Châu Âu: Nền kinh tế có sức đề kháng

Những chao đảo của thị trường tín dụng Mỹ đã khiến sàn giào dịch cổ phiếu toàn cầu từ Âu sang Á đỏ rực. Kinh tế Mỹ hắt hơi thì kinh tế châu Á đang phập phồng cảm lạnh, nhưng các nền kinh tế châu Âu vẫn tin rằng họ có sức đề kháng tốt hơn

ca251 Mỹ: khủng hoảng lòng tin Ngày 16.3, FED (cục Dự trữ liên bang Mỹ) ra sức cứu Bear Stearns (BSC) bằng cách bơm tiền cho JPMorgan Chase (JPM) để mua lại BSC. Có thời giá cổ phiếu của BSC lên đến 170 USD, vậy mà đến lúc chuyển giao cho JPM mỗi cổ phiếu của BSC giá chỉ còn khoảng 2 USD. Tồn tại 85 năm qua, là ngân hàng lớn thứ năm của Mỹ và được đánh giá là ngân hàng giỏi xoay xở với khủng hoảng, BSC từng vượt qua những sóng gió của cuộc đại suy thoái kinh tế Mỹ vào thập niên 30. Vậy mà giờ đây BSC lại ngã gục vì các khoản nợ xấu khổng lồ, và các tác động của cơn khủng hoảng của thị trường tín dụng Mỹ. Cứu BSC cũng là cách FED ngăn chặn một nguy cơ sụp đổ dây chuyền lan ra các tổ chức tài chính khác của Mỹ. FED cũng tuyên bố sẵn sàng cho các nhà môi giới chứng khoán lớn ở phố Wall vay trực tiếp hàng trăm tỉ USD. Đây là một ngoại lệ vì xưa nay các nhà môi giới chứng khoán không được phép tiếp cận vốn từ ngân hàng trung ương. Ngày 18.3, FED một lần nữa cắt giảm lãi suất cơ bản từ 3% xuống còn 2,25%. Đang ra sức ngăn chặn cơn khủng hoảng tín dụng này lan nhanh ra các khu vực kinh tế khác và dẫn đến việc “cỗ máy kinh tế” trượt dốc thả phanh, nhưng cách xử lý này của FED cũng đang gây hoang mang cho nền kinh tế. Bên cạnh cuộc khủng hoảng của thị trường tín dụng, đang có một cuộc khủng hoảng khác về lòng tin khi người gửi tiền đang mất lòng tin vào các ngân hàng, còn nhà đầu tư mất lòng tin vào cổ phiếu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc cắt giảm lãi suất có thể khiến đồng USD mất giá nhanh hơn, theo đó lạm phát cũng tăng nhanh và giá tiêu dùng cũng tăng cao hơn. Tuần báo Business Week hôm 18.3 nhận xét việc FED cắt giảm lãi suất căn bản sẽ khiến người dân Mỹ giảm chi tiêu và ngại vay mượn. Chỉ số tiêu dùng của Mỹ vào tháng 2.2008 giảm đến mức thấp nhất trong năm năm qua xuống còn 75,0, trong khi vào tháng 1.2008 chỉ số này là 87,3. Tiêu dùng giảm cộng thêm việc USD mất giá khiến các doanh nghiệp Mỹ giảm doanh thu kéo theo việc sa thải người lao động ngày càng nhiều. Số lượng người mất việc ở Mỹ đã tăng đột biến từ 22.000 vào tháng 1.2008 lên đến 63.000 người vào tháng 2.2008, đạt tỷ lệ 4,9%, cao nhất trong năm năm qua. Châu Âu: có sức đề kháng Nền kinh tế Mỹ suy yếu và đồng USD mất giá đã gây ra những ảnh hưởng toàn cầu. Ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone), xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề khi đồng USD mất giá. Sức tiêu thụ của người Mỹ giảm, cùng với việc giá dầu thô tăng cao đã khiến hàng hóa xuất khẩu của châu Âu điêu đứng. Mức sản xuất hàng hóa của khu vực Eurozone trong quý 1/2008 vì thế đã giảm xuống mức thấp nhất từ 2005 đến nay. Các doanh nghiệp nhỏ sản xuất sản phẩm thủ công như pha lê của Dublin - Ireland, đồng hồ của Đức, rượu nho trắng của Ý hiện đang điêu đứng vì thị trường xuất khẩu lớn nhất giảm sức mua và lợi nhuận giảm do đồng USD mất giá. Tuy nhiên, phát biểu vào ngày 20.3, ông Jorgen Elmeskov, lãnh đạo OECD (tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế), nhấn mạnh: “Kinh tế Mỹ sẽ xuống dốc nhanh chóng trong hai quý đầu năm nay, nhưng châu Âu không có một dấu hiệu nào hay lý do nào lâm vào tình trạng giống như Mỹ”. Về căn bản, mức tăng trưởng tại Eurozone sẽ duy trì ở mức 1,5%. Một trong những lý do khiến các nhà lãnh đạo khu vực Eurozone tự tin mình có đủ sức đề kháng là vì khu vực này không phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, và cân bằng cung cầu của thị trường trong khu vực đang ổn định. Khu vực Eurozone từng có kinh nghiệm đối mặt với việc đồng USD giảm giá so với đồng euro (vào năm 2004, đồng USD từng giảm giá 40% so với tỷ giá đồng euro của năm 2003), vì vậy cũng đã có kinh nghiệm phòng ngừa rủi ro. Việc đồng USD mất giá sẽ làm trì trệ lĩnh vực xuất khẩu của châu Âu nhưng lại đang mở ra các cơ hội khác cho các nhà đầu tư châu Âu khai thác thị trường du lịch Mỹ vốn đang rẻ hơn vì đồng USD mất giá. Hàng hóa Mỹ đang ở mức rẻ kỷ lục đối với người dân châu Âu sử dụng euro, giá địa ốc tại Mỹ giảm, và các công ty Mỹ làm ăn thua lỗ là cơ hội cho các nhà đầu tư châu Âu đổ tiền vào Mỹ. Chuyên gia Andreas Rees, tập đoàn tài chính UniCredit ở Munich, Đức, nhận xét: “Nếu kinh tế Mỹ suy thoái, châu Âu sẽ không song hành, mặc dù sẽ có những khó khăn. Nhờ hai nền kinh tế vững vàng Pháp và Đức, cùng với sự lớn mạnh nhanh chóng của các nền kinh tế khác, châu Âu sẽ tự điều chỉnh linh hoạt và hiệu quả hơn”. Một đồng euro mạnh Từ tháng 10.2005, một nghiên cứu do báo Economist thực hiện đã đưa ra kết luận đồng euro sẽ trở thành đồng tiền thống trị hệ thống tiền tệ thế giới, mặc dù vào thời điểm đó đồng USD chiếm 70% nguồn tiền dự trữ của các nước. Việc đồng USD bắt đầu giảm giá từ cuối năm 2007 đã khiến ngày càng có nhiều nước chuyển nguồn dự trữ ngoại tệ và các hoạt động giao dịch buôn bán từ USD sang euro. Đầu năm 2007, ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho biết các nước xuất khẩu dầu mỏ quan trọng đã thay dự trữ ngoại tệ từ USD sang euro và yen Nhật. Trước đó, vào quý 2/2006, các nước OPEC đã giảm dự trữ đồng USD xuống còn 5,3 tỉ, trong khi tăng dự trữ euro lên 2,8 tỉ, và yen lên 3,8 tỉ. Tiền bán dầu thu bằng USD giảm từ 67% xuống 65%, trong khi thu bằng đồng euro tăng từ 2% lên 22%.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29798-chau-au-nen-kinh-te-co-suc-de-khang