Châu Âu độc lập với Mỹ, Nga có lợi hơn không?

"Cuộc ly hôn xuyên Đại Tây Dương" của châu Âu và Mỹ đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel nảy mầm, Nga sẽ được lợi?

Sau Hội nghị Thượng đỉnh các nước có ngành kinh tế lớn G7 tại Italia, những biểu hiện của cuộc ly hôn giữa châu Âu và Mỹ đang manh nha được hình thành, đặc biệt là sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và châu Âu ở một số vấn đề. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói "châu Âu phải tự định đoạt số phận của mình".

Trả lời báo chí về câu hỏi Bộ Ngoại giao Nga có nhận thấy ảnh hưởng dần suy yếu của Mỹ đối với các chính trị gia châu Âu và cuộc ly hôn này sẽ có lợi cho mối quan hệ của Nga với EU hay không, người phát ngôn Maria Zakharova cho biết chỉ "hơi ngạc nhiên" khi nghe được tuyên bố rằng châu Âu muốn độc lập hơn. Và Nga không đánh giá rằng nó tốt hơn cho Nga hay không.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

"Điều này ít có ảnh hưởng tới công việc của Bộ Ngoại giao Nga. Thành thật mà nói, chúng tôi đã không cố gắng để xem liệu ảnh hưởng này sẽ làm suy yếu hay giúp châu Âu phát triển mạnh mẽ hơn... Chúng tôi đã hơi ngạc nhiên trước tuyên bố rằng, châu Âu nên quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của mình và tự định đoạt số phận trong tay mình" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, EU là một liên minh tự cung tự cấp, có tiềm năng về chính trị, kinh tế và con người, không cần thêm bất kỳ phạm vi ảnh hưởng nào hay bởi bất kỳ ai quản lý.

"Chúng tôi đã nghĩ như vậy khi EU thực hiện các quyết định thực sự độc lập... Chúng ta đã nhìn thấy những thành tựu quan trọng, những đóng góp tích cực của EU vào việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Đó là một vai trò hoàn toàn độc lập. Nhưng đáng tiếc, điều đó đã là quá khứ.

Trong những năm gần đây, chúng tôi đã không thấy bất kỳ dấu hiệu nào về sự độc lập này và vì vậy, những tuyên bố mà báo chí đã đề cập đến, chúng tôi không có bình luận gì" - bà Maria Zakharova nói.

Dẫu vậy, bà Zakharova tin tưởng rằng, chính sách về ngoại giao của châu Âu là có tiềm năng, như họ đã từng làm được trong lịch sử và sẽ sớm tìm lại tiếng nói độc lập của mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói: "Tại sao ngoại giao châu Âu lại trở nên không có hiệu quả và thiếu sáng kiến? Tại sao lại cho phép điều này xảy ra và liệu họ có bỏ một phần quyền tự do của mình hay không? Một lần nữa, châu Âu có tiềm năng mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực sẽ đủ sức lấy lại được tiếng nói độc lập của mình".

Nga sẽ có lợi nếu EU "tách" Mỹ?

Trên thực tế, tuyên bố trên của Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đám đông người ủng hộ ở miền Nam nước Đức đã cho thấy một thay đổi lớn trong nhận thức chính trị ở quốc gia châu Âu này.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập là để đưa nước Đức vào khuôn khổ dưới sự bảo đảm của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế khả năng xảy ra thảm họa như ở Chiến tranh thế giới lần 1 và 2.

Tổng thư ký NATO từng nhận xét là khối quân sự này được hình thành là để "không cho người Nga vào, người Mỹ là trung tâm và kiềm chế người Đức". Và giờ đây, bà Merkel đã gợi ý rằng người Mỹ không còn là trung tâm của NATO và Đức cùng với châu Âu mở rộng vai trò của mình để có thể độc lập về an ninh hơn, lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua.

Nhận xét của bà Merkel đưa ra trong bối cảnh uy tín của Mỹ tại NATO đang xuống thấp khi Tổng thống Donald Trump không cam kết sẽ thực hiện điều 5 trong hiệp ước NATO.

Phản ứng của Tổng thống Mỹ làm xói mòn niềm tin rằng Hoa Kỳ là một đối tác đáng tin cậy và ông Donald Trump đã làm phật lòng các đồng minh truyền thống ở châu Âu khi nói rằng, ông không nhấn mạnh sự khác nhau về quan điểm quyền con người của các nước.

Châu Âu đang muốn "tách" Mỹ và độc lập để kết hợp với Nga.

Thay vào đó tuyên bố của bà Merkel cho thấy một vị thế khác của EU, một liên minh mạnh hơn, tự tin hơn và hoàn toàn không cần xem lãnh đạo Mỹ đang muốn gì.

Trong khi đó, sự ấm lên giữa quan hệ Đức - Nga và chuyến thăm Pháp mới đây của Tổng thống Putin đang mang tới nhiều hy vọng cho mối quan hệ lâu nay bị rạn vỡ vì các ảnh hưởng từ Washington.

Bản thân Pháp và Đức cũng muốn đưa Nga trở lại quỹ đạo đối thoại với châu Âu. Vì không có Nga, Châu Âu cũng không thể giải quyết các vấn đề Syria, Ukraine. Đây là điều mà chính Tổng thống Pháp nhận định.

Trước đây, trong các nhà lãnh đạo châu Âu, ông Putin chỉ đánh giá cao bà Merkel thậm chí bà Merkel được coi là người duy nhất nói chuyện được với ông Putin. Việc ông Macron có thể trở thành người đối thoại tiếp theo của ông Putin cũng là diễn biến tích cực, nhưng cũng không có gì bất thường, là điều dễ hiểu và cần làm. Nga và Pháp là hai quốc gia quan trọng trong Hội đồng Bảo an, cần có sự đối thoại, phối hợp vì lợi ích của cả hai bên.

Với tư tưởng đặc biệt mới mẻ của Tổng thống Pháp trẻ tuổi, có một số quan điểm cho rằng ông Putin có thể sử dụng chính sách thắt chặt quan hệ với Pháp để phá vỡ thế bao vây của EU với Nga. Tuy nhiên, vì ông Macron cũng là người ủng hộ mạnh mẽ sự gắn kết trong châu Âu, hăng hái nhất trong việc xây dựng một châu Âu vững mạnh nên việc qua con người ông Macron để gây phá vỡ chính sách chung của EU cũng là điều không dễ làm.

Còn quá sớm để đánh giá châu Âu có thực sự muốn làm nên một "cuộc ly hôn xuyên Đại Tây Dương với Mỹ", hay châu Âu sẽ bứt phá để tìm sự độc lập như trước đây, nhưng các tín hiệu tích cực cho Nga là có thể tính đến.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chau-au-doc-lap-voi-my-nga-co-loi-hon-khong-3336784/