Châu Âu 'khóc đứng khóc ngồi' vì thép Trung Quốc!

Những dự báo của giới nghiên cứu về khả năng xâm nhập các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến hệ thống hàng tiêu dùng toàn cầu đã đến hồi trở thành hiện thực. Điều đáng nói, điều này tưởng như chỉ rất khủng khiếp với các mặt hàng tiêu dùng, thì lại xảy ra tình trạng “vỡ bờ” rất sớm ở khu vực hàng nguyên liệu công nghiệp mà trước tiên và rõ nhất là ngành thép.

Tâm lý “sợ hãi” trước sự tấn công của ngành thép Trung Quốc đối với ngành thép của các nước Châu Âu trong thời gian qua đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 6/2 vừa qua, thể hiện qua việc Bộ trưởng Kinh tế của bảy nước châu Âu (Pháp, Anh, Đức, Italy, Ba Lan, Bỉ và Luxembourg) “cực chẳng đã” khi phải gửi “tâm thư” thúc giục Liên minh châu Âu (EU) “giải cứu” ngành thép của các nước này trước khủng hoảng rớt giá thép kéo dài và có nguy cơ đi vào bế tắc, thậm chí sụp đổ ngành thép, trước sự cạnh tranh không cân sức với giá thép “đại phá giá" từ phía Trung Quốc.

Luyện thép tại nhà máy thép Tangshan, tình Hà Bắc (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Việc 7 quốc gia phải ra bức thư để khẩn khoản van vỉ Liên minh châu Âu bảo vệ ngành thép của họ chẳng khác nào những tiếng khóc van, những tiếng kêu thương không chỉ thể hiện nỗi lo sợ, mà đằng sau đó còn là sự bất lực, mất phương hướng trong quá trình tự tìm kiếm con đường giải cứu ngành thép. Đây thực sự là “tấn bi kịch” lớn của “thất hùng” trong lục địa già Châu Âu.

Điều này được Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom xác nhận: sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng 50% trong năm 2015 đã khiến thị trường thép toàn cầu và châu Âu mất ổn định.

Từ năm 2008 đến nay, 85.000 lao động (khoảng 20% lao động) trong ngành thép ở Châu Âu đã bị thất nghiệp do cơn bão hạ giá thép bởi 2 nguyên nhân chính: sự tấn công của thép rẻ Trung Quốc và nhu cầu sử dụng giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Trong các tiếng “kêu thương” thảm thiết và căm hận của ngành thép Châu Âu, hãng thép ArcelorMittal (Luxembourg) ngày 5/2 đã chỉ rõ: nguyên nhân gây ra thiệt hại tới 8 tỷ USD trong năm 2015 và hàng nghìn nhân công ngành này bị mất việc chính là vì giá thép rẻ của Trung Quốc.

Là khu vực sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, các nước EU lo sợ sụp đổ ngành thép vì Trung Quốc là hoàn toàn có căn cứ. Bởi cú trượt dài thiệt hại trầm trọng trong thời gian qua được dự báo chưa phải là điểm cuối. Mà nguy cơ thất bại còn lớn hơn khi Trung Quốc được công nhận nền kinh tế thị tường trong thời gian tới. Axel Eggert - Chủ tịch Hiệp hội thép châu Âu (Eurofer), Axel Eggert đã đưa ra cảnh báo khiến cả Châu Âu “đứng ngồi không yên” khi cho rằng nếu trong năm 2016 Trung Quốc được công nhận là nền kinh tế thị trường thì sẽ có khoảng 3,5 triệu việc làm sẽ mất, trong đó có 330.000 người lao động trong ngành thép.

Có nghĩa là, nỗi lo của Châu Âu không chỉ đến từ sự ảm đảm của hiện tại, mà còn bị ám ảnh bởi “bóng đen” đang đe dọa trước mặt. Điều này là có cơ sở khi xuất hiện đầy đủ các dấu hiệu cho thấy chính EU cũng sẽ công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường sau tháng 12/2016.

Trước nguy cơ lớn này, các bộ trưởng của 7 quốc gia nói trên thống thiết đề nghị Liên minh Châu Âu thực hiện những chính sách cứng rắn để đảm bảo sự sống còn của ngành thép. Trong đó, không loại trừ các biện pháp “nội chính” nhằm điều tra các hoạt động của ngành thép Trung Quốc với mong muốn loại trừ những “chính sách bẩn” nếu có trong cuộc chơi rất khó đảm bảo sự công bằng, sòng phẳng này.

Vì những lẽ đó, chúng ta cùng chờ xem Liên minh Châu Âu sẽ có những giải pháp nào để cứu ngành thép của họ. Và hy vọng rằng, bức thư của “thất hùng” (Pháp, Anh, Đức, Italy, Ba Lan, Bỉ và Luxembourg) gửi Liên minh Châu Âu sẽ là lời khẩn cầu tìm được “chiếc đũa thần” để giải cứu cho thế bí của họ, chứ không phải như là những tiếc khóc thương thảm thiết trước giờ "con tàu Titanic" của ngành thép chìm nghỉm vào vực sâu tuyệt vọng./.

Chí Linh Sơn

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201602/chau-au-khoc-dung-khoc-ngoi-vi-thep-trung-quoc-2664282/