du nhấn mạnh Trung Quốc phải “kiên quyết phản đối và ngăn chặn các hoạt động ly khai dưới bất cứ hình thức nào đòi độc lập cho Đài Loan, phát triển hòa bình quan hệ giữa 2 bờ eo biển Đài Loan."

Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Du Chính Thanh.

Bên cạnh đó, ông Du cũng cho biết Trung Quốc sẽ tìm cách "thống nhất" tất cả các đảng phái và tổ chức ở Đài Loan chấp nhận cả 2 bờ eo biển là một phần của “một Trung Quốc”.

Bình luận trên được chính khách cao cấp Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh ông Donald Trump vừa chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ. Ông Du cho rằng, Mỹ sẽ thay đổi lập trường đối với vấn đề Đài Loan trong thời gian tới.

Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh thuộc chủ quyền của họ nên Đài Loan không có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao với bất kỳ quốc gia nào. Trước thông tin có một phái đoàn đại diện cho Đài Loan tới thăm Mỹ trong ngày ông Donald Trump nhậm chức, phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo Đài Loan không được có bất cứ liên lạc gì với Mỹ. Những lo lắng từ phía Trung Quốc được đưa ra khi Mỹ và Đài Loan thường xuyên bắn những tín hiệu tốt.

Hôm 17/1, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã phát biểu trong cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Đài Loan, Paul Wolfowits - người dẫn đầu phái đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sang thăm Đài Loan rằng, Đài Loan sẽ tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ dựa trên nền tảng hiện nay.

Đáng lưu ý, cuộc gặp diễn ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump nhậm chức, bà Thái khẳng định Đài Loan sẽ tìm cách tăng cường các mối quan hệ kinh tế-thương mại song phương trên nền tảng vững chắc mà đôi bên đã gây dựng.

Mỹ hiện không có quan hệ chính thức với Đài Loan cũng như công nhận chính sách "một Trung Quốc" nhằm bảo vệ quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Tuy nhiên, hai bên duy trì mối quan hệ thân thiết và khăng khít trong nhiều năm qua.

Trung Quốc hành động muốn Washington loại đoàn Đài Loan ra khỏi buổi lễ nhậm chức của ông Trump chủ yếu xuất phát từ việc ông Trump cho thấy nhiều dấu hiệu muốn xác định lại chính sách "một Trung Quốc".

Hồi tuần trước, ông Trump nói rằng ông muốn thỏa thuận lại "chính sách một Trung Quốc" do Washington công nhận hồi năm 1979. Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng bác bỏ khả năng này vì "vấn đề chủ quyền lãnh thổ là không thể đàm phán".

Ông Trump và lãnh đạo Đài Loan xích lại gần nhau.

Ông Trump từng khiến Trung Quốc giận dữ khi điện đàm với bà Thái Anh Văn và trở thành Tổng thống Mỹ đắc cử đầu tiên điện đàm với một lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979. Đồng thời cũng cho phép bà Thái quá cảnh lần 2 ở Mỹ bất chấp các cảnh báo và can ngăn trước đó của Bắc Kinh.

Tổng thống Donald Trump định hình xu hướng kiềm Trung Quốc ở châu Á-TBD

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 21/1 đưa tin, giới phân tích Trung Quốc tin rằng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dùng mọi phương tiện, làm tất cả mọi thứ có thể để gây áp lực lên Bắc Kinh.

Theo đó, Trung Quốc nên sẵn sàng cho một cuộc đối đầu thương mại lớn với Mỹ. Tổng thống Donald Trump sẵn sàng gắn các tranh chấp thương mại với các vấn đề chính trị.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Donald Trump cam kết một trong những ưu tiên của mình là mang lại công ăn việc làm trở lại nước Mỹ. Ông sẽ đặt lợi ích của Hoa Kỳ lên trên hết trong xây dựng chính sách đối ngoại. Sau phát biểu của ông Trump, Nhà Trắng công bố một bản phác thảo chiến lược của ông, trong đó nói Mỹ sẽ "trừng trị thẳng tay những quốc gia vi phạm hiệp định thương mại và gây tổn hại cho người lao động Mỹ".

Washington sẽ sử dụng mọi công cụ theo ý đồ của chính phủ liên bang để kết thúc việc lạm dụng này, tuyên bố của Nhà Trắng lưu ý.

Ông Pang Zhongying, một chuyên gia về các vấn đề Hoa Kỳ tại Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh bình luận, phát biểu của ông Donald Trump cho thấy cách tiếp cận mang nặng chủ nghĩa dân túy.

Ông nói: "Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ không tập trung vào khía cạnh tư tưởng, mà chuyển sang mặt trận kinh tế. Một cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ dường như là không thể tránh khỏi. Trump sẽ làm mọi thứ có thể để ép Trung Quốc phải nhượng bộ. Bắc Kinh cần phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, mặc dù sự phát triển có thể không xấu đến mức chúng tôi dự kiến".

Liu Qing từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cố vấn đặc biệt của chính phủ dự kiến, Washington sẽ áp đặt thuế quan và các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc. Theo nhà phân tích này: "Ông Trump cũng có thể có hành động gián tiếp chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như tăng áp lực lên các nước láng giềng của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thương mại khu vực, qua đó làm tổn hại lợi ích Trung Quốc.

Điều này có thể dẫn đến sự bất ổn cho an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên ngoài những thách thức lớn, vẫn có khả năng hợp tác".

Những chính sách từ phía Trung Quốc, Đài Loan chắc chắn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các ý thức hệ tại Mỹ. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump với những tuyên bố cứng rắn sẽ khiến diễn biến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nóng hơn theo chiều hướng kiềm chế Trung Quốc.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-a-xoay-chieu-kiem-che-trung-quoc-thoi-donald-trump-3327639/