Châu Âu chia rẽ vì 'đa tốc độ'

Giữa lúc việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)-Brexit đang gây nhiều rối ren ở châu Âu, vấn đề châu Âu "đa tốc độ” lại được làm "nóng" cho thấy “vết rạn” ở lục địa già ngày càng lớn hơn...

Phát biểu mới đây tại Diễn đàn kinh tế khu vực, vốn được coi là Diễn đàn Davos phía Đông diễn ra tại Krynica (Ba Lan), Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cảnh báo một châu Âu "đa tốc độ" có thể gây hiệu ứng “Brexit nhiều hơn” và gây sụp đổ EU. Một số quốc gia đầu tàu trong EU là Pháp và Đức ngay từ đầu đã ủng hộ ý tưởng theo đuổi mô hình châu Âu "đa tốc độ”, theo đó, một châu Âu sẽ có các tốc độ phát triển khác nhau.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ ý tưởng châu Âu "đa tốc độ”. Ảnh: EPA

Cảnh báo trên của Tổng thống Ba Lan được đưa ra trong bối cảnh một số nền kinh tế hàng đầu châu Âu thúc đẩy ý tưởng châu Âu "đa tốc độ” để đối phó với tình trạng trì trệ hiện nay ở lục địa già, cũng như những hệ lụy từ Brexit. Tuy nhiên, Ba Lan cùng một số nước thành viên Đông Âu như CH Séc, hiện chưa gia nhập khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đã bày tỏ quan ngại rằng, 19 quốc gia thuộc Eurozone có thể hội nhập một cách nhanh chóng, sâu rộng và bỏ họ lại phía sau.

Tổng thống Andrzej Duda cũng cho rằng, EU sẽ trở nên "kém hấp dẫn” khi một số quốc gia có “tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn và có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng lớn hơn” lại có thể đưa ra những quyết định về sự thịnh vượng của các quốc gia khác.

Mới tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi thúc đẩy ý tưởng về một châu Âu đa tốc độ, đồng thời nhấn mạnh một số quốc gia tiên phong sẽ dẫn dắt tiến trình hội nhập sâu rộng tại EU. Theo đó, Tổng thống Pháp đã đề xuất các kế hoạch bao gồm việc hình thành một ngân sách chung cho khu vực Eurozone đặt dưới sự giám sát của một bộ trưởng tài chính và nghị viện mới của châu Âu, sau khi tiến hành thay đổi cơ cấu quy mô lớn. Sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron hiện nhận được sự ủng hộ từ phía Thủ tướng Đức Angela Merkel. Thủ tướng Angela Merkel khẳng định ủng hộ ý tưởng về ngân sách chung cho khu vực Eurozone, qua đó có thể viện trợ các nước thành viên gặp khó khăn trong thực hiện cải cách kinh tế. Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, “một châu Âu với các tốc độ phát triển khác nhau là điều cần thiết, nếu không chúng ta (EU) sẽ chết”.

Khái niệm về một châu Âu "đa tốc độ” thực ra đã được Willy Brandt, một trong những người tiền nhiệm của bà Angela Merkel, lần đầu tiên nói đến vào năm 1974-một năm sau khi Anh gia nhập EU. Khi đó, khái niệm châu Âu "đa tốc độ” đã phản ánh đúng phần nào thực trạng của EU lúc đó. Với các chính sách về đồng euro, khu vực đường biên tự do đi lại, các vấn đề nội khối, bản quyền và những nguyên tắc tài khóa, EU đã hình thành liên minh mềm dẻo giữa các quốc gia theo đuổi hội nhập ở các tốc độ khác nhau. Sự ra đời của không gian tự do đi lại Schengen và Khu vực đồng tiền chung châu Âu cho thấy rõ nhất mô hình một châu Âu "đa tốc độ" đã sớm được thực hiện.

Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện ý tưởng châu Âu "đa tốc độ”, EU sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có sự phản đối của các nước phía Đông đang lo ngại bị đẩy lại phía cuối con tàu châu Âu. Nhất là với các nước thành viên mới gia nhập EU sau này, đây sẽ là một mối đe dọa. Nó gây mối quan ngại sẽ nới rộng khoảng cách giữa Đông và Tây đối với các vấn đề như nhập cư, tiền tệ và quy định luật pháp.

Hiện các vấn đề như Khu vực đồng tiền chung châu Âu hay cuộc khủng hoảng nhập cư đã trở thành những vấn đề gây bất đồng gay gắt giữa các quốc gia thành viên. Hiện Ba Lan cương quyết không chịu khuất phục trước các đối tác lớn nhất EU, buộc nước này và một số nước khác phải tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn theo hệ thống hạn ngạch tái phân bổ người di cư sang các nước thành viên của khối. Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo nhấn mạnh: Ba Lan không thể nhún nhường trước đe dọa cắt giảm quỹ hỗ trợ từ EU do không đồng ý với kế hoạch của khối về tái phân bổ người di cư từ Bắc Phi và Trung Đông.

Hơn nữa, thực tế là ý tưởng về một châu Âu "đa tốc độ” từ lâu đã gây nhiều tranh cãi bởi nó ám chỉ đẳng cấp khác nhau của các thành viên trong EU-một khối thống nhất và luôn cho rằng các thành viên bình đẳng với nhau. Do vậy, giới phân tích cảnh báo việc thúc đẩy ý tưởng châu Âu "đa tốc độ” cần phải được tiến hành cẩn trọng, nếu không sẽ làm mất đi bản sắc thống nhất và bình đẳng mà EU vẫn đề cao.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chau-au-chia-re-vi-da-toc-do-517097