Chạy đua trong đêm, cứu sống bệnh nhân người Nhật mắc hội chứng động mạch chủ biến chứng hiếm gặp

Bệnh nhân người Nhật nhập viện vì bóc tách động mạch chủ ngực cấp kèm biến chứng nhồi máu tủy gây liệt 2 chi dưới cần phẫu thuật gấp nếu không sẽ ảnh hưởng tính mạng. Đáng lo ngại, bệnh nhân nhập viện mà không có người thân đi cùng. Tạm thời gạt qua các thủ thục pháp lý, tài chính thường quy, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu để cứu sống bệnh nhân.

Bệnh nhân hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật (ảnh N.P)

Đó là một trường hợp ca bệnh hiếm mà các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM vừa cứu sống kịp thời. Bệnh nhân là ông N.K (43 tuổi) được chuyển từ Bệnh viện FV đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM vào chiều ngày 27.7 trong tình trạng yếu hai chân. Người bệnh là giám đốc một công ty của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam. Tại Bệnh viện FV, bệnh nhân đã được chụp MSCT cấp cứu, phát hiện bệnh lý động mạch chủ cấp.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, ghi nhận người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, thể trạng dư cân, hai chân còn cử động được nhưng sức cơ rất yếu, bí tiểu. Sau khi thăm khám, phân tích MSCT và hội chẩn cùng bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch kết luận đây là một trường hợp bóc tách động mạch chủ ngực cấp, biến chứng nhồi máu tủy gây liệt 2 chi dưới trung ương cấp tính.

TS.BS. Nguyễn Hoàng Định – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhận định: “Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng khá nặng nề của hội chứng động mạch chủ cấp, nếu để càng lâu, khả năng phục hồi càng thấp”. Bệnh nhân không có người thân đi cùng. Bệnh viện cũng liên hệ với Lãnh sự quán Nhật tại Việt Nam nhưng đã hết giờ làm việc, việc tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết cho trước phẫu thuật trở nên khó khăn. Tuy nhiên, đứng trước tính mạng bệnh nhân bị đe dọa, các bác sĩ vẫn quyết định sẽ phẫu thuật. Đến khoảng 23 giờ đêm, nhờ người chị gái của bệnh nhân đang sống tại Nhật mới có thể liên hệ với bệnh viện và để lại lời nhắn: “đồng ý thực hiện phẫu thuật cho em trai”.

BS Nguyễn Hoàng Định cho biết, chiến lược điều trị cho người bệnh là đặt dẫn lưu dịch não tủy và can thiệp đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ để bít lỗ vào của bóc tách. Khó khăn đặt ra là lỗ vào nằm ngang vị trí xuất phát của động mạch dưới đòn trái, ống ghép khi đặt vào sẽ che phủ lỗ xuất phát của động mạch này. Kỹ thuật Hybrid (phối hợp phẫu thuật và can thiệp nội mạch) là một phẫu thuật khó và phải chuẩn bị rất nhiều khâu. Việc huy động đủ phương tiện, ê-kip các bác sĩ đến từ nhiều chuyên khoa trong đêm là một nỗ lực lớn của bệnh viện. Ca phẫu thuật kéo dài từ 23 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Các bác sĩ phẫu thuật chuyển vị động mạch dưới đòn trái, cắt rời động mạch dưới đòn trái khỏi động mạch chủ và nối vào động mạch cảnh chung trái, sau đó tiến hành can thiệp đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ ngực xuống.

Thủ thuật tiến hành thuận lợi, người bệnh đã qua cơn nguy cấp và có sự hồi phục ngoạn mục, sức cơ hai chân cải thiện nhiều, chỉ còn yếu nhẹ, người bệnh tiêu tiểu tự chủ được, hiện đang được theo dõi tại phòng hồi sức tim mạch.

PGS.TS.BS Phạm Thọ Tuấn Anh, Cố vấn ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, hội chứng động mạch chủ cấp là tình trạng cấp tính của động mạch chủ ngực gây nên bởi sự mất liên kết của lớp nội mạc và trung mạc động mạch. Hậu quả là bóc tách động mạch chủ cấp, loét xuyên thành, hoặc huyết khối nội thành. Hội chứng động mạch chủ cấp xảy ra ở nam giới với tần suất cao hơn nữ giới. Các nguyên nhân làm cho thành động mạch chủ yếu hơn so với bình thường, giảm khả năng chịu đựng lực căng thành có thể gây ra bệnh động mạch chủ cấp. Các nguyên nhân này có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải, thường gặp nhất trong nhóm mắc phải là tăng huyết áp cùng với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, rối loạn lipid máu.

Theo TS. BS Nguyễn Hoàng Định, người bệnh bị biến chứng nhồi máu tủy như bệnh nhân N.K là biến chứng hiếm gặp nhất, chiếm dưới 1%, hậu quả cuối cùng là liệt chi vĩnh viễn, càng để lâu khả năng phục hồi chi càng ít đi. Người bệnh này đã được dẫn lưu dịch não tủy tại phòng hồi sức song song với điều trị hạ huyết áp, kế đến đặt ống ghép nội mạch tại vị trí lỗ vào, bảo tồn động mạch dưới đòn trái, tất cả nhằm mục đích làm giảm áp lực chèn ép tủy.

Khương Quỳnh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/y-duc-y-nghiep/chay-dua-trong-dem-cuu-song-benh-nhan-nguoi-nhat-mac-hoi-chung-dong-mach-chu-bien-chung-hiem-gap-580134.bld