Châu Âu phản ứng mạnh vì bị Mỹ do thám

KTĐT - Giữa lúc cả châu Âu đang sôi sục với thông tin lãnh đạo, người dân và các doanh nghiệp bị cơ quan tình báo Mỹ theo dõi, không ngạc nhiên khi Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu (EU) vốn được triệu tập để bàn thảo về kinh tế đã dành nhiều thời lượng để bàn thảo và ra hẳn một Tuyên bố đề cập đến hoạt động do thám đồng minh của Washington.

Theo kế hoạch, trong hai ngày (24 - 25/10), lãnh đạo 28 nước thành viên EU nhóm họp để tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế công nghệ cao, tăng trưởng và việc làm, cũng như vấn đề liên minh kinh tế - tiền tệ của khối. Tuy nhiên, Hội nghị đã bị bao trùm bởi bầu không khí căng thẳng khi lãnh đạo nhiều nước trong khu vực như: Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Bỉ, Áo và Đức cho rằng việc Mỹ theo dõi liên lạc cá nhân của công dân các nước châu Âu là không thể chấp nhận được. Ngay trước khi Hội nghị khai mạc, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Pháp Francois Hollande để thảo luận cách phối hợp nhằm "đáp trả" đối với hành động trên của Mỹ.

Tổng thống Pháp F.Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận trước thềm Hội nghị. Ảnh: AFP

Tuyên bố của Hội nghị nêu rõ, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước đã thảo luận về những diễn biến gần đây liên quan tới các vấn đề tình báo tiềm tàng, cũng như những quan ngại sâu sắc của các công dân châu Âu về các sự vụ này. Điều này tác động đến quan hệ trong nội bộ các nước châu Âu cũng như trong quan hệ với Mỹ. Và sự thiếu lòng tin có thể gây phương hại sự hợp tác cần thiết trong lĩnh vực thu thập tin tình báo cũng như làm suy giảm niềm tin giữa các đồng minh với nhau. Ngoài ra, lãnh đạo EU cũng cho biết, Pháp, Đức và các nước thành viên khác muốn tiến hành thảo luận song phương với Mỹ trước cuối năm nay để tìm kiếm giải pháp trong vấn đề này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso nhấn mạnh, Hội nghị có thêm nhiệm vụ đẩy nhanh việc thông qua luật mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân EU vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2014. Trong một diễn biến mới nhất, Tây Ban Nha đã triệu Đại sứ Mỹ yêu cầu giải thích về cáo buộc do thám một loạt nước châu Âu.

Ngoài ra, vấn đề di cư cũng là một chủ đề nóng tại Hội nghị sau 2 vụ chìm tàu liên tiếp ở ngoài khơi Italia khiến hơn 400 người di cư chết đuối. Theo thống kê, đã có khoảng 17.000 - 20.000 người thiệt mạng khi cố vượt biển Địa Trung Hải di cư tới châu Âu trong hai năm qua. Trong ngày 25/10, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về vấn đề nâng cao hiệu quả của chính sách nhập cư và chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" diễn ra vào cuối tháng sau.

Ngày 24/10, Nhật báo The Guardian (Anh) đăng tải thông tin cho biết, một quan chức giấu tên trong Chính phủ Mỹ đã cung cấp cho NSA 200 số điện thoại của nhiều quan chức quốc tế, trong đó có số điện thoại của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới. Cùng ngày, tờ Le Monde (Pháp) công bố các báo cáo mới cho thấy NSA đã nghe lén gần 125 tỷ cuộc gọi/tháng của các chủ thuê bao trên toàn thế giới.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/quoc-te/su-kien-binh-luan/2013/10/810209ca/chau-au-phan-ung-manh-vi-bi-my-do-tham/